Kon Tum:
Những chàng rể hiền của miền sơn cước
(Dân trí) - Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những anh bộ đội cụ Hồ chiến đấu và mong ngày trở lại quê nhà nhưng tình yêu nồng cháy của sơn nữ nơi cực bắc Tây Nguyên đã níu chân họ.
Chỉ có tình yêu mới dám thế!
“Anh Hải có muốn xây dựng hạnh phúc cùng em không?” - lời cầu hôn tự nhiên như gió núi của cô sơn nữ Y Nảy làm bộ đội Phạm Trung Hải (giờ đây là huyện đội trưởng huyện 40, tỉnh Gia Lai - Kon Tum) ngẩn người.
43 tuổi, lăn lộn nhiều chiến trường, ông chưa từng lúng túng như giây phút “bị” cô gái kém mình 17 tuổi cầu hôn. Ông từ chối khéo: “Tôi đã có vợ, có con ở quê rồi!”
Hơn 40 năm trôi qua, bà Nảy - ông Hải vẫn sống hạnh phúc bên con cháu
Nhưng vì tình yêu, ông gật đầu đồng ý với giao kèo: “Lấy nhau rồi ai cũng phải chăm lo hạnh phúc gia đình, không ai được làm ảnh hưởng đến công việc của người kia”. Còn Y Nảy thì: “Nếu không ăn được món gì thì thôi, không được chê, không được ngửi…”.
Giải phóng, ông về thăm quê nhưng chưa dám đưa vợ và đứa con đầu lòng về cùng. Đấu tranh tư tưởng mãi, chỉ đến tối cuối cùng ông mới tập hợp gia đình thú nhận mình đã có vợ, vợ là người dân tộc. Không một tiếng nói, chỉ nghe đâu đó hắt ra tiếng thở dài nhưng rồi ai cũng chấp nhận.
Sau lần chiến thắng tư tưởng này, ông mới dẫn vợ con về quê. Dân làng bóng gió, họ hàng phản đối, ông càng thương vợ con mình. Thời gian sau, Y Nảy chứng minh cho họ thấy, con gái làng này không ai giỏi việc nhà, việc nước như cô, khiến ai cũng yêu quý.
Khâm phục tài đức của bộ đội Lành nhưng Y Xã vẫn mang nặng mặc cảm … Được bộ đội Lành nhiều lần ngỏ lời đến mức “vợ đẹp là vợ người ta, em xấu mới là vợ anh”. Biết Lành quá thật lòng, lại giản dị, Y Xã gật đầu đồng ý.
Cái kết đẹp của 18 chàng rể người Kinh
Vượt qua những rào cản về phong tục tập quán, 18 chàng rể người Kinh đang sống hạnh phúc tại xã anh hùng Đắk Ui, huyện Đắk Hà, Kon Tum không chỉ là minh chứng cho tình yêu và góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giúp Đắk Ui trở thành 1 trong 5 xã có nền kinh tế phát triển nhất huyện.
Ông bà Phạm Trung Hải - Y Nảy đã sống hạnh phúc bên nhau được 41 năm. 4 con ông bà đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Còn con cái ông Lành - bà Xã đều là những cán bộ xã, huyện, tỉnh và đang học đại học. Bao năm trôi qua, ông bà vẫn thủy chung gắn bó với nhau.
Còn ông bà Nguyễn Chí Kiệm - Y Bom cũng có 10 đứa con, 5 trai 5 gái, ông bà để cho đứa mang họ cha, đứa mang họ mẹ cho công bằng với hai bên! Người thì làm công an, bộ đội, người làm giáo viên, người làm cán bộ huyện, người thì đang đi học.
Anh Nguyễn Chí Thanh, con trai đầu của ông Kiệm và bà Y Bom tự hào: “Tôi cảm thấy may mắn vì mình vừa được làm người con của buôn làng Xê Đăng, vừa làm người con của mảnh đất miền Trung giàu truyền thống. Nhờ đó, tôi được truyền lại cho lối sống, phong tục tập quán của cả hai dân tộc”.
Ông U Brao - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết: “Những cặp vợ chồng này đều là cán bộ kháng chiến, gắn bó với Đăk Ui từ trong chiến tranh chống Mỹ. Và sau này, những lớp con cháu của họ cũng tiếp nối truyền thống đó. Kinh tế của các gia đình đều tương đối khá giả, trong nhà luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cái được học hành”.
Những cặp vợ chồng này tạo nên nét thú vị đặc biệt trong tình yêu và tô đẹp cho núi rừng Tây Nguyên.
Thiên Thư