1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ dự án ODA

(Dân trí) - Những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ thực hiện, giải ngân dự án ODA trong 2 năm gần đây, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chính là do đền bù, GPMB; tuyển chọn tư vấn quốc tế; thủ tục đấu thầu và điều chỉnh nội dung dự án.

Một cuộc khảo sát mới đây được tiến hành bởi Công ty Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư CONCETTI với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Sở KHĐT tại 7 tỉnh, thành phố Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, TPHCM, Cần Thơ và Sóc Trăng đã tổng kết được nhiều ý kiến liên quan đến việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA hiện nay.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ dự án ODA - 1
Hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA (ảnh VietNamnet).
 
Theo đó, các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị dự án phải kể đến là thiếu vốn, chưa có quy định rõ ràng về vốn chuẩn bị dự án; Nội dung văn kiện dự án yêu cầu quá chi tiết, quy trình phê duyệt phức tạp và khác biệt (giữa nhà tài trợ và Việt Nam hoặc giữa các nhà tài trợ khác nhau). Sự khác biệt này còn phải kể đến cả trong việc dự toán công trình.
 
Có tới 80% (41 đơn vị) được khảo sát cho rằng họ thường gặp khó khăn trong quá trình thẩm định dự án, trong đó các cơ quan chủ quản cho rằng khó khăn vì sự phối hợp với các cơ quan liên quan.
 
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ thẩm định còn hạn chế; chất lượng văn kiện dự án/báo cáo nghiên cứu khả thi không đảm bảo trong khi thời gian quy định cho thẩm định lại ngắn.
 
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân được đề cập tới như khó khăn trong việc điều chỉnh vốn đối ứng, chưa hài hoà thủ tục giữa phía Việt Nam và nhà tài trợ; quá trình tổ chức thực hiện dự án cũng là một vấn đề đáng chú ý.
 
Tổng kết những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ thực hiện, giải ngân dự án ODA trong 2 năm gần đây, theo đánh giá của cơ quan chức năng, đầu tiên phải kể đến là công tác đền bù, GPMB, tiếp đến là khâu tuyển chọn tư vấn quốc tế, thủ tục đấu thầu và điều chỉnh nội dung dự án.
 
Để giải quyết những bất cập trên, theo nhóm tư vấn CONCETTI, Chính phủ cần phải hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng nguồn vốn, trong đó có Nghị định 131/2006/NĐ-CP năm 2006.
 
Nhóm tư vấn khuyến nghị, Nghị định 131 cần sớm được sửa đổi, bổ sung, tập trung vào giải quyết triệt để mối quan hệ giữa phân cấp và quản lý thống nhất nguồn vốn ODA, vừa đảm bảo phát huy tính chủ động các bộ, ngành, địa phương, vừa đảm bảo vai trò điều phối, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến hài hoà với các Nhà tài trợ, bổ sung các hướng dẫn chính sách cho những vấn đề mới phát sinh song song với việc rà soát và kiên quyết loại bỏ các thủ tục, các giấy tờ không cần thiết…
 
Số liệu từ Bộ KHĐT cho thấy, từ 1993 - 2008, tổng giá trị vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam tại các Hội nghị CG thường niên đạt hơn 48,4 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt 22,12 tỷ USD.
 
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và các dự án WB tại Việt Nam đều đạt được các mục tiêu phát triển.
 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm