“Nhiều phóng viên bị đe doạ, hành hung nhưng chỉ 1/5 số vụ có thông tin”

(Dân trí) - Nhà báo Nguyễn Bá Kiên (Tổng biên tập Báo Giao thông) cho biết, năm 2013 có 40 vụ phóng viên bị đe doạ và hành hung nhưng chỉ có 1/5 số vụ có thông tin xử lý. Theo ông Kiên, hiện chưa thấy số liệu cụ thể về phóng viên bị cản trở tác nghiệp.

Xung quanh các vụ việc xâm hại quyền tác nghiệp báo chí trước thềm kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Diễn đàn nhà báo trẻ (nơi quy tụ hơn 10.000 thành viên đang hoạt động báo chí, truyền thông) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp” vào hôm qua (12/6).

Tại cuộc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Bá Kiên (Tổng biên tập Báo Giao thông) công bố thông tin, năm 2013 có 40 vụ cản trở, đe doạ và hành hung phóng viên; nhưng chỉ có 1/5 số vụ có thông tin xử lý.

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên cho rằng, một nguyên nhân chính khiến thông tin xử lý các vụ nói trên không được công bố vì sau khi xảy ra, các đối tượng bị chỉ trích tự liên hệ với cơ quan báo và chính phóng viên để bồi thường, thỏa thuận.

Với một số vụ cản trở khác, sau khi đăng tin xong, không cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, không lập được bằng chứng.

“Nhiều phóng viên bị đe doạ, hành hung nhưng chỉ 1/5 số vụ có thông tin”
Nhà báo Nguyễn Bá Kiên (bìa trái): "40 vụ đe doạ, hành hung, cản trở phóng viên nhưng chỉ 1/5 số vụ có thông tin".

Liên quan đến việc 2 phóng viên Báo Giao thông bị hành hung mới đây, nhà báo Nguyễn Bá Kiên khẳng định, lãnh đạo Báo Giao thông đã lập tức vào cuộc và có hàng loạt động thái để bảo vệ phóng viên. Lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị điều tra, truy tìm thủ phạm. Nhiều tờ báo đồng nghiệp cũng đã đăng tải thông tin.

"Với các biện pháp trên, hiệu quả mang lại rất mạnh. Chỉ sau 2 ngày, cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ" - Nhà báo Bá Kiên nói.

Nhà báo Phạm Quốc Cường (PV báo điện tử Dân trí, khách mời của cuộc tọa đàm, người vừa bị một chủ doanh nghiệp lăng mạ, đe dọa qua điện thoại) cho rằng, với cánh phóng viên, nhất là phóng viên điều tra, đi thâm nhập và tìm hiểu sự thật mà bị đe dọa, hành hung hoặc bị cản trở, họ ở vào thế bị động hoàn toàn. "Hơn ai hết, để đấu tranh với đối tượng xâm hại phóng viên, sự ủng hộ, đồng hành của cơ quan nơi họ làm việc sẽ là chỗ dựa tốt nhất" - nhà báo Quốc Cường chia sẻ.

Nhà báo Quốc Cường: ... ai bị đe doạ, sỉ nhục đều cảm thấy bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý.
Nhà báo Quốc Cường: "... ai bị đe doạ, sỉ nhục đều cảm thấy bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý".

"Không những tôi mà ai cũng vậy, sau khi bị người khác đe dọa hay lăng mạ, sỉ nhục, đều sẽ cảm thấy bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý. Sau khi bị đe dọa, tôi không chỉ lo cho mình mà còn lo cho gia đình, vợ con, danh dự cá nhân, danh dự cơ quan…” - nhà báo Quốc Cường chia sẻ.

Nhà báo Mai Phan Lợi (Phó Tổng TKTS báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đến nay, nhiều phóng viên bị hành hung cản trở trong quá trình tác nghiệp nhưng chính cơ quan chủ quản của họ lại không lên tiếng bảo vệ. Điều đó đôi khi khiến người khác nghĩ: "Hay anh phóng viên này có vấn đề gì nên tờ báo đó không bảo vệ".

Cũng theo nhà báo Phan Lợi, thông thường một vụ việc xảy ra, người ta nghĩ ngay đến cơ quan công an. Nhưng nhà báo này cho biết, trong nhiều vụ việc, phóng viên cần có ý kiến với các cơ quan xử lý hành chính, điển hình là Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho rằng trong khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được soạn thảo, các cơ quan báo chí, diễn đàn nhà báo nên kiến nghị xem xét bổ sung thêm tội danh liên quan đến việc cản trở quyền tác nghiệp báo chí. Trong đó, luật sẽ quy định rõ ràng thế nào là hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.

Về pháp luật và hành chính, nhà báo Phan Lợi cho biết, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đang lấy ý kiến có quy định về sự bảo hộ nhà nước. Nhưng theo ông Lợi, luật cần quy định rõ bảo hộ nhà nước là như thế nào? Ai, cơ quan nào đứng ra bảo hộ? Trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông là gì, của thanh tra bộ là gì?

"Phải quy định rõ mới tránh được hiện tượng có chế tài mà không xử phạt được" - Nhà báo Mai Phan Lợi nói.

Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa có công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Bình chỉ đạo làm rõ thông tin nhà báo Phạm Quốc Cường bị ông Nguyễn Tăng Cường (Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, đóng trên địa bàn) lăng mạ và đe dọa qua điện thoại.

Nhà báo Quốc Cường: ... ai bị đe doạ, sỉ nhục đều cảm thấy bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý.

Công văn số 180 CV/HNB-BKT của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam gửi đến Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị, sau khi xác minh, các cơ quan này có văn bản thông báo lại nội dung sự việc, để Hội Nhà báo Việt Nam có cơ sở thực hiện chức trách của mình là bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo theo luật định.

C.Kiên