1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Vụ Nguyễn Đức Chi bị bắt:

Nhiều câu hỏi đặt ra cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Đối tượng Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT, giám đốc của hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2005/6/62345.vip"> đã bị bắt sau khi lừa đảo, chiếm đoạt 165 tỷ đồng</a>. Hành vi của Chi đã rõ, song câu hỏi đặt ra là tại sao một kẻ hầu như tay trắng, lại có “thành tích” về quỵt nợ như Chi lại được giao nhiều dự án “béo bở” đến thế?

Biết lừa đảo, Bộ KH-ĐT vẫn đề nghị cho Chi chuyển nhượng vốn

Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur 100% vốn nước ngoài tại Nha Trang (Khánh Hòa) được Bộ KH-ĐT cấp giấy phép số 2178 ngày 16/11/2000, vốn đầu tư 15 triệu USD, vốn pháp định 4,5 triệu USD.

Công ty gồm 3 nhà đầu tư: Công ty cổ phần Elaitrox góp 2,7 triệu USD (60%); Công ty TNHH Luzhniky DHL góp 900.000 USD (20%); Công ty TNHH DHL Cargo góp 900.000 USD (20%). Nguyễn Đức Chi đại diện cho 3 công ty làm Chủ tịch HĐQT điều hành toàn bộ dự án khu nghỉ mát Rusalka Nha Trang.

Thông thường, trước khi cấp phép một dự án lớn, rộng 45 ha như Rusalka, Bộ KH-ĐT phải có trách nhiệm thẩm định dự án, thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư. Đồng thời, phải phối hợp để xác minh các công ty là cổ đông nói trên có trên thực tế hay không. Sau đó mới được cấp phép.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra cũng được Interpol cho biết là Công ty Arabella (Hoa Kỳ) mà Chi đại diện làm giám đốc trong vụ mua bán 31.488 tấn gạo có đăng ký tại bang IOWA, Hoa Kỳ nhưng thực tế không tồn tại, không phát sinh các quan hệ kinh tế và không mở tài khoản tại Nga (nơi Chi định cư). Còn tại Đức, công ty này đang bị điều tra về tội rửa tiền và buôn bán phụ nữ!

Theo Luật Đầu tư và theo Điều 7 của giấy phép đầu tư số 2178: “trong thời gian triển khai xây dựng dự án, các chủ đầu tư không được chuyển nhượng vốn cho các đối tác khác. Sau khi khu nghỉ mát hoàn tất và chính thức hoạt động kinh doanh, nếu các chủ đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho đối tác khác, phải được Bộ KH-ĐT chấp thuận”.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra khẳng định 3 công ty góp vốn, ủy quyền cho Chi không có trên thực tế, nên Rus-Invest-Tur không có vốn pháp định và cũng không có vốn đầu tư. Vậy mà Bộ KH-ĐT vẫn cấp phép cho Chi triển khai dự án(?!)

Tuy nhiên, tháng 8/2004, trong khi mới xây dựng được một số hạng mục dang dở ở Rusalka và còn nợ trên 2,6 triệu USD tiền xây dựng của các nhà thầu trong nước, song ngày 25/3/2005, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã có văn bản số 1915 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Chi được chuyển nhượng 60% vốn đầu tư vào dự án Rusalka để trả cho Công ty Lương thực Trà Vinh số tiền Chi đã chiếm đoạt (thực chất của việc chuyển nhượng này là bán đất).

Hay tin đó, ngày 18/4/2005, thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an đã lập tức báo cáo Chính phủ vụ việc, đề nghị Thủ tướng không cho phép chuyển nhượng. Bộ Công an cũng đã thông báo nội dung vụ án, âm mưu, thủ đoạn, những nạn nhân và số tiền lừa đảo rất lớn của Chi cho Bộ KH-ĐT.

Sau khi biết toàn bộ sự thật của vụ án, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đồng ý với đề xuất với Bộ Công an tạm ngừng cho phép chuyển nhượng 60% vốn của Nguyễn Đức Chi trong dự án khu nghỉ mát Rusalka.

Tuy nhiên, ngày 1/6/2005, Bộ KH-ĐT lại có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị cho chuyển 65% vốn của Công ty Rus–Invest–Tur cho Công ty TNHH Bạch Lân (Hoa Kỳ). Vào thời điểm đó, dự án Rusalka cũng đã có kết quả kiểm toán, khẳng định: tài sản và tiền đầu tư vào Rusalka đến 31/8/2004 chỉ có 4,3 triệu USD (trong đó có 2,6 triệu USD là giá trị xây dựng của các nhà thầu trong nước chưa được thanh toán).

Hơn nữa, ngày 20/11/2003, Nguyễn Đức Chi đã tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng 55% vốn pháp định (tương đương 5,5 triệu USD) của công ty cho Công ty Lâm Viên (Bộ Quốc phòng). Và, sau đó, ông Trần Nam, Giám đốc Công ty Lâm Viên đã có đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt của Chi thông qua phi vụ chuyển nhượng vốn nói trên.

Như vậy, dù đã tự ý chuyển nhượng vốn pháp định, Chi vẫn hai lần được Bộ KH-ĐT đề nghị cho phép chuyển nhượng vốn!

Tiền giao dịch trong một dự án lên tới 19,8 tỷ đồng

Lo ngại về việc ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý bị Chi tác động, lừa phỉnh để chiếm đoạt những khoản tiền kếch xù của nhà nước, Bộ Công an đã một lần nữa báo cáo vụ việc lên Chính phủ, đề nghị không cho Chi chuyển nhượng vốn.

Việc bắt Chi vào cuối tuần qua đã có tác dụng ngăn ngừa nhiều nạn nhân “tiềm năng”, là đối tác trong các dự án đầu tư khác của Chi. Song, trên thực tế, số tiền mà Chi đã chiếm đoạt đến thời điểm này đã rất lớn, lên tới 165 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, Chi đã liên tục dùng một dự án hoặc một công trình để cùng lúc lừa bán, chuyển nhượng, thế chấp cho từ 1 đến 3 đối tác.

Chẳng hạn, ngày 9/9/2004, Chi đã dùng “tài sản hình thành trên đất và giấy chứng nhận của dự án Rusalka” để thế chấp vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình. Trong khi đó, tài sản này Chi đã thế chấp ở Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội để được bảo lãnh vay 30 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bị Chi chiếm đoạt tiền dễ dàng đến khó tin. Chẳng hạn, năm 2003, Công ty Lâm Viên đã kiện Chi ra tòa vì Chi đã bán toàn bộ hạng mục, thiết bị khu vui chơi giải trí Cosmos ở 168 Ngọc Khánh (Hà Nội) với giá 19 tỷ đồng cho Lâm Viên nhưng khi chưa hoàn tất giấy tờ chuyển nhượng, Chi đã bán và chuyển giao giấy tờ sở hữu ở Cosmos cho Công ty Điện tử Giảng Võ.

Vậy mà, tháng 11/2003, Lâm Viên lại “rúc đầu vào rọ” khi ký hợp đồng mua trái pháp luật 55% số vốn pháp định của Rus–Invest–Tur, sau khi tự giác trả nợ 43,5 tỷ đồng cho Chi!

Vì quan hệ rộng, chịu chi nên khi kiểm toán dự án Rusalka, số tiền Chi đã sử dụng cho giao dịch, đi lại, tiếp khách… hạch toán vào khoản đầu tư cho dự án đã lên tới 19,8 tỷ đồng! Có lẽ vì thế, ông Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh được Chi đưa đi tham quan ở Nga trước khi về nước đã ký hợp đồng bán 31.488 tấn gạo cho Chi.

Không biết ông Trí còn nhận của Chi những gì mà đã ký với tên lừa đảo quốc tế đội mũ nhà đầu tư này một bản hợp đồng rất hớ hênh: bán 31.488 tấn gạo cho Chi trong một tháng theo hình thức trả chậm; đặc biệt là không mở L/C để bảo đảm việc thanh toán như thông lệ.

Đã vậy, ông Trí cũng không yêu cầu Chi thế chấp tài sản bảo đảm việc thanh toán. Hành vi này lẽ ra đã dẫn đến việc Công ty Lương thực Trà Vinh bị mất trắng 5,5 triệu USD.

Tuy nhiên, như đã nói, do dễ dàng lừa để Lâm Viên trả nợ thay 43,5 tỷ đồng nên đến nay, hành vi thiếu trách nhiệm của ông Trí “chỉ” làm cho nhà nước bị mất 2,4 triệu USD! 

Theo SGGP

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm