1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

TP Huế:

Những bến đò ngang thân thương sót lại giữa lòng thành phố Huế

(Dân trí) - “Đò ơi… đò, đò ơi…” - đó là tiếng gọi đò thân thương của người dân bên này sông mỗi khi muốn sang đò qua bên kia sông mà lâu lâu đi ngang qua những bến đò còn sót lại giữa thành phố Huế mới nghe được.

Thừa Thiên Huế không những là vùng đất của thi, ca, nhạc, họa mà còn là vùng đất của sông nước. Đi đến bất cứ đâu, đứng bất kỳ chỗ nào từ thành phố tới nông thôn cũng đều thấy sông, thấy nước. Vì vậy, Huế phát triển rất nhiều những bến đò ngang, đò dọc từ xưa gắn liền với hồi ức của người dân đất nơi đây.

Bến đò ngang qua sông Đông Ba
Bến đò ngang qua sông Đông Ba

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, khu vực nội vùng sông Hương và tuyến đường thủy phụ cận đã có đến 50 bến đò khác nhau như: Thừa Phủ, Trường Súng, Đập Đá, Trường Tiền, Hàng Me, Cồn Hến…

Nhiều bến đò xưa của Huế đã đi vào dĩ vãng khi sự ra đời của những cây cầu kiên cố và các loại phương tiện hiện đại ngày càng nhiều khiến những bến đò trên sông Hương và các con sông trong thành phố không còn nhộn nhịp như xưa.

Hiện thành phố Huế vẫn còn sót lại các bến đò như: chợ Đông Ba đi Đập Đá, chợ Đông Ba đi Cồn Huế, bến đò Cồn, bến đò chợ Phú Hiệp, bến đò Bao Vinh. Những bến đò còn sót lại này hàng ngày đưa các mệ, các o, các chị qua sông để đi chợ mua bán hàng ngày.

Ông Lê Văn Giãn (70 tuổi), chủ bến đò Cồn Hến đi chợ Đông Ba, cho biết. “Tính đến nay tôi đã làm nghề lái đò ở đây được gần 30 năm với biết bao sự đổi thay trên khúc sông này. Ngày trước, cầu cống chưa xây dựng nhiều thì tụi lái đò chúng tôi còn kiếm được chút ít, chứ giờ đây chở khách qua sông cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn, dù mưa gió hay lạnh thì cũng phải làm chứ giờ già rồi không chèo đò thì có biết làm gì đâu”.

Các bà cụ xuống đò sang sông
Các bà cụ xuống đò sang sông

Là một người chèo thuyền từ khi còn nhỏ, ông Phạm Văn Hải (48 tuổi), chủ bến đò chợ Phú Hiệp đi Phú Bình, bộc bạch: “Gia đình tôi chèo thuyền tại đây cả trăm năm nay, tôi là đời thứ 3 tiếp nối nghiệp cha khi từ khi gần 20 tuổi cho đến nay. Mỗi ngày thức dậy từ sáng sớm đưa người dân qua sông đi chợ cũng chỉ kiếm được 60 đến 70 nghìn đồng, số tiền này cũng chỉ đủ lo 2 bữa ăn cho gia đình thôi".

“Ngày trước, lái đò thì người người chen chúc xô đẩy nhau để được lên đò nhưng hiện nay những bến đò này không còn cảnh chen chúc nhau như xưa nữa mà càng ngày càng thưa thớt vắng bóng cùng thời gian. Không biết tương lai những bến đò này sẽ đi về đâu” - ông Hải lo lắng về tương lai của những bến đò còn sót lại.

Tất cả những người chèo đò trên sông Hương đều gắn liền cả cuộc đời mình với con đò, dòng sông, bến nước. Họ coi con đò như những người bạn tri kỷ đồng hành với mình suốt cuộc đời trên chặng đường mưu sinh gian khổ.

Người lái đò và khách đi đò đôi lúc quen thuộc còn hơn người nhà
Người lái đò và khách đi đò đôi lúc quen thuộc còn hơn người nhà

Bến đò còn là một nét tín ngưỡng, văn hóa gắn liền với đời sống người dân xứ Huế như: “bói đò đầu năm”, “ngủ đò”... Tuy nhiên, đến nay việc “bói đò”, “ngủ đò” cũng không còn nữa. Rồi những bến đò còn sót lại hiện nay cũng sẽ đi vào hoài niệm của bao người dân xứ Huế khi thế hệ sau sẽ chẳng còn ai tiếp nối nghề chèo đò đưa khách sang sông nữa.

Cái cảm giác gọi đò, chờ đò, lên đò, đi đò và xuống đò mới thú vị làm sao, nhất là đối với những người lần đầu tiên đi đò. Nếu có dịp, dù là người địa phương hay khách du lịch nên đi thử lên một chuyến đò ngang trên sông Hương hay bất kỳ một chuyến đò ngang khác để cảm nhận những chuyến đò lướt nước dịu dàng, êm ả khiến lòng người nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc đến lạ kì.

Những hình ảnh bến đò ngang ít ỏi còn lại giữa lòng TP Huế:

Người lái đò và khách đi đò đôi lúc quen thuộc còn hơn người nhà
Những bến đò ngang còn sót lại giữa thành phố Huế mộng mơ vẫn âm thầm kết nối cuộc sống người dân đôi bờ, làm sinh động một nét văn hóa Huế đang dần bị phai mờ...
 
là cầu nối đưa các mệ, các o ở Huế đi chợ mỗi buổi sáng sớm

...là cầu nối đưa các mệ, các o ở Huế đi chợ mỗi buổi sáng sớm...
 
hay chở những gánh hàng rong từ Đập Đá, Cồn Hến sang chợ Đông Ba vào mỗi buổi chiều

...hay chở những gánh hàng rong từ Đập Đá, Cồn Hến sang chợ Đông Ba vào mỗi buổi chiều.
 
hay chở những gánh hàng rong từ Đập Đá, Cồn Hến sang chợ Đông Ba vào mỗi buổi chiều

Vừa đi chợ vừa ngồi ngắm cuộc sống người dân thành thành phố Huế, cầu Trường Tiền giúp mọi người khi ngồi trên thuyền sẽ tạm quên hết mọi buồn phiền lo âu hàng ngày
 
hay chở những gánh hàng rong từ Đập Đá, Cồn Hến sang chợ Đông Ba vào mỗi buổi chiều

Bến đò ngang cuối cùng trên sông Đông Ba. “Từ nhiều năm nay tôi và bà con nơi đây vẫn ngày ngày đi đò qua sông để đi chợ, không những cho nhanh mà khi ngồi xuống chiếc thuyền gỗ chạy chậm chậm giữa dòng sông khiến tôi cảm thấy người thoải mãi và tạm quên đi những mệt nhọc hàng ngày” - mệ Trần Thị Hoa (P. Phú Hiệp, TP Huế) tâm sự.
 
Hình ảnh bến đò Huế với màu xanh của sông, cây cối ven bờ

Hình ảnh bến đò Huế với màu xanh của sông, cây cối ven bờ
 
Hình ảnh bến đò Huế với màu xanh của sông, cây cối ven bờ

Người sang sông chờ đò đứng dưới lũy tre xanh rờn. Vài chục năm tới, liệu có còn ai đưa đò cho khách sang sông?

Ngọc Thụ - Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm