Nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh có thể bị xử lý thế nào?
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, hành vi đe dọa người thi hành công vụ, trong đó có đe dọa thông qua tin nhắn điện thoại, có thể bị xử lý hình sự về các tội khác nhau tùy thuộc vào mục đích, tính chất, nội dung của tin nhắn.
Theo luật sư Phạm Văn Phất, người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà nhắn tin qua điện thoại đe doạ xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc công dân thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo khoản 3 Điều 84 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp nhắn tin đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm về tội “đe dọa giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp nhắn tin đe dọa nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội “chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự.
Còn trường hợp nhắn tin đe dọa uy hiếp tinh thần cán bộ, công chức nhưng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.
“Trở lại vụ việc điện thoại của ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhận được tin nhắn có nội dung “Để yên cho người khác làm ăn” và nội dung tin nhắn này được cho rằng liên quan đến dự án khơi thông luồng lạch kết hợp khai thác cát tận thu trên Sông Cầu như thông tin từ báo chí phản ánh, nếu chỉ căn cứ vào nội dung tin nhắn nêu trên mà không kết hợp với các yếu tố liên quan khác thì cũng chưa thể khẳng định đó là tin nhắn đe dọa, uy hiếp tinh thần người nhận được tin và nhằm mục đích gì”- luật sư Phất phân tích.
Về nội dung cụ thể của tin nhắn, luật Phất khẳng định cơ quan công an sẽ làm rõ nội dung trong tin nhắn đe doạ Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt xem xét đến những yếu tố liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trở thành vấn đề nóng bỏng suốt thời gian qua.
“Để có thể xử lý hình sự người nhắn tin có nội dung được cho là đe doạ vào số máy điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cũng cần phải làm rõ lý do người nhận được tin nhắn cảm thấy bị đe dọa, bị uy hiếp tinh thần, và vì sao biết được đó là tin nhắn từ những người có lợi ích không chính đáng liên quan đến dự án khơi thông luồng lạch kết hợp khai thác cát tận thu trên Sông Cầu?”- luật sư Phất nêu quan điểm
Theo một luật sư khác thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc tạm giữ các nghi can trong vụ việc này mới chỉ là công việc bước đầu của cơ quan công an. Tới đây cơ quan điều tra phải làm rõ những tin nhắn đó có liên quan tới việc quản lý khai thác cát trên sông Cầu hay không? Tại sao những nghi phạm này lại nhắn nhiều tin cho nhiều quan chức ở tỉnh Bắc Ninh như vậy và có gì khuất tất, cần phải làm rõ trong những việc này?
Thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, hai nghi phạm đang bị tạm giữ khai nhận đã có hành vi nhắn tin vào số điện thoại của ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh với nội dung: “Để yên cho người khác làm ăn”. Việc đe doạ được các nghi phạm thực hiện từ trước Tết Nguyên đán 2017. Không chỉ có ông Quỳnh, nhiều lãnh đạo, cán bộ khác của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhận được tin nhắn đe doạ tương tự vì kiên quyết đề nghị dừng dự án khơi thông luồng lạch, tận thu cát trên sông Cầu.
Trả lời PV Dân trí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an, cho biết các nghi phạm nói trên bị bắt giữ vào ngày 31/3, đều là nam giới và đến từ các địa phương khác nhau.
Đầu tháng 3/2017, sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có đơn “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan đến việc địa phương này kiên quyết dừng dự án tận thu cát trên sông Cầu.
Hà Nội và Bắc Ninh là điểm nóng nhất cả nước về "cát tặc"
Tại buổi toạ đàm về giải pháp ngăn chặn “cát tặc” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 31/3, ông Từ Lương - Phó trưởng Ban Tuyên giáo MTTQ Việt Nam cho biết, qua theo dõi của cơ quan này được biết có 25 tỉnh thành, phố trên cả nước để xảy ra vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, bức xúc nhất là ở Hà Nội và Bắc Ninh.
“Đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cần đánh giá, nhìn nhận khách quan và đứng về phía người dân, cộng đồng trước khi cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp khai thác”- ông Lương nói.
Ông Lương cũng kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền 25 tỉnh, thành phố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương và gắn định vị cho các phương tiện khai thác này. Cắm biển sơ đồ dự án ở điểm đầu, cuối để người dân tham gia giám sát, nếu khai thác sai phải xử lý nghiêm. Đối với các tàu chở cát thì phải có hợp động vận chuyện, với bãi tập kết. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì lực lượng CSGT phải chịu trách nhiệm.
“Tránh để xảy ra tình trạng người dân, báo chí thường xuyên phản ánh về vấn đề khai thác cát sỏi trái phép mà vẫn để vi phạm tái diễn” - ông Từ Lương nói.
Thế Kha