Vụ những cánh rừng bị tàn phá tan hoang: Xử phạt 100 triệu đồng
(Dân trí) - Liên quan đến vụ nhiều diện tích rừng ở thôn Quẻ, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân bị tàn phá, Chủ tịch huyện này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền 100 triệu đồng đối với 5 chủ rừng có hành vi vi phạm quy định hiện hành về quản lý và bảo vệ rừng.
>> Những cánh rừng bị tàn phá tan hoang
Theo đó, sau khi báo Dân trí phản ánh, lực lượng kiểm lâm huyện Thường Xuân đã vào cuộc điều tra, xác minh, một số hộ dân ở thôn Quẻ, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân tự ý phát rừng tái sinh trên diện tích đất lâm nghiệp được giao lâu dài cho các hộ sử dụng vào mục đích phát triển lâm nghiệp theo Nghị định 02/1994/NĐ-CP.
Qua kiểm tra, có 5 hộ đã phá 1,475 ha rừng hỗn giao tái sinh, nghèo trữ lượng. Các hộ thừa nhận đã tự ý phát rừng khoanh nuôi tái sinh nghèo trữ lượng để trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn. Vì theo các hộ, qua 20 năm được giao đất trống khoanh nuôi tái sinh rừng, trữ lượng sinh khối tăng thêm quá thấp.
Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 100 triệu đồng đối với 5 chủ rừng có hành vi phá rừng. Trong đó, có hộ bị xử phạt cao nhất là 30 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước còn áp dụng hình phạt bổ sung: Tịch thu lâm sản hiện có tại hiện trường, buộc các hộ phải trồng lại rừng bằng cây keo, quế bản địa vào vụ thu năm 2018.
Việc xử lý hành chính về hành vi vi phạm quy định hiện hành về quản lý và bảo vệ rừng của người dân, cũng như xử lý trách nhiệm của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước là việc làm theo quy định. Sự thiếu nhận thức, hiểu biết của người dân đã khiến họ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, qua câu chuyện người dân tự ý phá rừng này đã bộc lộ mâu thuẫn giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi được giao rừng. Qua kiểm tra, xác minh của lực lượng chức năng, mục đích phá rừng ở đây là để trồng keo, quế, chứ không phải khai thác lâm sản, bởi chủng loại gỗ bị chặt hạ đa phần là gỗ tạp, giá trị kinh tế không cao.
Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân: Từ năm 1997 đến nay, bà con không có thu nhập đáng kể nào từ diện tích nhận đất, nhận rừng. Trước nhu cầu cuộc sống và lợi ích kinh tế, bà con có tự ý phát dọn trên diện tích đất được giao với mục đích là trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo ông Đỗ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân: Đây là một vấn đề mâu thuẫn, rừng thì giao cho nhân dân là rừng sản xuất, nhưng lại chưa được chuyển đổi mục đích, mà nhân dân thì lại có nhu cầu về cuộc sống nên họ tự ý phá rừng.
Qua sự việc này, một lần nữa cho thấy, người khoanh nuôi, bảo vệ rừng cần được được hưởng lợi từ rừng và Nhà nước cần có thêm những chính sách tạo điều kiện để người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, tình trạng rừng bị tàn phá đang diễn ra tại khu vực thôn Qủe, xã Xuân Lộc, huyện miền núi Thường Xuân. Nhiều cây gỗ lớn đã bị lâm tặc chặt hạ để lại những khoảng rừng tan hoang.
Không chỉ rừng bị khai thác để lấy gỗ mà trong khu vực này, nhiều ha rừng khác còn bị phát trắng để trồng keo. Có nhiều diện tích sau khi chặt phá đã được đốt trơ trụi. Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh, Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân đã vào cuộc, xác minh, làm rõ.
Duy Tuyên