1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhân tố con người sẽ quyết định tính hiệu quả của chính sách dân tộc

CTV Ban Mai

(Dân trí) - Ông Vi Tân Hợi, một nhà nghiên cứu về văn hóa tộc người ở huyện Tương Dương (Nghệ An) nói có nhiều nhân tố tác động đến chính sách dân tộc ở địa phương nhưng con người sẽ quyết định tính hiệu quả.

Đảng và Nhà nước đang quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Để các chính sách dân tộc trong Chương trình mục tiêu quốc gia này đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng cần lắng nghe tiếng nói của những người từng làm cán bộ quản lý ở địa phương để nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn và mong muốn của người dân vùng dân tộc thiểu số. Phóng viên báo Dân trí đã trao đổi với ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương (Nghệ An), một nhà nghiên cứu về văn hóa tộc người tại địa phương về vấn đề trên.

Nhân tố con người sẽ quyết định tính hiệu quả của chính sách dân tộc - 1

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan làng nghề dệt may thổ cẩm truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An (Ảnh: Bùi Hào).

Thưa ông, là người quan tâm nhiều đến công tác dân tộc, từng nhiều năm làm Phó Chủ HĐND huyện Tương Dương - một địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống - ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chính sách chính sách dân tộc ở địa phương trong những năm qua?

- Tương Dương là huyện lớn nhất tỉnh Nghệ An, là địa phương cấp huyện lớn bậc nhất cả nước. Điều kiện tự nhiên ở đây chia cắt, khí hậu khắc nghiệt. Khi nóng thì nóng bậc nhất nước và khi lạnh thì cũng xuất hiện băng, tuyết. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Tương Dương cũng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là Thái, Khơ Mú, Hmông, Ơ Đu, và các nhóm thuộc dân tộc Thổ như Tày Poọng, Đan Lai. Trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt về tự nhiên làm cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều trắc trở.

Nhưng trong khoảng hai thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến đời sống người dân được nâng cao nhanh chóng. Từ nghèo đói, thiếu ăn thiếu mặc, người dân đã bắt đầu no ấm hơn. Có nhiều yếu tố tác động, trong đó quan trọng nhất tôi nghĩ là nhờ và hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Việc thực hiện chính sách dân tộc ở Tương Dương trong những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách từ Trung ương đến địa phương khi về đến huyện và xã đều được thực hiện theo đúng quy định.

Dù còn những sai sót, hạn chế nhất định nhưng đó là vấn đề chung chứ không phải từ việc thực hiện ở huyện. Vậy nên, có thể nói việc thực hiện các chính sách dân tộc chính là nhân tố giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo một cách nhanh chóng hơn.

Theo ông đánh giá, thành quả lớn nhất trong công tác dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tương Dương trong khoảng hai thập kỷ qua là những gì?

- Hàng loạt các chính sách dân tộc đã được thực hiện ở huyện Tương Dương. Từ các chính sách về an ninh quốc phòng vùng biên giới, các chính sách trong Chương trình 134, 135 đến các chính sách định canh định cư, chính sách tái định cư để xây dựng thủy điện hay tái định cư cho người dân vùng dễ bị thiên tai lũ lụt; các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, chính sách phát triển giáo dục, y tế, chính sách bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, và gần đây là những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội…

Nhìn chung, hệ thống chính sách đã bao quát hầu hết các lĩnh vực quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có nhiều chính sách đã tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả dễ dàng nhận thấy là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng làm cho người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh thuận tiện hơn, con em các dân tộc thiểu số được đến trường, được học tập tốt hơn. 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân tố con người sẽ quyết định tính hiệu quả của chính sách dân tộc - 2

Hội chợ xuân ở xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương (Ảnh: Bùi Hào).

Bên cạnh những thành quả đó thì công tác dân tộc còn có những hạn chế nào, thưa ông?

- Liên quan đến việc thực hiện công tác dân tộc ở cấp huyện, cụ thể là ở huyện vùng cao như Tương Dương thì vẫn còn nhiều hạn chế. Ở cấp huyện, hầu hết các chính sách dân tộc đều được thực hiện từ trên xuống. Cấp huyện gần như không có chủ động trong việc xây dựng chính sách riêng cho mình và cũng ít sự chủ động để tham gia xây dựng chính sách dân tộc lên cấp trên.

Khi phải trình bày ý kiến đóng góp cũng thực hiện nhưng chưa tâm huyết và chưa chủ động. Nhiều chính sách khi thực hiện ở địa phương đã phát hiện những điều chưa phù hợp nhưng cũng chưa chủ động để báo lên trên nhằm sửa đổi.

Trong quá trình thực hiện, có một số chính sách đã thụ đồng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khác mà chưa phát huy sự chủ động để khắc phục các hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ chuyên môn trong việc thực hiện các chính sách dân tộc vẫn còn hạn chế.

Việc sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ là người dân tộc thiểu số là một ưu điểm nhưng cũng là hạn chế do trình độ còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hàng loạt các chính sách dân tộc đã và đang thực hiện đã mang lại những kết quả to lớn như đã nói ở phía trên.

Nhưng cơ bản thì cuộc sống người dân trong huyện còn khó khăn vô cùng. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số so với tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh vẫn còn cao (trên 29%, bình quân chung cả tỉnh trên 2%); chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và các dân tộc vẫn còn lớn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Một số tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, số người tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con lần đầu vẫn còn cao. An ninh, trật tự vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, nhất là sự xuất hiện của một số đạo không chính thống vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bản sắc văn hóa truyền thống tuy được bảo tồn và phát huy song nguy cơ mai một vẫn còn tiềm ẩn, nhất là sự biến mất không gian văn hóa trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện và việcgiải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc giavề phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm. Một số vướng mắc trong thực hiện chậm được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ.

Một số văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương còn bất cập, làm cho các địa phương khó khăn trong triển khai thực hiện (Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc).

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với một khoản kinh phú rất lớn. Là một người dân tộc thiểu số, có nhiều năm làm cán bộ quản lý địa phương và cũng là một nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc, ông nghĩ đồng bào sẽ mong muốn những gì ở Chương trình mục tiêu quốc gia này?

-Nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia là rất lớn và rất quý giá đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương miền núi, nhất là những xã, bản chuẩn bị về đích nông thôn mới. Người dân mong muốn các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan cần tiếp nhận và quản lý sử dụng nguồn lực này thật tốt, thật hiệu quả để tạo đà bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới, đồng thời không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Đồng bào cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp cần hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số. Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra cần tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng.

Và một nguyện vọng cũng vô cùng chính đáng là từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương lại xây dựng các chính sách cụ thể và phù hợp với bối cảnh riêng, nhất là việc thực hiện cần phải minh bạch, nghiêm túc, tránh những sai phạm trong quá trình thực hiện.

Nói chung, người dân mong muốn được tăng quyền, trao quyền để tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến mình, được tham gia cùng và giám sát quá trình thực hiện chính sách.

Nhân tố con người sẽ quyết định tính hiệu quả của chính sách dân tộc - 3

Ông Vi Tân Hợi (áo tím) gặp gỡ chia sẻ với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tương Dương (Ảnh: Bùi Hào).

Để đáp ứng được những mong muốn đó của người dân, theo ông thì những nhân tố nào quyết định trong việc thực hiện các chính sách dân tộc ở địa phương mình?

- Nhân tố tác động đến chính sách thì vô vàn lắm. Nhưng theo tôi nghĩ, trước hết phải là nhân tố con người (bao gồm con người tập thể và con người cá thể). Chắc chắn con người mới là nhân tố quyết định trong thực hiện chính sách dân tộc.

Cần phải có sự lãnh đạo tập trung, xuyên suốt gắn liền công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chinh sách dân tộc, cụ thể là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kết hợp giữa thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia với việc thực hiện các chính sách khác (còn hiệu lực) tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến đích thực, mạnh mẽ trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh nhân tố con người, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc cũng cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các nhà: Nhà quản lý (Nhà nước), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội, nhà nông.

Sự phối hợp, chia sẻ giữa các đối tượng liên quan là nhân tố quan trọng để xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Khi xây dựng chính sách cần có sự tham gia của các nhà khoa học. Khi thực hiện chính sách cũng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và người dân chủ thể.

Cần phải có cơ chế để hỗ trợ người dân chủ thể chủ động tham gia từ quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả và thảo luận để đề xuất thay đổi, bổ sung hay dừng các chính sách lại. Sự tham gia chủ động của người dân sẽ tạo ra nhiều giá trị từ đào tạo cán bộ, hạn chế sai sót, nâng cao dân trí và kiểm soát giữa các bên liên quan với nhau nhằm tạo ra sự cân bằng trong quá trình thực hiện chính sách.

Tóm lại, mục đích của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân tộc thiểu số. Để Chương trình này đạt hiệu quả cao thì ngoài các sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, cần có sự tích cực tham gia của người dân.

Bởi xét cho cùng, chính sách chỉ là động lực, là nguồn lực, còn người dân mới là nhân tố quyết định. Năng lực và ý chí tự lực, tinh thần vươn lên và sự chủ động của người dân mới làm cho chính sách phát huy hiệu quả và qua đó giúp chính họ phát triển hơn chứ không phải bản thân chính sách sẽ làm họ giàu mạnh lên.

Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông!

Bùi Hào thực hiện