Bến Tre:
Huyền thoại bến tàu không số
(Dân trí) - Trong kháng chiến chống Mỹ, bến Thạnh Phong tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí trên những chuyến tàu không số huyền thoại. Đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây ra sức phấn đấu, xây dựng kinh tế trên mảnh đất hào hùng năm xưa.
Bến sông huyền thoại
Vùng đất Thạnh Phong (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước là vùng căn cứ địa của cách mạng nhờ địa thế hiểm trở. Tại đây vào đầu tháng 4/1946, khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển – PV). Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Đào Công Trường, Tư lệnh khu 8- Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt lên khó khăn, ra đến miền Bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ chuyến mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí của đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển.
Tháng 6/1962, trên các chuyến tàu Phương Đông 1 và Phương Đông 4, các đồng chí của hai đội tàu Bến Tre đã xuất phát về miền Nam, với số vũ khí ban đầu được miền Bắc chi viện. Ngày 17/6/1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến, và chỉ sau hai đêm, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ cất giấu và trung chuyển an toàn.
Trong thời gian từ tháng 6/1963 đến tháng 11/1970, có 28 chuyến tàu cập bến Bến Tre, gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Trong số gần 1.500 tấn vũ khí, vật chất được đơn vị A101 - bến Bến Tre tiếp nhận tại đầu cầu xã Thạnh Phong có chưa tới 5% lượng vũ khí, vật chất bị thất thoát.
Ông Huỳnh Phước Hải (75 tuổi), cựu thủy thủ trên tàu không số, nhớ lại: “Năm 1961, tôi được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra Bắc. Sau khi ở lại hơn một năm để học tập, huấn luyện, đến năm 1962 chở chuyến vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó tôi tham gia 7 chuyến tàu nữa với bao khó khăn, nguy hiểm, nhiều đồng đội đã hy sinh, nằm yên nơi biển cả quê hương”. Theo ông Hải, không chỉ riêng bến Thạnh Phong, đoàn tàu không số còn nhận nhiệm vụ vận chuyển rất nhiều vũ khí ở các bến Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh…
Khi vũ khí từ miền Bắc vận chuyển vào đất liền được quân và dân tại bến tiếp nhận, đưa vào vùng căn cứ, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là A101 - bến Bến Tre, được thành lập theo Quyết định của Quân ủy Trung ương vào ngày 19/9/1962. Đơn vị này mang bí số B3, trực thuộc Đoàn 962/Đoàn vận tải 759 của Bộ Quốc phòng (sau là Lữ đoàn Hải quân 125). Nơi đây có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào vùng căn cứ.
Ông Nguyễn Văn Rừng, SN 1948 (ngụ xã Thạnh Phong) người từng được giao nhiệm vụ tải đạn khi chiếc tàu không số cập bến kể lại: “Năm 1963 có con tàu mắc cạn ngoài Cồn Lợi, lực lượng bộ đội không thể tải hết đạn, vũ khí trong thời gian ngắn nên huy động hàng trăm thanh niên trong huyện đến đây vận chuyển vũ khí vào vùng căn cứ. Khi đó tôi còn là một thanh niên nên cũng được huy động ra tàu lớn chuyển vũ khí vào bờ rồi vác đường bộ đi suốt hơn nửa tháng mới đến địa điểm an toàn ở tận huyện Mỏ Cày. Sau chuyến đi ấy, tôi tham gia bộ đội cho tới ngày giải phóng”.
Theo ông Rừng, địa điểm bến Thạnh Phong rất thuận lợi để tàu cập bến vì xung quanh toàn rừng cây. Biết được điều này, năm 1964 bọn Mỹ, Ngụy rải chất độc khiến toàn bộ khu rừng trụi lá rồi đốt cháy nhằm chặn đường vận chuyển vũ khí của ta. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi mưa xuống, lớp tro trở thành dưỡng chất giúp rừng xanh tốt và tiếp tục là nơi che chở an toàn cho quân và dân ta.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị (SN 1930), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhận định: “Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến phong trào Đồng Khởi 1960, vũ khí của quân và dân ta rất thiếu thốn. Thời đó, khi tham gia lực lượng du kích ở địa phương chỉ duy nhất xã đội trưởng có một khẩu súng, còn lại thì chỉ đi theo tập đội hình, học cách tháo lắp, cầm súng… chứ chưa có cây súng trong tay. Sau năm 1962, nhờ những chuyến tàu không số huyền thoại đã vận chuyển một lượng lớn vũ khí vào miền Nam góp phần rất lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Đổi thay nơi bến tàu huyền thoại
Những ngày đầu tháng 4, men theo Quốc lộ 57 chúng tôi về lại xã biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) để tìm lại bến tàu huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng đất nghèo khó, toàn rừng rậm ngày xưa giờ đã thay đổi từng ngày. Năm 2010, ngay vàm Khâu Băng (xã Thạnh Phong) được xây dựng nghĩa trang, tượng đài để ghi nhớ công ơn những chiến sĩ trên những chuyến tàu không số.
Những cán bộ chiến sĩ, người dân anh dũng năm xưa giờ trở về với đời thường hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới bên bến Thạnh Phong huyền thoại. Ông Nguyễn Văn Rừng sau giải phóng trở về quê hương tiếp tục tham gia công tác ở địa phương nhiều năm liền Trưởng ấp, Bí thư ấp Thạnh Hòa (Thạnh Phong). Bây giờ, tuổi đã cao ông Rừng không tham gia công tác nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, tham gia sản xuất ở địa phương. Ông Rừng cho biết: “Sau giải phóng vùng đất này vẫn còn hoang vu với 20 hộ dân trong ấp còn bám trụ lại. Sau đó, chính quyền đưa dân vô xây dựng kinh tế mới với hơn 100 hộ dân rồi đầu tư phát triển thủy lợi, làm đường, cho dân xay vốn để phát triển sản xuất”.
Theo ông Rừng, 40 năm sau ngày giải phóng, toàn ấp giờ đã có 515 hộ sinh sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm trên 10% (65 hộ) người dân nơi đây đang từng bước cải tạo vùng đất hoang hóa ngày xưa để chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế trọng tâm vẫn là nông nghiệp với mô hình nuôi tôm công nghiệp, trồng dưa hấu, xoài, hoa màu, nuôi bò… Do giá cả bấp bênh, dịch bệnh nên đời sống một số hộ dân vẫn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tất cả người dân đều đồng lòng xây dựng, phát triển kinh tế bên bến tàu không số huyền thoại.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Phong cho biết: “Vùng đất Thạnh Phong anh hùng trong kháng chiến ngày xưa giờ thay đổi rất nhiều, hiện tại địa phương đang tích cực đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới. Xã đã đạt được 7 tiêu chí nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây đang phấn đấu từng bước để đạt những tiêu chí còn lại nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Ngã ba vàm Khâu Băng ngày xưa hoang vu giờ vẫn lộng gió với những cánh rừng phòng hộ ôm ấp. Nơi đây, được xây dựng tượng đài, nghĩa trang sừng sững để tưởng nhớ những thủy thủ trên chuyến tàu không số. Xung quanh là vuông tôm, rẫy trồng màu, xoài, dưa hấu bên những giống cát ven biển. Người dân nơi đây đang quyết tâm xây dựng, phát triển kinh tế bằng cuộc Đồng Khởi mới trong thời bình bên bến tàu không số hào hùng năm xưa.
Hoàng Trung