1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

“Nhiều người hỏi vì sao tôi dám ngồi chạy thử tàu ngầm của dân”

(Dân trí) - Đánh giá về tàu lặn Hòa Bình do một nhóm nhà khoa học Vinashin tự nghiên cứu trong lúc không có việc làm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, con tàu này có thể trở thành sản phẩm phục vụ kiểm tra giàn khoan, phục vụ du lịch, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) cho rằng, thời gian qua một số doanh nhân, cũng như nhà nông đã làm tàu lặn ở biển như tàu Yết Kiêu, Hòa Bình, Trường Sa được đánh giá là rất hiệu quả. “Đích thân Bộ trưởng đã xuống tàu Hòa Bình kiểm tra, vậy xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của mình về những loại tàu này và có giải pháp nào cho việc phát huy sáng tạo đó”, đại biểu Nguyễn Đức Hiền nói.


Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng sáng kiến của người dân, nếu như đáp ứng được những yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời điểm này đã bước vào thế kỷ 21 hơn 10 năm, hội nhập quốc tế rất sâu rộng nên mọi sản phẩm cũng phải có những giá trị nhất định và phải được xã hội chấp nhận, đặc biệt là thị trường chấp nhận.


Tàu ngầm Hòa Bình
Tàu ngầm Hòa Bình


Bộ trưởng Quân cho biết, bộ này thường xuyên hỗ trợ cho những người dân có sáng kiến thông qua các chợ công nghệ thiết bị hàng năm. Bộ Khoa học và Công nghệ mời người dân có sáng kiến đến để giới thiệu sản phẩm của họ tới xã hội và để cho xã hội cũng như doanh nghiệp tiếp cận, cùng với họ đầu tư. Qua đó rất nhiều sản phẩm của nông dân được ứng dụng rộng rãi, thậm chí họ đã trở thành những doanh nhân thành đạt.


“Tuy nhiên, trong lĩnh vực tàu ngầm, máy bay có thể coi là phương tiện giao thông, còn ở mức độ cao là những sản phẩm liên quan đến an ninh quốc phòng nên việc chế tạo, thử nghiệm và sử dụng nó thì phải tuân thủ những quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói.


Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cử cán bộ đến làm việc với những công dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong quá trình đó người dân rất hợp tác, cùng với những nhà khoa học trao đổi, hỗ trợ trong việc thiết kế, chế tạo. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bà con cứ lặng lẽ làm mà cơ quan quản lý cũng không được biết, đến khi đưa ra thử nghiệm thì lúc đó cơ quan quản lý vào cũng không thể xử lý được, vì thiết kế đã làm rồi, chế tạo cũng đã làm, không thể thay đổi được nữa.


Riêng về tàu lặn ở Hòa Bình của một nhóm nhà khoa học Vinashin phối hợp với các nhà khoa học tự bỏ vốn thiết kế chế tạo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, có những tính năng rất tốt như chở được 4 người, hoạt động tối đa 2 ngày, độ sâu tối đa 50 mét và cũng đã mời các cơ quan, kể cả cơ quan đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng... tham gia đánh giá và kết quả đã thành công. Phía đăng kiểm của Đức cũng tham gia vào việc thiết kế, sau khi làm xong thủ tục sẽ để cơ quan đăng kiểm của Đức hiện đại hóa để trở thành sản phẩm kiểm tra giàn khoan, phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn…


Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân với một chiếc tàu lặn tự bỏ vốn để làm như vậy, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ đã cố gắng hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng từ dự án sản xuất thử nghiệm. Tuy nhiên, do hệ thống chính sách của chúng ta chưa phù hợp nên rất nhiều chứng từ không thanh toán được. Cuối cùng bộ chỉ quyết toán được chưa đến 3 tỷ đồng, bằng khoảng 10% giá trị con tàu.


Theo Bộ trưởng Quân con tàu này có giá thành chưa đến 1,5 triệu USD, trong khi một con tàu lặn chúng ta mua từ nước ngoài có giá từ 5 - 7 triệu USD. Ngay cả thuê tàu hàng ngày để kiểm tra giàn khoan ngoài biển trong vòng 3 năm còn đắt hơn giá mua con tàu này của Việt Nam.

“Vì thế chúng tôi thấy đây là một hướng đi rất có triển vọng. Nhiều người hỏi vì sao tôi lại dám ngồi tàu ngầm đó. Vì tôi tin tưởng vào trình độ năng lực của những người làm khoa học với sự bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm nước ngoài. Nên tôi cùng anh em thiết kế ngồi con tàu đó và quá trình chạy thử nghiệm ở Cam Ranh thì đã kiểm tra tất cả các thông số thiết kế, thậm chí còn có nhiều con số còn tốt hơn thiết kế”, Bộ trưởng Quân nói.


Người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam mong muốn những người dân khác có ý tưởng sáng tạo, có năng lực hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khoa học, với các cơ quan quản lý để sản phẩm của họ khi làm ra được đánh giá tốt, được phép lưu hành và được cơ quan nhà nước hỗ trợ trong việc thương mại hóa. Nếu không họ sẽ theo đuổi những ý tưởng ấy mà không nhận được sự hỗ trợ, được sự cho phép dẫn đến những sản phẩm gặp khó khăn khi đưa ra thị trường vì lý do an toàn an ninh quốc gia, an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng hoan nghênh Bộ trưởng Quân đã dám ngồi vào con tàu vẫn chưa kiểm định. “Tôi tin ngồi trong con tàu ấy thì Bộ trưởng có thể nghiên cứu đến cơ chế để có thể khuyến khích được người dân sáng tạo, không chỉ trong lĩnh vực tàu mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Quang Phong