1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Nhiều thủ trưởng ban ngành "gây khó dễ" với báo chí

(Dân trí) - Ngày 28/11, tại Hội nghị định hướng công tác tuyên truyền tháng 12/2014 do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức, các báo đã phản ánh tình trạng hiện có nhiều thủ trưởng ban ngành, đơn vị ở Huế không chịu phát ngôn, gây khó dễ với báo chí.

Mặc dù đã có Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 7/3/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về “Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, quy định rõ: “Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị, địa phương là người đứng đầu các đơn vị, địa phương hay người được người đứng đầu đơn vị, địa phương giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.

Quyết định này đã được phát cho toàn bộ các ban ngành Huế, nhưng không hiểu vì lý do gì mà rất nhiều thủ trưởng các đơn vị lại cố tình làm ngược lại tinh thần của tỉnh về phát ngôn với báo chí, gây ra nhiều bức xúc trong làng báo Huế, và công việc của báo chí bị trở ngại, chậm tiến độ khi tòa soạn giao phó.

PV báo Dân trí đã phản ánh qua thực tế, thủ trưởng công an các cấp như trưởng công an phường, trưởng công an huyện, thị xã khi gặp báo không bao giờ phát ngôn mà “đẩy” trách nhiệm đó lên cấp trên. Như trưởng công an phường thì bảo PV lên trưởng công an thành phố hỏi, còn trưởng công an huyện, thị xã thì bảo PV lên ban giám đốc công an tỉnh xin ý kiến.

Nhiều thủ trưởng ban ngành gây khó dễ với báo chí
Hội nghị đã ghi nhận đa số ý kiến về lãnh đạo các cấp ngành tại Huế không phát ngôn với báo chí thời gian dài vừa qua. Điều này ít có địa phương nào như vậy

“Không biết trong ngành công an của Huế có ban hành một văn bản nào đó để thực hiện việc phát ngôn đi ngược lại tinh thần văn bản của tỉnh không mà chúng tôi đã nhiều lần gặp sự bất hợp tác từ phía ngành này? Những việc chúng tôi hỏi là các vụ việc trật tự, an ninh, xã hội thông thường do người dân bức xúc phản ánh chứ không có liên quan đến chuyện bí mật nhà nước hay nhạy cảm về chính trị nhưng không hiểu sao công an lại không trả lời” – PV báo Dân trí góp ý.

Báo Tuổi Trẻ cũng nêu ý kiến, dù đã gặp ban giám đốc công an tỉnh, nhưng phía công an bảo phải có công văn do lãnh đạo báo ghi rõ nội dung làm việc gì, dưới có đóng dấu của báo thì mới làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều công văn của báo này sau khi gửi lên công an tỉnh đều “bặt vô âm tín” do công an không phản hồi lại. Nhiều báo khác cho biết thêm, đã nhiều lần điện thoại, nhắn tin đến giám đốc công an tỉnh nhưng ông này không trả lời.

Bên cạnh đó, các báo cũng đã từng gặp chủ tịch phường, thủ trưởng các đơn vị cấp Sở để hỏi thông tin nhưng cũng đa số bị từ chối phát ngôn. Ngoài ra, khi vào cơ quan còn ghi nhận chuyện thấy nhiều cán bộ làm việc quan liêu. Sự việc thì đang nóng, báo chí cần câu trả lời ban đầu nhưng người đứng đầu các cơ quan lại không trả lời thì còn biết hỏi ai. Qua đó, các báo đã đề nghị các ban ngành cần có giải pháp kịp thời để giúp cho làng báo Huế hoạt động được thông suốt.

Nhiều thủ trưởng ban ngành gây khó dễ với báo chí

Quyết định phát ngôn cho báo chí đã được UBND tỉnh ban hành, ghi rõ là người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Nhưng có nhiều nơi vẫn cố tình làm trái, bất tuân

Ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh khẳng định quyết định về phát ngôn của tỉnh mới ban hành đầu năm 2014 đã được gửi hết về các cơ quan, nhưng có lẽ thủ trưởng ít… đọc. Hiện nay có nhiều “dạng” không cung cấp thông tin cho báo chí gây phiền hà, bực bội cho nhà báo, phóng viên.

“Qua đây, chúng tôi thấy có sự phản ứng về thông tin chậm ở tỉnh. Chắc chắn sở sẽ có biện pháp khắc phục. Chúng tôi sẽ in sao quyết định phát ngôn với báo chí lại để gửi lại cho các cơ quan. Trong các buổi giao ban tới, chúng tôi sẽ nhắc việc này cho các cơ quan chấp hành tốt. Đầu năm 2015, Sở sẽ tổ chức hội nghị tập huấn quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí để cho toàn thể được rõ. Khi có vấn đề gì, thủ trưởng có trách nhiệm trả lời nhưng không trả lời hay nói loanh quanh đã gây nên sự vất vả cho các anh em báo chí. ” – ông Minh nói.

Bà Đoàn Thị Thanh Huyền, tân Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy ghi nhận ý kiến của các báo và cho hay sẽ trình cấp trên để có biện pháp khắc phục sớm. Riêng bà Huyền cho hay sẽ làm việc với Công an tỉnh để nói rõ việc của báo bị làm khó dễ ở các cấp mà đáng lẽ thủ trưởng cơ quan công an từng cấp phải có trách nhiệm phát ngôn với báo chí.

Nhiều thủ trưởng ban ngành gây khó dễ với báo chí

Bà Đoàn Thị Thanh Huyền, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cho biết sẽ giải quyết câu chuyện trên trong thời gian tới để giúp anh em báo chí Huế được tác nghiệp tốt hơn

Liên quan đến sự việc Dự án triệu đô trên núi Hải Vân vừa mới bị tỉnh quyết định dừng thực hiện gây nóng dư luận cả nước vừa qua, bà Huyền thẳng thắn nhìn nhận do cơ quan chức năng thông tin tới báo còn chậm và chưa kịp thời. Bên cạnh đó, sự việc đã bị một ít số tờ báo đẩy lên quá tiêu cực gây dư luận không tốt, hoang mang cho người dân Huế. Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo sẽ tham mưu cho tỉnh thêm để có những thông tin nhanh chóng về vụ việc này tới báo chí nhằm định hướng tuyên truyền đúng một cách chính xác nhất.

Các báo cũng phản ánh việc lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo, Hội Người cao tuổi... có những công văn “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi từ giáo viên, người dân khi về các huyện, thị xã ép bán những sản phẩm với giá rất cao, chất lượng kém. Điều này cần được xem xét, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận và cho biết sẽ có có ý kiến để chấn chỉnh lại tình trạng này.



Đại Dương