1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

“Nhất định bám ngư trường, bảo vệ vùng biển của tổ tiên”

(Dân trí) - “Khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân ta từ xưa đến nay. Ngư dân chúng tôi không có lý do gì phải sợ bọn chúng. Nhất định bám biển, bám ngư trường, bảo vệ vùng biển của tổ tiên!”.

Đóng mới tàu vươn khơi

Những ngày qua, tình hình biển Đông rất căng thẳng khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoản Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn ngang ngược tấn công tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của ta; vô cớ tấn công, xua đuổi ngư dân của ta đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngư dân Bình Định tiếp tục đóng mới tàu công suất lớn để ra khơi bám biển
Ngư dân Bình Định tiếp tục đóng mới tàu công suất lớn để ra khơi bám biển

Dù vậy, bất chấp sự hung hăng của Trung Quốc, ngư dân tỉnh Bình Định cũng như ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn không hề nao núng, vững tin vươn khơi bám biển. Đặc biệt, trước tình hình biển Đông “nóng” lên từng ngày, ngư dân tỉnh Bình Định đang gấp rút đóng mới tàu lớn với công suất lớn, sẵn sàng vươn khơi khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ghi nhận tại các xưởng đóng tàu tại TP Quy Nhơn, không khí diễn ra khá bận rộn. Nhiều chiếc tàu đang đóng mới có công suất lớn từ 350 CV đến 900 CV của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… sẽ là những đội tàu hùng mạnh trên biển khiến Trung Quốc phải dè chừng.

Lão thuyền trưởng Nguyễn Phúc Trị (54 tuổi, ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) có hơn 30 năm trong nghề biển, đến nay ông đã làm chủ 2 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, ông Trị tiếp tục đầu tư đóng mới thêm một chiếc tàu công suất 540 CV sẵn sàng ra khơi bảo vệ ngư trường.

Những chiếc tàu có công suất lớn từ 500 - 700 CV sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng
Những chiếc tàu có công suất lớn từ 500 - 700 CV sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng
Những chiếc tàu có công suất lớn từ 500 - 700 CV sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng

“Khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân ta từ xưa đến nay. Việc làm của Trung Quốc quá ngang ngược, vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta quá rõ ràng. Dù vậy, ngư dân chúng tôi không có lý do gì mà phải sợ bọn chúng. Nhất định bám biển, bám ngư trường bảo vệ vùng biển của tổ tiên”.

Trong khi đó, thuyền trưởng Đỗ Thanh Cảnh (34 tuổi, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đầu tư hơn 4 tỷ đồng tiếp tục đóng mới chiếc tàu thứ 3 với công suất 700 CV, lại cho rằng: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm ngay trên đường tàu cá ra vào ngư trường truyền thống mà ngư dân ta khai thác lâu này. Điều này không chỉ làm ngư trường đánh bắt bị thu hẹp mà còn gây khó khăn trong việc tàu thuyền di chuyển khi đánh bắt, bởi nguy cơ đụng độ bị Trung Quốc tấn công là điều dễ xảy ra”.

Theo bà Mai Kim Thi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 10 cơ sở sữa chữa, đóng tàu. Vài năm gần đây sản lượng đánh bắt đạt nên ngư dân đầu tư đóng tàu tăng lên đột biến. Chỉ riêng năm 2013, tổng số tàu cá đóng mới lên đến hơn 270 chiếc, công suất từ 200 CV trở lên, trong đó có nhiều tàu công suất 700 – 800 CV. Từ đầu năm 2014 đến nay ngư dân tiếp tục đóng mới 48 chiếc, hạ thủy 4 chiếc”. 
 
Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo bạn, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?
Không
  

Quyết không lùi bước

Các tàu đang hoạt động ngoài khơi thường xuyên liên lạc với trạm bờ về tình hình trên biển
Các tàu đang hoạt động ngoài khơi thường xuyên liên lạc với trạm bờ về tình hình trên biển

Trong bối cảnh biển Đông căng thẳng, những ngư dân đánh bắt xa bờ vẫn kiên cường vươn khơi bám biển, giữ ngư trường. Ngoài việc thành lập các tổ, đội đoàn kết trên biển cùng giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn, hàng ngày, các tàu thường xuyên nhắn tin, liên lạc về trạm bờ để thông báo tình hình diễn tra trên biển Đông.

Liên lạc qua trạm bờ TP Quy Nhơn, thuyền trưởng Ngô Bút - chủ tàu BĐ 96006 TS (ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) - cho biết: “Hiện tàu chúng tôi đang cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 60 hải lý. Đến giờ vẫn không có đụng độ gì với tàu Trung Quốc. Cho dù có gặp tàu Trung Quốc chúng tôi cũng không sợ. Biển của chúng ta, ta cứ đánh bắt. Chúng tôi quyết bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Trong khi đó, ngư dân Văn Công Việt, chủ tàu BĐ 91189 TS, dù không còn cầm lái theo những chuyến biển nhưng nghe tin Hoàng Sa đang bị Trung Quốc xâm phạm, ông đã sẵn sàng tâm thế ra khơi. “Những ngày theo dõi qua nhiều kênh thông tin tôi rất bức xúc vì hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Dù không còn cầm lái ra khơi nhưng khi cần tôi sẵn sàng hướng về Hoàng Sa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”, ông Việt nói.

Nhiều tàu vào bảo trì, sửa chữa để tiếp tục vươn khơi
Nhiều tàu vào bảo trì, sửa chữa để tiếp tục vươn khơi

Còn thuyền trưởng Phạm Hậu (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) chuẩn bị hạ thủy tàu công suất 700 CV, tỏ ra lo lắng: “Nếu Trung Quốc hạ được giàn khoan này thì ai dám chắc chúng không hạ giàn khoan thứ hai. Nhân nhượng với kẻ thù là đang tự gây hại cho thân thể mình. Ngư dân chúng tôi xem “biển là nhà” nên chỉ mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu lớn để vươn khơi, bám biển. Trước là khai thác thủy sản, sau là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT - cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp trên, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tranh thủ ra khơi bám biển, khai thác thủy sản đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, ngư đội liên kết ra khơi bám biển. Đồng thời, cung cấp số điện thoại đường dây nóng của lực lượng kiểm ngư Việt Nam khi có sự cố trên biển điện thoại để được hỗ trợ…”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm