1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhập sữa thành phẩm "bỏ quên" vùng nguyên liệu

(Dân trí) - “Hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa thành phẩm, trong khi người nông dân lại phải đem đổ bỏ 30% sữa nguyên liệu đi. Đó là nghịch lí”.

Ông Bùi Xuân Trình, đại diện Văn phòng Chính phủ, đã bày tỏ như vậy tại buổi họp báo tìm các biện pháp tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa.
 

30% sữa phải đổ đi hàng ngày

 

“Hàng ngày những người nông dân chúng tôi phải đổ đi hàng chục tấn sữa vì không có người mua. Nếu Nhà nước không nhanh chóng tìm lối thoát thì kinh tế người nông dân chắc chắn bị kiệt quệ và chẳng ai nghĩ đến chuyện nuôi bò sữa nữa” - đại diện cho các hộ nông dân nuôi bò sữa tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc nói.

 

Ông Hoàng Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng bão melamine đã làm ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sữa trên toàn quốc trong thời gian qua khiến số lượng sữa được tiêu thụ trước đây bị giảm khoảng 20%.

 

Sản lượng sữa bò của nông hiện nay dôi dư khoảng 30% không tiêu thụ được. Do thiếu các phương tiện bảo quản, sữa hỏng nên phải đổ bỏ.

 

Theo thống kê của Cục chăn nuôi, số bò sữa của 3 tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, là 8.299 con, bò cái vắt sữa là 3.969 con, sản lượng sữa thu gom trong ngày là 60,8 tấn.

 

Trước đây các doanh nghiệp thu mua chế biến sữa khoảng 40 - 45 tấn/ngày thì nay đều giảm 50% sản lượng thu mua, đồng thời giá sữa cũng giảm từ 2 - 3 nghìn đồng/lít làm bà con nông dân nuôi bò sữa gặp rất nhiều khó khăn.

 

Doanh nghiệp hứa mua hết sữa cho nông dân

 

Trước tình cảnh ngành chăn nuôi bò sữa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ông Trịnh Đình Mao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (Vĩnh Phúc) đề nghị các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sữa bột để thu mua sữa tươi cho người nông dân.

 

Ông Mao đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành cơ chế, chính sách chung để hỗ trợ ngành chăn nuôi bò sữa và cần có các cơ sở tư nhân thu mua chế biến sữa tại chỗ để cho bà con nông dân không phải phải trông chờ vào các doanh nghiệp như hiện nay.

 

Về phần mình, ông Giao yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi loại thải những con bò năng suất sữa kém, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi bò an toàn. Nếu có nhu cầu bán bò sữa phải thông báo số lượng cần bán cho chính quyền địa phương, sở NN&PTNT vì chúng ta đang phải nhập bò sữa.

 

Theo ông Giao các doanh nghiệp mua hết sữa tươi nhưng chậm trả tiền cho người nông dân ở thời điểm nhất định để thao gỡ khó khăn cũng là điều hết sức đáng mừng.

 

Đại diện Vinamilk, Hanoimilk, Công ty cổ phần sữa quốc tế tại buổi họp này cũng cam kết sẽ tiêu thụ hết sữa cho bà con nông dân tại 3 tỉnh trong thời gian sớm nhất.

 

Hồng Ngân