Nhiều lãnh đạo ở Phú Yên ủy quyền cấp phó tiếp công dân
(Dân trí) - Trong thời kỳ 2018-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND một số huyện ở tỉnh này ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ là chưa thực hiện đầy đủ quy định Luật Tiếp công dân.
Nội dung đó được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020) vừa công bố.
Kết luận cho thấy một số sở ngành ở Phú Yên ban hành Quy chế tiếp công dân còn chậm hoặc chưa ban hành; bố trí cán bộ không đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ làm công tác tiếp công dân.
Các cơ quan Đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Phú Yên chưa cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân thực hiện việc tiếp dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Tiếp công dân.
"Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND một số huyện, thủ trưởng các đơn vị còn ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ là chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của khoản 5 Điều 12 Luật Tiếp công dân. Việc ghi chép sổ tiếp công dân chưa đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định tại Thông tư số 06/2014 của Thanh tra Chính phủ", kết luận thanh tra nêu.
Từ đó dẫn tới chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu ở Phú Yên chưa cao, số quyết định phải thu hồi còn nhiều. Một số vụ việc khiếu nại kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó có khiếu nại của bà Nguyễn Thị Liên và một số hộ dân phường Phú Đông, TP Tuy Hòa về đền bù thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị Nam Tuy Hòa; khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mơ đòi lại nhà 202 Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa.
Không những vậy, một số đơn vị ở tỉnh này chưa xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, còn lồng ghép vào kế hoạch thanh tra hàng năm.
Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ một số ngành, địa phương ở Phú Yên phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm còn chậm so với quy định; việc lựa chọn các nội dung đưa vào kế hoạch thanh tra chưa sát, phải điều chỉnh nhiều lần.
Một số đơn vị chưa chú trọng thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan cấp dưới, còn sai sót về trình tự, thủ tục. Có kết luận thanh tra đã chỉ ra những sai phạm nhưng không kiến nghị xử lý hành chính hoặc chỉ kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm; tỷ lệ thu hồi về kinh tế nhiều đơn vị còn thấp.
Về trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, tồn tại nêu trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Phú Yên, thủ trưởng các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố được thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng mạnh
Như Dân trí thông tin, thống kê của Chính phủ cho thấy trong 10 tháng năm 2024 có gần 256.000 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 280.510 người về 206.382 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người
So với năm 2023 (đủ 12 tháng), cơ quan thẩm tra đánh giá số đoàn đông người năm 2024 có thể không tăng, nhưng, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ lại tăng rất mạnh (245 đoàn, so với năm 2023 có 107 đoàn); số đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm mạnh (91 đoàn, so với năm 2023 có 202 đoàn).
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc số đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm mạnh nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng mạnh.
Số liệu báo cáo cũng cho thấy thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân. Tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Trong đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số ngày theo quy định.