Những căn nhà không thấy ánh mặt trời ở khu Mả Lạng TPHCM
(Dân trí) - Hơn 20 năm quy hoạch "treo", người dân sống tại khu Mả Lạng (quận 1) gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, một số căn nhà chưa bao giờ thấy ánh mặt trời.
Hơn 20 năm quy hoạch "treo", dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng, quận 1, TPHCM) vừa được TPHCM khởi động lại dự án chỉnh trang khu Mả Lạng.
Những căn nhà lụp xụp chừng vài mét vuông là nơi tá túc của nhiều thế hệ gia đình người dân ở khu Mả Lạng suốt hàng chục năm qua.
Do diện tích chật hẹp, những con hẻm sâu hun hút, rộng khoảng 1m, được dựng kín xe, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn và vấn đề PCCC cũng không được đảm bảo.
Trước đó, UBND TP đã có chủ trương giải tỏa khu vực này để xây dựng khu phức hợp gồm nhiều công trình như văn phòng, thương mại, dịch vụ, bệnh viện, trường học, căn hộ... Sau 24 năm kể từ khi có chủ trương nhưng bị "treo", cuộc sống tạm bợ của người dân tiếp diễn trong những căn nhà lụp xụp giữa trung tâm thành phố vẫn chưa rõ hồi kết.
Vừa đi làm về, ông Nguyễn Văn Hùng (67 tuổi) vội vàng đun nóng lại thức ăn để lót dạ. ''Tôi ở đây hơn 30 năm rồi, trước đây khu này toàn nhà lá, tôi đi làm được mấy năm rồi sửa lại căn nhà cho gia đình ở, nhưng chật chội lắm'', ông Hùng chia sẻ.
Căn nhà ông Hùng rộng khoảng 6m2 cũng là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của cả gia đình gồm 5 người. Trong ảnh, Khang (12 tuổi) đang di chuyển lên gác sau giờ học bằng cầu thang thẳng đứng vì diện tích căn nhà quá hẹp.
Tương tự, hàng loạt căn nhà tại khu Mả Lạng đang bị xuống cấp và thiếu nơi sinh hoạt.
''Khu này người ta gọi là khu ổ chuột. Có hôm mưa gió, nước dột cả vào trong nhà. Tôi cũng mong khu này được cải thiện hơn, nếu có phải di dời tôi cũng sẽ tuân thủ'', bà Trần Thục Trinh (52 tuổi) bày tỏ.
Các căn nhà trong khu vực Mả Lạng thường không có đầy đủ tiện nghi như phòng tắm riêng, nhà bếp, không gian sống chung, ánh sáng,... khiến cuộc sống của người dân khá bất tiện.
Nằm sâu trong hẻm 245 Nguyễn Trãi (quận 1), nhiều căn nhà siêu nhỏ cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ trong gia đình. ''Tôi ở đây từ nhỏ nên quen rồi, nếu chuyển đi nơi khác cũng thấy nhớ. Nhà tôi tổng cộng có 13 người nên không gian chật lắm'', chị Nhi (47 tuổi) chia sẻ.
Căn nhà vẻn vẹn hơn 6m2, vừa chăm sóc vợ, vừa phải đi làm kiếm thêm thu nhập, ông Trương Tuấn Kiệt (61 tuổi) chia sẻ: ''Căn nhà nhỏ nên cuộc sống cũng chật vật lắm. Tôi đi làm phụ hồ còn vợ bán cơm, từ lúc vợ tôi bị bệnh nên tôi ở nhà chăm sóc. Điều trị tốn nhiều kinh phí, thỉnh thoảng tôi muốn đi làm kiếm tiền thì nhờ con sang trông vợ''.
Theo ông Kiệt, vợ ông bị bệnh suy đa tạng, các con đang đi làm ăn xa nên mọi sinh hoạt đều do ông chăm sóc, thỉnh thoảng có nhờ con dâu giúp đỡ việc nhà.
Nằm giữa trung tâm TP, khu Mả Lạng còn được gọi là ''tứ giác vàng'', được bao quanh bởi 4 tuyến đường gồm Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu.
Cuộc sống chật vật nơi đây không chỉ khiến người dân gặp vấn đề về vật chất, tâm lý mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Vừa qua, Sở KH&ĐT TPHCM cho biết đang phối hợp các sở, ngành để sớm đấu thầu, đầu tư dự án, chỉnh trang khu vực Mả Lạng.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, chia sẻ, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh là một dự án phức tạp, nhiều nội dung vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ. Dự án này đã được thu hồi và hiện tại, thành phố đang triển khai các khâu để làm thủ tục đấu thầu mới.
Năm 2000, UBND TPHCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng có diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh.
Ban đầu dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Đầu năm 2017, UBND TPHCM có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng thời UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất, cũng như điều tra, khảo sát lập phương án tái định cư.
Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018. Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn bất động do vướng vấn đề pháp lý. Người dân nơi đây chưa biết ngày nào dự án khởi động để thoát cảnh xuống cấp đã kéo dài quá lâu.