Những chuyến xe đặc biệt chở người và phương tiện "thông" hầm Hải Vân
(Dân trí) - Với việc hầm dài nhất Đông Nam Á được "thông", người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19 sẽ bớt mối lo đi đường đèo Hải Vân địa hình khó khăn, nguy hiểm.
Theo thống kê của đơn vị chức năng, từ ngày 25/7 đến nay, mỗi ngày, lực lượng CSGT TP Đà Nẵng đón, hỗ trợ và đưa 2 đoàn người từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch vào lúc rạng sáng và chiều tối.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các đoàn khi di chuyển qua địa phận Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng đã đề nghị Ban quản lý Hầm đường bộ Hải Vân mở lại hoạt động trung chuyển người và xe qua hầm.
Ghi nhận của PV Dân trí tại cửa hầm phía nam, khi di chuyển đến trạm trung chuyển hầm Hải Vân, người dân được hướng dẫn đưa xe máy đến khu vực trung chuyển xe máy.
Tại đây, nhân viên Ban quản lý Hầm đường bộ Hải Vân sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ xe và hành lý của người dân. Tiếp đó, nhân viên sẽ dắt xe lên các xe tải chuyên dụng để trung chuyển xe và hành lý của người dân qua hầm trước.
Trong lúc chờ đợi xe trung chuyển chở qua hầm, người dân tranh thủ nghỉ ngơi. Lực lượng CSGT và BQL Hầm đường bộ Hải Vân cũng chuẩn bị sẵn nước uống và đồ ăn để hỗ trợ người dân. Sau 15 phút nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, người dân lần lượt lên xe bus trung chuyển qua hầm.
Đang trên hành trình từ Bình Dương về Thanh Hóa, khi đến chân đèo Hải Vân, anh Trịnh Thế Tự (sinh năm 1990) được lực lượng CSGT hướng dẫn quay lại trạm trung chuyển Hầm đường bộ Hải Vân để đỡ mất thời gian và công sức qua đèo.
"Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Bình Dương còn phức tạp nên tôi xin công ty nghỉ việc để về quê. Trước khi về, mọi người trong đoàn cũng quán triệt nhau luôn giữ khoảng cách để tránh lây chéo, khi qua các địa phương thì thực hiện nghiêm khai báo y tế và không tiếp xúc với người dân dọc đường", anh Tự chia sẻ.
Ông Phạm Hoàng Ân, Giám đốc Trạm Vận hành Trung chuyển Hầm đường bộ Hải Vân cho biết, tính riêng trong ngày 29/7, Ban quản lý Hầm đường bộ Hải Vân đã hỗ trợ trung chuyển được khoảng 1.500 người và 700 xe máy qua hầm.
Để đảm bảo an toàn, toàn bộ nhân viên hỗ trợ trung chuyển đều được trang bị bảo hộ theo quy định, người dân được hướng dẫn di chuyển lên các xe bus, đảm bảo yêu cầu mỗi xe chở không quá 19 người.
Các xe bus chở khách được bố trí vách ngăn trong suốt ngăn cách buồng lái và khu ghế của khách ngồi. Tài xế được trang bị đồ bảo hộ chuẩn. Sau khi hoàn thành một đợt trung chuyển, cả tài xế và xe bus đều được khử khuẩn.
Theo Trung tá Phạm Quyền, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Hòa Nhơn, lộ trình ban đầu, khi đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê qua địa phận Đà Nẵng, người dân đi qua chốt kiểm soát ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) rồi đi lên đèo Hải Vân. Đến địa phận tỉnh láng giềng, lực lượng hỗ trợ dẫn đoàn sẽ bàn giao lại cho Công an Thừa Thiên Huế hỗ trợ tiếp nối.
Tuy nhiên, nhận thấy sự nguy hiểm khi đoàn cả trăm xe máy di chuyển trên cung đường đèo Hải Vân, Công an TP Đà Nẵng đã đề xuất Ban quản lý "thông" Hầm đường bộ Hải Vân. Từ đó, bà con cùng phương tiện, hành lý cá nhân được trung chuyển miễn phí qua hầm, giảm nguy cơ nguy hiểm do địa hình đèo Hải Vân khó khăn.
Theo đó, khi được lực lượng chức năng ở Kon Tum và Quảng Nam thông báo có đoàn xe từ các tỉnh phía Nam sắp qua địa bàn TP Đà Nẵng, lực lượng CSGT sẽ lên phương án đón, dẫn người dân tại địa phận giáp ranh đưa về tới trạm trung chuyển một cách an toàn nhất.
"Người về từ vùng dịch thì nguy cơ rất cao, ê kíp dẫn đoàn phải giữ khoảng cách, đồng thời yêu cầu người dân giãn cách để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch", Trung tá Quyền nói thêm.