1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhận diện lỗ hổng quản lý sau vụ PMU18

(Dân trí) - “Lỗ hổng về quản lý kinh tế được nhận diện như thế nào sau vụ án PMU18?” Câu hỏi đầy bức xúc này đã được đặt ra cho Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển trong buổi họp báo chuyên đề chiều qua 19/4.

Báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986- 2005) và kế hoạch phát triển 5 năm tới cung cấp những số liệu khá lạc quan về tình hình phát triển và những mục tiêu to lớn mà chúng ta đề ra. Tuy nhiên, khá nhiều vấn đề “nhạy cảm” đã được các phóng viên gửi tới ông Trần Đình Khiển.

Trả lời câu hỏi liệu lần này có thể khắc phục được tình trạng “tầm nhìn ngắn” trong các quy hoạch, kế hoạch kinh tế xã hội?, ông Khiển cho rằng quy hoạch và kế hoạch là những vấn đề rất quan trọng, có chuyện chúng ta thấy ngay nhưng có chuyện chúng ta phải dự thảo. Tuy nhiên, tư tưởng chỉ đạo thì rõ ràng phải có tầm nhìn dài hạn, chính vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo những quy hoạch nào thấy chưa ổn là phải điều chỉnh và rà soát lại. Nếu chuyên gia trong nước chưa nhìn thấy hết thì Chính phủ cho phép mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.

Vấn đề xóa bỏ hình thức phân biệt giữa các thành phần kinh tế được cả phóng viên trong và ngoài nước quan tâm, và câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ xóa bỏ hình thức phân biệt giữa các thành phần kinh tế để tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp?

Ông Khiển khẳng định cơ chế chính sách của nhà nước là không có sự phân biệt, ví dụ chuyện những năm trước có phân biệt từ vé máy bay đến chi phí dịch vụ… hiện nay đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, trong điều hành thực tế thì tình trạng này vẫn còn và để giải quyết vấn đề này, ông Khiển cho biết từ 1/7/2006, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực và sẽ sớm được cụ thể hóa bằng các nghị định.

 

Nhận diện lỗ hổng quản lý sau vụ PMU18 - 1
 

Ông Trần Đình Khiển trả lời
báo chí chiều qua.

Lỗ hổng về quản lý kinh tế sau vụ án PMU18 được được nhận diện như thế nào? Ông Khiển trả lời, trong vụ PMU18 thì lỗ hổng trực tiếp là khâu tổ chức quản lý thực hiện và tổ chức giám sát. Bên cạnh đó, nguyên nhân cơ bản trực tiếp là vấn đề xử lý con người. Theo ông Khiển, trong quản lý dự án có rất nhiều khâu, chính vì vậy, sắp tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để hoàn thiện quy trình trong quản lý các dự án.

Vụ án PMU18 cũng khiến nhiều người lo lắng về ảnh hưởng đến đầu tư, ông Khiển khẳng định việc có ảnh hưởng đến đầu tư hay không phụ thuộc vào quan điểm và thái độ xử lý của chúng ta đối với tệ tham nhũng. Trên thực tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã làm rất quyết liệt trong chuyện này.

Trong báo cáo về thành tựu kinh tế - xã hội 20 năm đổi mới có đề cập đến nguồn viện trợ ODA, và con số này cứ năm sau cao hơn năm trước. Có ý kiến cho rằng, cần gọi đúng tên của nguồn vốn này là một khoản nợhiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào? Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý nguồn vốn đến đâu? Ông Khiển cho biết, trong nguồn vốn ODA có hai phần, một phần viện trợ không hoàn lại và một phần là vốn vay ưu đãi.

Liên quan đến vụ PMU18, “Thủ tướng đã chỉ đạo tất cả các ngành rút kinh nghiệm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể về vụ việc này thời gian tới sẽ có kết quả từ phía Chính phủ”, ông Khiển nói.

Nguyên Đức