DNews

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau "chén chú, chén anh"

An Huy Hoàng Hướng

(Dân trí) - CSGT và chuyên gia tâm lý nhận định sau thời gian cao điểm kiểm tra nồng độ cồn "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", phần lớn ý thức người tham gia giao thông đã thay đổi rõ rệt.

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau "chén chú, chén anh"

Tài xế vi phạm nồng độ cồn ít dần

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1, khẳng định tình trạng tài xế uống rượu bia rồi điều khiến phương tiện xảy ra hầu hết địa phương trên cả nước, không riêng địa bàn quận 1, TPHCM.

Khi bị kiểm tra, nhiều tài xế đối phó tổ công tác bằng cách không xuất trình giấy tờ, không chịu thổi máy đo, tránh hoặc trì hoãn việc kiểm tra, ảnh hưởng quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Đối mặt những tình huống trên, CSGT phải mất nhiều thời gian vận động để người vi phạm chấp hành đo nồng độ cồn. Trường hợp tài xế không hợp tác, CSGT sẽ mời chính quyền địa phương có mặt chứng kiến, xử lý theo đúng quy định.

"Tài xế không chịu đo nồng độ cồn mà tự ý đi khỏi chốt, đơn vị sẽ lập biên bản xử phạt ở mức cao nhất. Quá trình làm việc, có quá nhiều trường hợp tài xế chống đối, tôi nhớ không hết. Họ cãi vã, lý luận này kia một cách ngang ngược, bất chấp quy định", vị cán bộ chia sẻ.

Theo lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1, khi đơn vị thực hiện kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên mỗi đêm, tình trạng tai nạn giao thông do tài xế xử dụng rượu bia trên địa bàn giảm hẳn 3 mặt, gồm: Số vụ, số người chết, số người bị thương.

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau chén chú, chén anh - 1

Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên đường Hoàng Sa (Ảnh: An Huy).

Qua thời gian thực hiện cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, lượng tài xế được kiểm tra nhiều nhưng vi phạm ít dần, chứng tỏ hiệu quả. Trước đây, khi khu vực trung tâm TPHCM xảy ra tai nạn nghiêm trọng, phần lớn là do tài xế sử dụng rượu bia.

Việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT, cốt lõi là để người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. CSGT dùng biện pháp mạnh sẽ đánh vào ý thức của người tham gia giao thông, thay đổi hành vi vi phạm. Khi sử dụng rượu bia, người dân quyết định không lái xe mới đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và người tham gia giao thông xung quanh.

"Lợi ích thứ nhất của việc không lái xe sau khi ăn nhậu là họ được đi đến nơi, về đến chốn, gia đình hạnh phúc. Họ không phải tốn nhiều chi phí chữa bệnh liên quan đến tai nạn giao thông.

Những người tham gia giao thông sử dụng rượu bia đa phần là lao động chính của gia đình. Họ chấp hành nghiêm luật giao thông, sẽ làm cho gia đình họ ổn định cuộc sống", lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 nói.

Trong khi đó, một cán bộ CSGT (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM) cho biết, rượu bia là một trong những tác nhân chính khiến tài xế lái xe gây tai nạn giao thông vì chất cồn trong rượu bia khiến não bộ xử lý thông tin chậm, phản xạ có điều kiện cũng suy giảm.

Khi lưu thông trên đường, tài xế gặp tình huống không xử lý kịp dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, rượu bia còn khiến cơ thể của tài xế như mắt, tay, chân bị ảnh hưởng, giảm sự tập trung, tầm nhìn khi lái xe.

Do có nồng độ cồn trong cơ thể, tài xế sẽ không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu của đèn và hay ngủ gật khi lái xe dẫn đến tai nạn.

Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, từ 15/12/2022 đến 14/11/2023, lực lượng CSGT trên toàn địa bàn thành phố phát hiện, xử lý 609.783 trường hợp vi phạm. Trong đó có 116.465 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Những trường hợp này bị CSGT lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện.

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau chén chú, chén anh - 2

Một tài xế lái xe máy sau khi sử dụng rượu bia bỏ chạy khi thấy CSGT và bị tổ công tác đuổi theo chặn lại (Ảnh: An Huy).

Tâm lý người dân có phần thay đổi

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn - Đại học quốc gia TPHCM, nhận định, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trên toàn thành phố, việc uống một vài lon bia bị xử phạt mấy triệu đồng khiến tâm lý người dân có phần thay đổi.

Thay vì nhậu ít, vừa đủ tỉnh táo hoặc chọn tuyến đường không có chốt đo cồn để đi về họ sẽ chọn dịch vụ xe ôm hoặc xe taxi để về nhà sau khi sử dụng rượu bia.

Trước đây, người dân chúng ta thường có thói quen nhậu không say không về. Tuy nhiên, hiện nay người dân dường như đã ái ngại hơn trong việc tới bến trên bàn nhậu.

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau chén chú, chén anh - 3
Không đến mức phải xem xét lại về quy định nồng độ cồn.
Nguyễn Thị Ngọc Vui Chuyên gia tâm lý

"Tôi rất ủng hộ việc cơ quan chức năng triển khai cao điểm kiểm tra nồng độ cồn trong dịp cuối năm, đặc biệt trước những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra trong thời gian qua.

Đối với những người không nhậu, không thích ăn nhậu, họ thường ngán ngẩm khi tham gia giao thông trên trục đường có nhiều quán nhậu bởi họ lo lắng trước việc lưu thông cùng những người có biểu hiện say xỉn.

Việc cơ quan chức năng triển khai kế hoạch cao điểm kiểm soát nồng độ cồn phần nào kéo giảm tai nạn giao thông vừa góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc ăn nhậu phải chấp hành đúng quy định pháp luật", chuyên gia  Ngọc Vui nói.

Hiện tại, trong kỳ họp Quốc hội đã có nhiều đề xuất về mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông. Theo bà Vui, việc đề xuất này cần đánh giá thận trọng, cơ quan chức năng cần nhìn nhận, học hỏi ở các nước phát triển trên thế giới về quy định trong việc xử lý nồng độ cồn. Nếu các nước làm được Việt Nam của chúng ta cũng sẽ làm được, tuy nhiên đòi hỏi cơ chế quản lý, lãnh đạo phải triệt để hơn, thậm chí cần có các phương tiện kỹ thuật hiện đại tránh việc lách luật.

Theo quy luật tất yếu, việc ra quân cao điểm kiểm soát nồng độ cồn sẽ tác động đến tâm lý người dân, nhiều người dân ngại đi nhậu khiến các quán nhậu vắng khách mất doanh thu.

Tuy nhiên, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để các chủ quán nhậu suy nghĩ đến việc sẽ kiếm tiền như thế nào, thay đổi phương pháp kinh doanh sao cho phù hợp để thích ứng trong giai đoạn hiện nay, qua đó phát triển bản thân, nâng cao năng lực kinh doanh, buôn bán.

"Tôi nghĩ việc ra quân tổng kiểm soát nồng độ cồn sẽ phần nào ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tuy nhiên không đến mức đáng báo động để xem xét lại về quy định nồng độ cồn", vị này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó vị chuyên gia tâm lý học cũng khuyến cáo, không chỉ trong đợt cao điểm, mỗi người dân khi đi ăn nhậu nên sử dụng dịch vụ vận chuyển, có thể đặt xe ôm, taxi, hoặc nhờ người nhà đưa rước.

Đây là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh. Về quan điểm việc nhậu để duy trì mối quan hệ, công việc như tôn trọng trên bàn nhậu, "chén chú, chén anh" cần được thay đổi trong thời gian tới.

Nhiều người dân ở TPHCM biết sợ… lái xe về nhà sau chén chú, chén anh - 4

10 cụm CSGT trên toàn TPHCM ra quân kiểm tra nồng độ cồn từ tối 24/10 (Ảnh: Hoàng Hướng).

Bài liên quan:

1. Chiêu trò của dân nhậu ở TPHCM đối phó CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

2. Nhiều quán nhậu ở TPHCM "vắng như chùa Bà Đanh" vì khách sợ… uống bia