Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam

(Dân trí) - Hơn 2000 km đê biển ở nước ta hiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng, tài sản và hơn hết là tính mạng con người. Tuy nhiên, hàng loạt tuyến đê biển bị vỡ khi cơn bão số 7 đi qua khiến người dân không thể không lo ngại về chất lượng những tuyến đê này.

Phải chăng vì thiết kế chưa chuẩn?

 

Ngay sau cơn bão số 2 đổ bộ vào Hải Phòng hồi tháng 8/2005 (bão mạnh cấp 8, 9), một số tuyến đê thuộc huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) đã bị sóng đánh vỡ, mặc dù đây là tuyến đê mới được xây dựng với tổng kinh phí lên tới 150 tỉ đồng.

 

“Cả một tuyến đê dài 3km gần như không còn đoạn nào nguyên vẹn. Hàng trăm khối cấu kiện bê tông nặng 300 - 400kg dưới chân các con đê bị đánh bật nằm lộn xộn. Trên mặt đê, những tấm bê tông nặng ngót ngét 1 tấn khi bị những cột sóng nước dội xuống đã tan vỡ từng mảng hoặc biến dạng…”, đó là mô tả của một phóng viên có mặt tại Cát Hải, Hải Phòng trong cơn bão số 2.

 

Như vậy là không chỉ bão cấp 12 mới làm hư hỏng những tuyến đê như những người có trách nhiệm thông báo mà ngay cả cấp 9 đê cũng đã không chịu nổi.Vậy chất lượng và độ tin cậy của những tuyến đê là thế nào?

 

Nhiều người giải thích tuyến đê ở Cát Hải, Hải phòng không chịu nổi sóng và gió vì thiết kế chưa chuẩn. Cách thiết kế theo kiểu tường thẳng đứng, phía trên mái lại nhô ra khiến sóng khi đánh vào sẽ bật lên cao, dội xuống làm vỡ mặt đê. Bởi khi có bão, gió mạnh kết hợp với triều cường và nước dâng thì phần phía trên đê lại là phần chịu lực mạnh nhất. 

 

Trong khi đó, ông Đặng Văn Tính, Cục trưởng cục Quản lý đê điều khi trả lời phỏng vấn báo chí lại cho rằng, đúng là bão chỉ cấp 9, nhưng trong bão có dông lốc cục bộ, cột sóng dâng cao đi kèm với triều cường nên những tuyến đê này không chịu nổi.

 

Còn tại Nam Định, không phải đến bão số 7 mà ngay từ bão số 2 nhiều đoạn đê Tiền Lang, Giao Thủy đã bị sạt lở. Sau đó, tuyến đê này đã được vá lại, làm mái mới. Tuy nhiên, PV Dân trí đã tận mắt chứng kiến một người dân có thể dùng tay bẻ gãy một mảnh mái đê mới được làm lại và bóp vụn ngay trong lòng bàn tay (!).

 

Nếu chưa bàn tới chất lượng thi công các tuyến đê này thì việc lựa chọn giải pháp thiết kế như thế nào cho phù hợp cũng rất đáng quan tâm, bởi nếu thiết kế không chuẩn rồi cứ thế xây dựng thì trước sức tàn phá của thiên nhiên, chắc chắn các tuyến đê khó có thể bảo toàn.

 

Kinh phí cho tu bổ đê điều quá thấp

 

Khi cơn bão số 7 (cấp 12) tràn vào các tỉnh ven biển phía Bắc thì sức tàn phá còn kinh khủng hơn. Theo tổng kết, hàng chục kilômét đê biển tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá bị phá tan hoang, hàng ngàn mét đê biển tại Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định cũng không chịu nổi trước cơn bão. Nước ngập sâu trong đất liền có nơi tới 5m. Đê vỡ khiến cuộc sống người dân trở nên cực kỳ khó khăn.

 

Theo ông Cục trưởng cục Quản lý đê điều thì hầu hết tuyến đê biển của Việt Nam được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều đoạn đã xuống cấp. Đặc biệt là ở khoảng 30 km qua các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

 

Ông cũng cho biết thêm, để làm một km đê mới chịu được bão cấp 12 và triều cường thì cần đến…100 tỉ đồng, trong khi đó  kinh phí dành cho việc tu bổ cho đê biển mỗi năm chỉ được vài tỷ đồng. Ông so sánh, tương tự duy tu đường bộ, chỗ nào mặt đường bong thì vá, việc tu bổ đê với khoản tiền vài tỷ cũng chỉ làm được việc chắp vá như vậy, không thể đòi hỏi cao hơn.

 

Trả lời những thắc mắc liên quan đến chất lượng đê biển, liệu có hiện tượng rút ruột công trình? ông Tính cho rằng, đê ở Việt Nam hiện chủ yếu  đắp bằng đất nên việc ăn gian khối lượng rất khó, không thể rút ruột bên trong, nếu có cũng chỉ là xe cơ giới khi đầm không kỹ chứ ăn bớt đất thì không. Ngay cả  kè lát mái cũng khó ăn bớt vì thi công xong, tất cả lồ lộ giữa “thanh thiên, bạch nhật”, vì thế không thể rút ruột.

 

Đê biển bảo vệ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh tế cũng như các thành phố, làng mạc và quan trọng hơn cả là tính mạng của con người trước những trận lụt, bão và triều cường xảy ra trên phạm vi hơn 80% bờ biển của Việt Nam. Mỗi khi sự cố về đê điều xảy ra đều mang lại những hậu quả hết sức nặng nề tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Đê vỡ, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và theo các chuyên gia nông nghiệp, phải mất tới vài năm mới khôi phục được.

 

Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải có biện pháp hữu hiệu và đầu tư thoả đáng để giữ gìn đê biển được an toàn.

Dưới dây là hình ảnh về một vài tuyến đê biển ở Nam Định và Hải Phòng sau cơn bão số 7:

Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam - 1

Đê Tiền Lang, Giao Thuỷ, Nam Định sau bão số 7.

Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam - 2

Kè chắn sóng ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng quá mong manh trước sóng biển và triều cường.

Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam - 3

Người dân ở bãi biển Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định thiệt hại nặng nề khi bão số 7 quật vỡ kè chắn sóng.

Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam - 4

Đoạn đê này đã bị sạt lở do bão số 2 nay lại thiệt hại do bão số 7 (đê Tiền Lang, Hải Hậu, Nam Định.)

Nhức nhối thực trạng đê biển Việt Nam - 5

Mái và thân đê đã tách rời nhau, chất lượng của đoạn đê này có đảm bảo?

 

Bài: Nguyên Đức
Ảnh:  Lê Anh Tuấn- Việt Hưng- Bảo Trung