PhotoStory

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Nhiều đoạn trên tuyến đường 71 dẫn vào khu thủy điện bậc thang A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 1

Tuyến đường 71 có chiều dài khoảng 50km, với điểm đầu tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, điểm cuối tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ngoài yếu tố quốc phòng, phục vụ các công trình thủy điện, tuyến đường 71 được xây dựng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ không chỉ từ vùng lõi mà còn ra vùng đệm, giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh quốc lộ 49, đường 71 là tuyến nội tỉnh thứ 2 kết nối vùng đồng bằng với huyện miền núi A Lưới, có nhiều đoạn đèo dốc cao, quanh co.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 2

Đường được thi công năm 1967 và hoàn thành năm 1971, góp phần giải phóng Thừa Thiên Huế, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2011, tuyến đường 71 được xây dựng, cải tạo lại để phục vụ thi công, vận hành hệ thống thủy điện bậc thang, gồm: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 3

Do đi qua địa hình đồi núi cao, bên dưới lại có nhiều sông, suối nên dọc tuyến đường 71 tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão đến.

Điển hình là vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2020 tại khu vực thi công dự án nhà máy tại thủy điện Rào Trăng 3 và tại Tiểu khu 17 (km15), thuộc địa phận xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), làm thiệt mạng, mất tích hàng chục cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang làm nhiệm vụ.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 4

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trên đường 71 có nhiều điểm sạt lở taluy dương, taluy âm; mặt đường bị đứt gãy, bong tróc, thủng lỗ chỗ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực cũng như người dân.

Đặc biệt, đoạn từ thủy điện Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 (km30-km 44), có ít nhất 4 vị trí trên đường 71 bị khoét sâu, tạo thành hàm ếch, hở toang hoác, mặt đường chỉ còn lại phân nửa.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 5
Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 6
Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 7

Sạt lở taluy âm, ngầm tràn tan nát đoạn từ thủy điện Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 trên tuyến đường 71.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 8

Sạt lở taluy dương, đất đá trôi xuống làm hẹp mặt đường. 

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 9
Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 10

Mặt nền đường bị bong tróc lớp bê tông nhựa. Mưa lớn làm xói mặt đường, tạo thành các  rãnh sâu, hố lớn ở nhiều đoạn.

Được biết trong năm 2022, các nhà máy đã bỏ kinh phí ra tự sửa chữa những vị trí hư hỏng nặng trên đường 71. Tuy nhiên, tình trạng xe chở keo hoạt động liên tục và do ảnh hưởng của mưa lũ nên tuyến đường tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng.

Các nhà máy thủy điện đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí kinh phí cùng các chủ đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường 71 để thuận tiện cho việc di chuyển phục vụ công tác vận hành của các nhà máy và nhân dân trong vùng dự án.

Đường vào khu thủy điện Rào Trăng sạt lở nghiêm trọng, hở toang hoác - 11

Để kịp thời phục vụ công tác vận hành, ứng phó thiên tai năm 2024 và an toàn cho công nhân vận hành, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy thủy điện A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 tổ chức sửa chữa, san gạt tạm thời tuyến đường, phát quang hành lang tuyến, cắm biển báo cảnh báo tại các vị trí sạt lở.

Mới đây, nhóm nghiên cứu Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, độ rủi ro do sạt trượt đất đá ở khu vực A Lin - Rào Trăng.

Tính từ năm 2017 đến đầu năm 2020, có 24 khối trượt xuất hiện trong khu vực, chủ yếu là sạt trượt taluy tuyến đường giao thông. Trong đợt mưa lũ lớn ở khu vực này từ ngày 6 đến 13/10/2020, hiện tượng sạt trượt bắt đầu xảy ra trên diện rộng với 276 khối, bao gồm trượt trên các sườn dốc tự nhiên, taluy của tuyến đường 71 và bờ sông, bờ suối.

Theo nhóm nghiên cứu, có hai nguyên nhân cơ bản gây sạt trượt ở khu vực thủy điện A Lin - Rào Trăng và tuyến đường 71. Đó là do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình làm tăng độ dốc sườn đồi núi khi thi công các tuyến giao thông, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn (nguyên nhân nhân sinh) và do tình hình địa chất, mưa lũ kéo dài, làm cho đất bị bão hòa nước.