1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3

Phùng Minh

(Dân trí) - Chính sách mới về giá vé máy bay, chức năng của thanh tra chuyên ngành, lệ phí khai thác khoáng sản, chuẩn mới về cơ sở giáo dục đại học, ưu đãi cho khu công nghệ cao,… có hiệu lực từ tháng 3.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Thông tư 34/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu lực từ ngày 1/3.

Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản đã được sửa đổi. Cụ thể, với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ 2,2 triệu đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ 2,79 triệu đồng/vé/chiều).

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 1

Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản đã được sửa đổi (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ 3,2 triệu đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ 3,75 triệu đồng/vé/chiều).

Bộ GTVT cho biết, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Quy định mới về thanh tra chuyên ngành

Nghị định số 03/2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, có hiệu lực từ ngày 1/3.

Cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Thanh tra Tổng cục Thống kê.

"Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ phải bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ có con dấu và tài khoản riêng", nghị định nêu rõ.

Ngoài ra, Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm: Thanh tra Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nội vụ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch; Sở Xây dựng; Sở Y tế.

Nghị định mới nêu rõ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm toán nhà nước thì phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán.

Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản

Tại Thông tư số 10/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản (có hiệu lực từ 21/3), Bộ Tài chính nêu rõ, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò như sau: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu 4 triệu đồng/giấy phép; diện tích thăm dò từ 100ha đến 50.000ha, mức thu là 10 triệu đồng/giấy phép; diện tích thăm dò trên 50.000ha, mức thu là 15 triệu đồng/giấy phép.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác: Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối có công suất khai thác dưới 5.000m3/năm là 1 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác từ 5.000m3 đến 10.000m3/năm là 10 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác trên 10.000m3/năm là 15 triệu đồng/giấy phép.

Chuẩn mới với cơ sở giáo dục đại học

Thông tư số 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ 22/3 (bãi bỏ Thông tư 24/2015 trước đây), quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí.

Cụ thể gồm tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, tiêu chuẩn về giảng viên (3 tiêu chí về tỷ lệ giảng viên cơ hữu, giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ...), tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn về tài chính, tiêu chuẩn về tuyển sinh và đào tạo, tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 2

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: NEU).

Các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học) phải được kiện toàn kịp thời, thời gian khuyết đồng thời 2 vị trí không quá 6 tháng. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%.

Ngoài ra, quy định mới nêu rõ, từ năm 2030 diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân không nhỏ hơn 25m2 trên một người học chính quy. Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm.

Tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy, tỷ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.

Thông tư quy định, tỷ lệ tốt nghiệp được xác định bằng tỷ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 60%; tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 40%.

Làm việc ở khu công nghệ cao được ưu tiên mua nhà

Nghị định số 10/2024 quy định về khu công nghệ cao có hiệu lực từ 25/3 nêu rõ nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao; cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao; chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao...

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 3

Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Đáng chú ý, tại khoản 5 Điều 14 quy định các đối tượng thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao gồm: Nhà đầu tư và cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghệ cao được thuê nhà ở trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao.

Người lao động làm việc trong Ban quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với các nhà đầu tư tại khu công nghệ cao được ưu tiên xét mua nhà ở.

Tuy nhiên, việc mua, thuê mua nhà ở chỉ thực hiện đối với khu nhà ở xây dựng ngoài ranh giới khu công nghệ cao.