Những "chiến sĩ" tình nguyện trẻ chống dịch ở Sài Gòn một tháng chưa về nhà
(Dân trí) - TPHCM diễn ra chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử thu hút nhiều tình nguyện viên đăng ký tham gia các công việc khác nhau. Đặc biệt, có nhóm cả tháng nay vẫn chưa về nhà từ khi thành phố bùng dịch.
Gần 732.000 người dân TPHCM đã được tiêm chủng, thành phố cơ bản hoàn thành chiến dịch quy mô chưa từng có sau một tuần triển khai thực hiện. Với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, để đạt độ bao phủ của vắc xin đáp ứng miễn dịch cộng đồng, còn rất nhiều chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn hơn được triển khai trong thời gian tới. Chính vì vậy, các nhóm tình nguyện chủ lực đến từ Thành Đoàn TPHCM đã hỗ trợ đắc lực ngành y tế, chung tay chống dịch những ngày qua.
"Đội tuần tra, hỗ trợ giao thông Hướng Nam (SOS Hướng Nam) trực thuộc hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM. Hiện tại chúng tôi có 200 tình nguyện viên được tuyển chọn từ hơn 400 phiếu đăng ký. Tại điểm tiêm vắc xin nhà thi đấu Phú Thọ triển khai 20 bạn làm công tác điều phối, hướng dẫn khai báo y tế, nhập liệu. Khẩu hiệu của chúng tôi là: Chúng ta sẽ về nhà khi thành phố hết dịch. Do công việc đến nhiều nơi đông người nên bạn nào ở trọ một mình thì về tự cách ly, không tiếp xúc, bạn nào có gia đình hay con nhỏ thì ở lại nhà chung của đội cho đến khi dịch ở thành phố tạm ổn", anh Nguyễn Hoàng Anh, đội trưởng đội SOS Hướng Nam chia sẻ.
Bạn Đinh Nguyên Vũ Uyên, thuộc nhóm tình nguyện SOS Hướng Nam làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân đến khu khai báo y tế chia sẻ: "Khi dịch bùng phát, nhóm tụi em hỗ trợ người dân ở khu phong tỏa, rồi trực 12 chốt, giúp dân khai báo y tế khi quận Gò Vấp giãn cách xã hội. Đội thể hiện sự quyết tâm bằng mục tiêu khi nào TPHCM hết dịch thì mới về nhà. Chính vì thế gần một tháng nay tụi em ở nhà chung của đội và tham gia các hoạt động tại các điểm nóng".
Tập trung phía trước cửa số 2 vào khán đài nhà thi đấu, nhóm tình nguyện viên đến từ nhà văn hóa Thanh niên do MC Quỳnh Hoa làm trưởng nhóm có mặt đều đặn mỗi ngày vào 13h, mặc bảo hộ phòng hộ, sát khuẩn, phân công nhiệm vụ khoảng 10 phút rồi tất cả lao vào công việc. Nhóm đa phần là các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu...
"Nhà văn hóa Thanh Niên từ xưa đến nay vẫn luôn tích cực huy động anh chị em nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện chứ không riêng gì hoạt động điều phối người dân tiêm vắc xin. Nghệ sĩ thường có cái tôi riêng, có bạn thì nổi tiếng, có bạn thì mới vào nghề… nên mình nói luôn đây là hoạt động thiện nguyện, mọi người đều như nhau và phải ý thức được đây là công việc mà xã hội đang cần, nguời dân đang cần. Khá là ngạc nhiên khi các bạn rất là đúng giờ và chịu khó. Có hôm nhóm nghệ sĩ phải chờ đội y tế lấy mẫu từ 15h đến 21h do có sự cố. Vậy mà các bạn vẫn kiên nhẫn chờ, thường thì nghệ sĩ không có chuyện chờ như vậy đâu. Đồ bảo hộ mặc vài tiếng là muốn bốc hơi, vì thế các nghệ sĩ cũng cảm thông sâu sắc hơn với lực lượng tuyến đầu chống dịch trong hai năm qua", MC Quỳnh Hoa, trưởng nhóm tình nguyện viên nhà văn hóa Thanh niên chia sẻ.
Luôn có mặt đúng giờ, Hoa hậu H'Hen Niê được trưởng nhóm Quỳnh Hoa nhận xét là thành viên tham gia tích cực và nghiêm túc, chưa vắng buổi nào từ khi đăng ký. H'Hen tâm sự: "Thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều khi tham gia làm tình nguyện hỗ trợ người dân trong chiến dịch tiêm vắc xin lịch sử này. Đã một tuần rồi em tham gia công tác điều phối. Mà H'Hen thấy mình hợp với công việc này vì não H'Hen là "não cá vàng", hay quên nên không làm số liệu được. Nhiều trường hợp người dân lo quá nên huyết áp tăng, em làm luôn công việc động viên, trấn an mọi người".
"Mình hôm nay đến nhà thi đấu Phú Thọ để giúp người dân tiêm vắc xin nhanh và an toàn. Mấy ngày trước nữa thì mình cùng một số anh chị em khác tham gia hộ trợ y bác sĩ lấy mẫu ở quận Bình Tân. Công việc này tiếp xúc với nhiều người nên mỗi ngày đều phải xịt khử khuẩn toàn thân từ 4-6 lần", Á hậu Mâu Thủy cho biết.
Tình nguyện viên Huỳnh Trung Phong, giảng viên trường Đại học Sư Phạm TPHCM bộc bạch: "Hôm nay là ngày thứ tư tôi tham gia cùng mọi người hỗ trợ người dân tiêm vắc xin, trước đó thì còn có hoạt động tiếp tế khu cách ly, thăm hỏi, tặng quà, điều phối người dân lấy mẫu... Tham gia hoạt động này mình thấy việc tuân thủ quy định hết sức quan trọng, điển hình là việc tập trung quá đông người tại nhà thi đấu Phú Thọ trong ngày đầu tiên. Ai cũng muốn đến sớm, tiêm nhanh, không tuân thủ theo chỉ dẫn của ban tổ chức".
Người mẫu Hoàng Phi Kha gần một tháng tham gia làm tình nguyện viên tâm sự: "Khi nghe tuyển tình nguyện viên vào tâm dịch hỗ trợ người dân, lúc đầu mình rất lo sợ. Người thân và hàng xóm cũng hỏi không ngại dịch hay sao mà đi làm tình nguyện viên. Sợ chứ, nhưng ai cũng sợ thì công tác chống dịch sẽ như thế nào nếu mình không chung tay, góp một chút sức. Lúc đầu, tôi chưa quen với quần áo bảo hộ và chưa quen việc, công việc cứ liên tục đến gần sáng mà nhóm chỉ có 5 người. Dần sau này quen rồi nên thấy bình thường".
Thời tiết nóng bức, cơ thể các tình nguyện viên nhanh chóng mất nước, mồ hôi ra như tắm, phải chạy ra ngoài bổ sung nước, thậm chí phải thay đồ bảo hộ khác. Sau một tuần, nhà thi đấu Phú Thọ đã kết thúc hoạt động tiêm chủng trong chiến dịch lớn đầu tiên nhờ một phần công sức của các nhóm tình nguyện viên.
Cuối giờ, khi đội nhập liệu vẫn còn miệt mài gõ phím để kịp tiến độ gửi lực lượng y tế thì nhóm điều phối chia làm hai tốp, một tốp chạy đi triển khai tiếp nhiệm vụ tại các điểm lấy mẫu, tốp còn lại tranh thủ ăn vội để về nhà chung của đội ngay bến xe Ngã Tư Ga (cách khoảng 10 km, ngụ quận 12) chuẩn bị cho ca trực đêm.
Suất ăn BTC chiến dịch tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Phú Thọ dư ra do một số bạn sẽ ăn ở điểm lấy mẫu xét nghiệm. Tốp quay về nhà chung trực sẽ làm phần việc mà ai cũng giành chính là đi phát các suất ăn này cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Về đến nhà chung của đội ở quận 12, các bạn thay phiên nhau dùng nhà tắm. Người ngồi đợi đến lượt thì tranh thủ nhắn tin về gia đình, người tắm rồi thì tranh thủ soạn đồng phục cho buổi trực đêm. Mỗi ca trực, các bạn sẽ vá xe miễn phí, hút đinh trên Quốc lộ 1A, đoạn từ bến xe Ngã Tư Ga đến ngã tư An Sương và sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn.
Cách nhà chung của đội SOS Hướng Nam khoảng 15 km, tại trường tiểu học Ngô Quyền (đường số 3, KCN Vĩnh Lộc), nhóm tình nguyện viên vẫn miệt mài điều phối người dân tham gia lấy mẫu tầm soát Covid-19 đến tận khuya.