(Dân trí) - Xác định hạ tầng là đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển nền kinh tế, trong 10 năm qua, TPHCM không ngừng đầu tư cho các công trình hạ tầng quy mô lớn.
Xác định hạ tầng là đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển nền kinh tế, trong 10 năm qua, TPHCM không ngừng đầu tư cho các công trình hạ tầng quy mô lớn.
Không chỉ từ vốn ngân sách, TPHCM còn đưa ra nhiều chính sách tập trung mọi nguồn lực xã hội để phát triển những công trình hạ tầng đô thị bề thế nhằm kích cầu kinh tế, giải quyết các vấn nạn triền miên kiềm hãm sự phát triển kinh tế cũng như làm giảm chất lượng sống của nhân dân như kẹt xe, ngập nước, thiếu giường bệnh, nhà ổ chuột...
Ngoài ra, những công trình này còn góp phần làm đổi thay bộ mặt thành phố từng ngày, tạo nên diện mạo một đô thị hiện đại, phồn vinh, đáng sống.
Cùng Dân trí điểm lại những công trình hạ tầng đô thị được xây dựng mới, sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng 10 năm qua và đang là những biểu tượng mới của TPHCM - thành phố lớn nhất nước hiện nay
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Ngày 13/10, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 đã được ra mắt. Dự kiến, thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý IV/2021. Với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hệ thống vận tải hành khách công công hiện đại bậc nhất này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn nạn kẹt xe ở khu vực Đông Bắc thành phố.
Bến xe miền Đông mới
Ngày 10/10, bến xe miền Đông mới rộng 16ha, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác giai đoạn 1. Với thiết kế hiện đại, bến xe miền Đông mới được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành vận tải hành khách đường bộ. Đồng thời, bến xe đi vào hoạt động sẽ di chuyển lượng xe khách Bắc – Nam ra khỏi trung tâm thành phố, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho khu trung tâm.
Nút giao thông An Sương
Ngày 19/9, nút giao thông An Sương có quy mô 3 tầng chính thức hoàn thiện. Tầng hầm gồm 2 đường hầm nối quốc lộ 22 với đường Trường Chinh. Tầng trên mặt đất là nút giao với đảo tròn trung tâm. Tầng trên cùng là cầu vượt băng qua nút giao nối liền Quốc lộ 1. Nút giao khác mức này vừa hoàn thiện đã phát huy tác dụng, giải quyết “điểm đen” ùn tắc lâu nay ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.
Hầm vượt sông Sài Gòn
Là công trình hầm vượt sông quy mô lớn đầu tiên ở TPHCM, sau 10 năm đưa vào sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã chứng tỏ được tác dụng kết nối phía Bắc TP với các tỉnh miền Tây, vừa tạo một tuyến đường mới lưu thông thuận tiện cho các phương tiện mà còn giúp giảm áp lực giao thông qua khu trung tâm.
Dự án giải quyết ngập do triều
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành có thể giúp thành phố kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2
Được đầu tư 4.400 tỷ đồng với nhiều trang thiết bị hiện đại, quy mô 1.000 giường, có sân đậu máy bay trực thăng, bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 chính thức vận hành từ ngày 12/10 sẽ giảm tải rất nhiều áp lực quá tải cho cơ sở hiện hữu ở trung tâm thành phố, cải thiện điều kiện chữa trị cho bệnh nhân được tốt hơn.
Tòa nhà Landmark 81
Nằm ven sông Sài Gòn ở quận Bình Thạnh, tòa nhà cao nhất TPHCM này đang được xem như là biểu tượng mới của thành phố. Không chỉ thế, với độ cao 461,2m, 81 tầng nổi và 3 tầng hầm, tòa nhà Landmark 81 cung cấp 241.000m2 diện tích sàn cho nhu cầu ở, văn phòng, thương mại.
Tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé
Cùng với chương trình chỉnh trang đô thị, hình ảnh những căn nhà lụp xụp tạm bợ chen chúc bên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã biến mất, thay vào đó là hai tuyến đường ven kênh tuyệt đẹp, xóa bỏ hình ảnh những khu ổ chuột xấu xí, vừa làm đẹp bộ mặt thành phố, vừa cải thiện điều kiện sống cho người dân nơi đây.
Tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đường Nguyễn Huệ là tuyến phố đi bộ đầu tiên của TPHCM, được đầu tư xây dựng khang trang với hệ thống nhạc nước, đài phun nước nghệ thuật, những góc tiểu cảnh tuyệt đẹp... là nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Nơi đây đã trở thành điểm đến văn hóa và thư giãn của người dân thành phố vào hằng đêm, nhất là dịp cuối tuần.
Tùng Nguyên – Phạm Nguyễn