1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những cánh rừng bị tàn phá: Yêu cầu kiểm điểm hàng loạt cán bộ

(Dân trí) - Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh, những người có hành vi phá rừng đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Chính quyền địa phương cũng đang yêu cầu các tổ chức, cá nhân kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra phá rừng. Dư luận đang trông chờ kết quả xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của những cá nhân, đơn vị có liên quan.

>> Những cánh rừng bị tàn phá tan hoang

>> Vụ những cánh rừng bị tàn phá tan hoang: Xử phạt 100 triệu đồng

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã ký công văn trả lời về kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của báo Dân trí. Theo đó, sau khi tiếp nhận nội dung phản ánh, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã chỉ đạo Hạt trưởng Kiểm lâm phối hợp UBND xã Xuân Lộc kiểm tra, xác minh.

Theo báo cáo của huyện Thường Xuân, có 115 cây gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8, khối lượng 7,216 m3 và 2 ste củi đang còn tại hiện trường.
Theo báo cáo của huyện Thường Xuân, có 115 cây gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8, khối lượng 7,216 m3 và 2 ste củi đang còn tại hiện trường.

Qua kiểm tra, ngành chức năng và địa phương phát hiện diện tích bị chặt phá là 14.475 m2 (1,475 ha), trong đó trên diện tích 4.600 m2, thực bì đã bị đốt cháy hết và đã được trồng cây keo; diện tích còn lại 9.875 m2 có 115 cây gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8, khối lượng 7,216 m3 và 2 ste củi đang còn tại hiện trường.

Theo lý giải của UBND huyện Thường Xuân, đây là đối tượng rừng sản xuất được giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp. Trạng thái rừng hỗn giao nứa gỗ, thuộc thôn Quẻ, xã Xuân Lộc.

Theo khai báo của các đối tượng vi phạm, toàn bộ diện tích rừng nêu trên đã được Nhà nước giao cho các hộ gia đình trực tiếp quản lý, bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp. Khi giao, trạng thái rừng là đất trống, từ đó đến năm 2018, các hộ đã khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nên có một số cây tái sinh thuộc loài cây ưa sáng, mọc nhanh.

Do quá trình khoanh nuôi trong thời gian dài nhưng không có trữ lượng lớn, không có giá trị kinh tế; trong khi các hộ dân không có đất canh tác, nên các hộ đã tự ý phát, đốt rừng với mục đích trồng các loài cây quế bản địa và cây keo để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Công văn trả lời của huyện Thường Xuân gửi báo điện tử Dân trí
Công văn trả lời của huyện Thường Xuân gửi báo điện tử Dân trí

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và thực tế hiện trường rừng bị chặt phá, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cá nhân vi phạm số tiền phạt 100 triệu đồng; tịch thu 7,216 m3 gỗ và 02 ste củi nhập tài sản nhà nước.

Đồng thời, yêu cầu trồng ngay lại rừng bằng giống cây bản địa trên diện tích đã bị chặt phá; cho các hộ gia đình cam kết không tái phạm và thông báo công khai trên hệ thống Đài truyền thanh của xã để nhân dân biết, giám sát.

UBND huyện Thường Xuân phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, có sự tham gia của Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp huyện, UBND xã Xuân Lộc, Ban quản lý thôn Quẻ trực tiếp kiểm tra hiện trường; đồng thời tổ chức làm việc với UBND xã Xuân Lộc để xác định mức độ thiệt hại, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng.

Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã yêu cầu UBND xã Xuân Lộc, Ban quản lý thôn Quẻ tổ chức họp dân, kiểm điểm các cá nhân vi phạm theo quy ước bảo vệ rừng; tuyên truyền nâng cao nhân thức cho nhân dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Nhà nước.

Yêu cầu Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quẻ, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, cán bộ địa chính - lâm nghiệp; Hạt trưởng, Phó hạt trưởng kiểm lâm phụ trách địa bàn, Trạm trưởng kiểm lâm Bù Đồn, kiểm lâm địa bàn xã Xuân Lộc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân đã để xảy ra phá rừng trái pháp luật.

Người vi phạm đã bị xử phạt, dư luận trông chờ vào việc xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền và ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng
Người vi phạm đã bị xử phạt, dư luận trông chờ vào việc xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền và ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng

UBND huyện Thường Xuân khẳng định, việc phản ánh của báo Dân trí về tình trạng phá rừng tại thôn Quẻ, xã Xuân Lộc là có cơ sở. Nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng, trước đó, ngày 8/5, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Xuân Lộc đã phát hiện, kiểm tra và đang tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm (!?)

Đồng thời huyện cho rằng, vụ việc đã được xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật; các tổ chức, cá nhân liên quan đã bị kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra phá rừng như đã nêu trên. Trong khi đó, ngay tại công văn này nêu, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đang yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng.

Duy Tuyên