Quảng Bình:
Những chuyện “hư thực” về nhóm trúng sưa trăm tỉ
(Dân trí) - Xung quanh tin đồn nhóm lâm tặc ở thôn Bầu Sen, xã Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) trúng cây sưa trăm tỉ, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện “hư hư thực thực” trên vùng đất từng được mệnh danh là “vương quốc gỗ sưa” này.
Bị “hớt tay trên” vì thiếu 38 tỉ đồng tiền đặt cọc
Những ngày này, ở xã miền núi Phúc Trạch, vấn đề "thời sự" nhất luôn được nói đến là chuyện nhóm người ở thôn Bầu Sen trúng cây huê (cây sưa) hàng trăm tỉ đồng. Để kiểm chứng tin đồn trên, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận với một đại gia chuyên buôn gỗ sưa ở TP Đồng Hới (vị này xin được giấu tên) và được nghe vị này khẳng định chắc nịch: “Chuyện 11 người ở Bầu Sen trúng sưa là có thật một trăm phần trăm. Trúng ba cây luôn”.
Ông này còn khoe mình là người đầu tiên biết chuyện nhóm lâm tặc ở Bầu Sen trúng sưa nhờ có những “tai mắt” ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng báo về. Tuy nhiên, do nhóm lâm tặc trúng sưa đưa ra giá đặt cọc 38 tỉ đồng mới cho xem hàng nên ông không có đủ tiền đặt. “Trong lúc đang đi xoay tiền thì bị hai vị khác ở huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới tiếp cận, lấy hàng trước”, tay buôn gỗ sưa nuối tiếc cho biết.
Trong nhóm 11 người trúng sưa ở thôn Bầu Sen có một người tên H., là người cầm đầu nhóm. Có tin ông này vừa xây nhà tiền tỉ ở Troóc (trung tâm xã Phúc Trạch) sau một vụ trúng sưa cũng lên tới hàng chục tỉ đồng. Còn ba cây sưa vừa trúng, nghe nói được xẻ thành 110 phác gỗ mặt, ra giá 100 tỉ đồng. Sau khi gom lại hàng, theo “luật rừng” là đầu nậu nào chồng đủ 38 tỉ tiền đặt cọc làm tin sẽ ưu tiên bán cho đầu nậu đó; chồng đủ 60 tỉ sẽ dẫn đi xem hàng ngay trong rừng. Nếu đồng ý mua hàng chồng đủ số tiền còn lại. Thương vụ hàng trăm tỉ có thể sẽ hoàn thành ngay trong rừng.
Chúng tôi ngược đường Hồ Chí Minh tìm về thôn Bầu Sen. Những ngày này nơi đây vắng hẳn bóng dáng đàn ông. Hỏi ra mới biết phần lớn họ đều đã vào rừng gùi thuê số gỗ sưa mà nhóm lâm tặc vừa trúng để giao cho đầu nậu. “Anh em đi huê với nhau, chẳng lẽ giờ nó trúng cả trăm tỉ mà mình vào đó nó không cho một que nhỏ nhỏ khoảng vài chục kg”, một lâm tặc thâm niên ở thôn Bầu Sen thật thà lý giải.
“Vua huê” trên “vương quốc gỗ huê” nói gì?
Để có thêm thông tin, chúng tôi tìm cách tiếp cận với một đối tượng từng được mệnh danh là “vua huê” ở đất Quảng Bình. Sở dĩ ông được “phong vương” như vậy bởi từng có thâm niên hơn ba mươi năm “ăn rừng, ngủ lán” để săn gỗ sưa và ông cũng là người đốn hạ cây sưa được cho là cổ thụ nhất ở “vương quốc gỗ huê” thuộc vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, hàng chục người ôm không xuể.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tin đồn người dân trúng sưa trăm tỉ, ngày 22/4 UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với các cơ quan bàn ngành liên quan để bàn biện pháp và giao nhiệm vụ xác minh tin đồn; đồng thời triển khai lực lượng ngăn chặn không để một que gỗ lọt ra ngoài, nếu tin đồn trên là có thật. |
Gặp chúng tôi, “vua huê” hỏi luôn: “Tao đoán không nhầm thì chú mi lên đây là để nghe ngóng về vụ mấy thằng ở thôn Bầu Sen trúng huê?”. Dẫu tôi lắc đầu, “vua huê” vẫn cười khà khà, bảo ngồi đó rồi nói cho nghe: Chuyện nhóm người ở thôn Bầu Sen vừa trúng sưa là có thật, nhưng nói ở Hung Trí thì chưa chắc đã đúng. Rất có thể đây chỉ là thông tin tung hỏa mù của nhóm trúng sưa nhằm đánh lừa dân làng và các cơ quan chức năng. Theo “vua huê”, ở Hung Trí không còn một khoảnh đất hay vỉa đá nào mà ông chưa từng qua. Ngày xưa ở Hung Trí, sưa cổ thụ rất nhiều, những lâm tặc như ông đã quần nát cả, việc còn sót lại ba cây sưa là điều không thể.
“Vua huê” năm nay 50 tuổi, đã "gác kiếm", vào Nam kiếm kế sinh nhai lương thiện nuôi con ăn học. Nhưng vừa rồi nghe dân đồn chuyện nhóm người ở thôn Bầu Sen trúng sưa hàng trăm tỉ đồng, ông lại tức tốc bắt xe vượt hàng ngàn km quay về để... nghe ngóng tình hình. “Vua huê” hy vọng, với uy tín trong nghề của mình, khi có mặt anh chắc chắn những người trúng sưa cũng sẽ cho anh một ít cành ngọn về bán, đủ tiền nuôi gia đình trong một năm.
Ông này còn cho biết, khi đã trúng sưa thì lâm tặc sẽ có 4 phương án để đưa hàng ra ngoài: Cách thứ nhất là “làm luật” với các cơ quan chức năng. Cách thứ hai, nếu không thể qua mặt cơ quan chức năng thì sẽ chôn hàng, đợi thời cơ thích hợp thì tiếp tục “làm luật” đưa hàng ra. Cách thứ ba là gùi hàng cắt rừng, vượt biên giới qua Lào, hợp thức hóa giấy tờ rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Và phương án cuối cùng là thuê dân làng vào rừng thật đông, đi theo bảo vệ những người gùi hàng. Khi gặp cơ quan chức năng can thiệp thì không chống đối theo kiểu xã hội đen mà cứ nhảy vào ôm lấy cán bộ, rồi cho những người kia gùi hàng về. “Đây là phương án bí mới dùng chứ không mấy ai trúng sưa mà phải làm kiểu như rứa cả”.
Nhóm PV