Nhiều vùng tại Huế bị cô lập, phố cổ Hội An xác xơ
(Dân trí) - Tính đến 16h chiều 15/10, tại tỉnh TT-Huế đang có nhiều đoạn nước lũ cao, gây chia cắt đường đi và cô lập một số vùng trọng yếu. Tại phố cổ Hội An - Quảng Nam, cây cối, cột điện gãy đổ ngổn ngang sau bão...
Theo đó, Quốc lộ 49B đoạn qua xã Phong Hoà, chợ Điền Hoà, từ Vân Trình đi Thị trấn Phong Điền bị ngập từ 0,3-0,4m. Đoạn qua xã Hải Dương ngập 05-0,6m. Riêng đoạn từ cầu Ca Cút về Hải Dương vẫn chưa đi được. Ở đoạn qua xã Hương Phong ngập 0,3m, đoạn qua cầu Diên Trường (huyện Phú Vang) ngập 0,6m
Riêng tỉnh lộ 4 đoạn qua tràn Thủ Lễ (huyện Quảng Điền) ngập sâu 0,8m. Một số tuyến đường tỉnh lộ 8A, 8B, 10A qua xã Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Xuân (thị xã Hương Trà) bị ngập từ 0,3-0,5 m; tỉnh lộ 11B xã Phong An đi xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) ở đoạn Kim Cang bị ngập trên 0,6m. Đường ven biển đầm Lập An (huyện Phú Lộc) bị ngập nhiều đoạn sâu từ 0,3-0,5m.
Các hộ dân ở hạ lưu sông Hương đã bị nước tấn công vào nhà
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế, hiện toàn tỉnh mưa đã ngớt nhưng do nước vẫn đang đổ về nên phía hạ lưu có tình trạng nước lũ lên. Các hồ đập thủy điện đang làm nhiệm vụ điều tiết lũ tốt.
Lũ đã cuốn trôi 1 người dân ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền. Bão lũ cũng làm bị thương 11 người trên toàn tỉnh. Huế có 17 nhà tạm bị sập cùng 669 nhà bị tốc mái. Số nhà bị tốc mái nặng là rất lớn, đến 568 nhà chính với mức độ từ 20-50%. Huyện Phú Lộc và Nam Đông có nhà bị tốc mái nhiều nhất với 252-119 nhà.
Triều cường ở biển vẫn đang lên. Nước sông cũng tiếp tục lên gây lụt nhiều nơi.
Gió giật mạnh trên sông Hương vào 9h sáng nay
Nước chảy cuồn cuộn ngay sát mặt cầu Trường Tiền
Nước đã chảy ào ạt qua tràn Đập Đá
Tràn qua đường đi bộ ven sông Hương
Gác chắn không cho dân qua vùng nguy hiểm ở Đập Đá
Một cây lộc vừng cổ thụ trên 100 năm tuổi đổ bật gốc trên đường Trần Hưng Đạo
Cây gãy chắn ngang đường làm xe cộ không thể qua lại ở gần Tam Tòa và đường Võ Thị Sáu
Nước dâng ngập nhiều nơi ở phố cổ
Gần trưa nay, sau khi bão đi qua, các nhân viên ngành điện, nhân viên công ty môi trường đô thị cùng người dân đã khẩn trương khắc phục hậu quả song đến thời điểm này mọi thứ vẫn rất ngổn ngang.
Huyện đảo Cồn Cỏ, địa phương vừa gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 10, nay tiếp tục bị thiệt hại nặng do bão số 11. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến 10h sáng 15/10, những công trình xây dựng, trụ sở và nhà dân trên địa bàn vừa khắc phục xong sau bão số 10 đã bị tốc mái trở lại; nhiều cây cối tiếp tục gãy đổ; toàn huyện đã bị mất điện, sóng viễn thông bị gián đoạn; hệ thống đê kè chắn sóng đã bị sạt lở hàng trăm mét, rất may không có thương vong về người. Trước đó, lúc 6h sáng, bão quét ngang đảo Cồn Cỏ với sức gió mạnh cấp 11, cấp 13, sóng biển dâng cao tới 4 - 5m, toàn bộ cán bộ, người dân trên đảo phải tập trung trú ẩn tại trụ sở UBND huyện.
Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại vào chiều tối nay (15/10), ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị cho biết, bão số 11 không trực tiếp đổ bộ vào Quảng Trị nhưng đã gây mưa lớn trên diện rộng. Hiện tại, cầu tràn Ba Lòng (huyện ĐăkRông) bị ngập sâu hơn 2,5m. Tại huyện Hướng Hóa, các khu vực như Tân Long, tuyến đường dẫn vào các xã vùng Lìa bị ngập sâu nhiều đoạn nên phải tiến hành di dời hơn 50 hộ dân. Do nước sông Sê Pôn, sông Thạch Hãn và một số sông khác trên địa bàn đang lên cao nên các địa phương phải tiến hành di dời rất nhiều hộ dân tại thị trấn Lao Bảo, huyện Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong…để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con. Hiện mưa lớn cùng gió bão tại Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) giật trên cấp 10 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân cũng như an toàn các hồ đập.
“Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án di dời cho hơn 26.000 hộ dân tại các vùng xung yếu, có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh đó, công trình thủy điện Quảng Trị và một số hồ, đập cũng đang phải xả nước về hạ du để đảm bảo an toàn cho hồ chứa. Nếu mưa lớn kéo dài như hiện nay thì nguy cơ ngập lụt rất dễ xảy ra” – ông Bài nói.
Cuối giờ chiều ngày 15/10, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chị cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu phía bắc của bão số 11, nhiều địa phương trong tỉnh có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8. Theo đó, ở thị trấn Ba Đồn trưa nay có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); ở TP Đồng Hới có gió giật mạnh 16m/s (cấp 7).
Do ảnh hưởng của bão, ở Quảng Bình ngày hôm nay có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 13 giờ chiều nay (15/10) phổ biến từ 70 – 140mm, đặc biệt ở Kiến Giang lượng mưa đo được là 152mm, Trường Sơn 161mm.
Ông Phụng cho biết thêm, theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCLB huyện Bố Trạch cuối giờ chiều nay cho biết, mặt đường bê tông đỉnh kè chống sạt lở cấp bách sông Dinh, thuộc địa phận xã Nhân Trạch bị sụp xuống cuốn trôi hoàn toàn 30m bờ kè.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện khẩn tới đến các huyện trên địa bàn tỉnh không được chủ quan, lơ là trước diễn biến mưa lũ phức tạp như hiện nay.