1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều thủy điện đối diện nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão

Vi Thảo

(Dân trí) - Một số khu vực công trình thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt trượt đất, đá, mất an toàn trong mùa mưa bão.

Theo dõi tình hình sạt lở xung quanh các nhà máy thủy điện

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 13 nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất 459,3 MW, bao gồm: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ, Thượng Nhật và nhà máy thủy điện Tả Trạch thuộc đập, hồ chứa thủy lợi Tả Trạch.

Hầu hết các công trình thủy điện tại Thừa Thiên Huế đều nằm ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ, Rào Trăng, A Sáp.

Nhiều thủy điện đối diện nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão - 1

Nhiều công trình thủy điện tại Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực đồi dốc (Ảnh: Vi Thảo).

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai tại các nhà máy thủy điện đang vận hành trước mùa mưa bão 2024.

Kết quả kiểm tra tại nhà máy thủy điện A Lưới cho thấy, đường quản lý vận hành nhà máy dài, với độ dốc lớn, khu vực công trình trải dài trên nhiều địa hình, nguy cơ cao xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão.

Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà máy thường xuyên rà soát các ngầm tràn, khu vực nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên phạm vi công trình để có phương án gia cố, khắc phục kịp thời.

Thủy điện A Lưới cần theo dõi, quan trắc mái taluy dương sau nhà ở vận hành khu vực đập, khu vực nhà máy, taluy dương mái đào sau nhà máy, đường vào đập..., để có phương án di chuyển, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, công nhân viên và công trình khi có mưa lũ xảy ra.

Đoàn kiểm tra chỉ ra đường vận hành tại các nhà máy thủy điện Bình Điền, A Roàng, Thượng Lộ, Sông Bồ,… có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, vách núi dựng đứng, nguy cơ sạt, trượt đất, đá, gây mất an toàn rất cao.

Riêng nhà máy thủy điện Thượng Lộ cần thường xuyên kiểm tra việc lún, sụt toàn bộ bề mặt mái đập; theo dõi hiện tượng thấm tại thân đập, phát hiện bảo dưỡng và duy tu kịp thời.

Nhà máy Thượng Lộ cần rà soát toàn bộ các khu vực thượng, hạ lưu đập, ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các khu vực trên phạm vi công trình, đặc biệt là đường vận hành đập, cụm đầu mối,... để có phương án khắc phục đảm bảo an toàn.

Nhà máy A Lin Thượng khẩn trương tổ chức thi công, khắc phục đường công vụ (bao gồm tuyến đường lên đập, vào nhà máy), đảm bảo phục vụ công tác vận hành cũng như ứng phó thiên tai và các tình huống bất thường có thể xảy ra.

Đơn vị cũng phải thường xuyên kiểm tra theo dõi, quan trắc hiện tượng sạt lở phía taluy âm, taluy dương kênh dẫn nước, mái taluy dương sau nhà máy và phía bờ phải nhà máy để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn; theo dõi điểm sạt lở phía thượng lưu đập bờ trái, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến vận hành của cống lấy nước.

Tuyệt đối không quy hoạch khu dân cư ở A Lin - Rào Trăng

Đối với cụm thủy điện bậc thang A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 cùng nằm trên tuyến đường 71, là tuyến đường độc đạo, phục vụ vận hành các nhà máy, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, cây cối mọc ra lòng đường, che khuất tầm nhìn, có nhiều điểm sạt lở, tạo hàm ếch gây nguy hiểm.

Các hạng mục công trình của 4 nhà máy này nằm trải dài trên địa hình đồi núi dốc, các mái taluy với độ dốc lớn, do đó nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão là rất cao.

Nhiều thủy điện đối diện nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão - 2

Khu vực có nguy cơ sạt lở ở cấp cao, rất cao chiếm đến 56,4% diện tích vùng A Lin - Rào Trăng (Ảnh: Vi Thảo).

Theo nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Huế, trong giai đoạn 2017-2020, khu vực A Lin - Rào Trăng xuất hiện khoảng 24 khối trượt, chủ yếu là sạt trượt taluy tuyến đường giao thông A Lin bậc 3 và Rào Trăng.

Sau đợt mưa lũ tháng 10/2020, đã xác định được 276 khối sạt trượt, tập trung dọc theo thung lũng sông Rào Trăng.

Qua thống kê hiện trạng và kết quả phân vùng, khu vực có nguy cơ sạt trượt ở cấp cao và rất cao chiếm 56,4% diện tích của vùng (khoảng 54,9km2), tập trung ở phía tây, tây nam và trung tâm khu vực A Lin - Rào Trăng.

Vùng sạt trượt cao có diện tích 134,8km2, phân bố chủ yếu ở phía nam, tây nam và dọc theo thung lũng Rào Trăng.

Ngoài ra còn có 3 cấp nguy cơ sạt trượt: trung bình, thấp, rất thấp, với diện tích khoảng 150km2, tập trung ở phía bắc, tây bắc, đông bắc, từ thủy điện Rào Trăng 4 về xã Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền).

Nhiều thủy điện đối diện nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão - 3

Các nhà khoa học đề xuất tuyệt đối không quy hoạch các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng không thiết yếu ở khu vực A Lin - Rào Trăng (Ảnh: Thảo Vi).

Tại khu vực có nguy cơ sạt lở ở cấp rất cao, kèm theo các tai biến khác, như: lũ quét, lũ bùn đá, nhóm nghiên cứu đề xuất tuyệt đối không quy hoạch các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng không thiết yếu.

Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể quy hoạch xây dựng công trình nhưng cần đánh giá độ ổn định, nguy cơ sạt lở ở khu vực nền công trình lân cận, kèm theo các giải pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại tối đa.

Ngoài ra còn có các giải pháp công trình và phi công trình, như: xây dựng biện pháp cụ thể ứng phó sạt trượt đất theo cấp độ rủi ro thiên tai; thiết kế và xây dựng mái dốc hợp lý, xây dựng hệ thống cảnh báo sạt trượt; nâng cao nhận thức, kiến thức, nguồn tài liệu tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm