Nhà thầu Trung Quốc phản hồi về thiết kế tàu Cát Linh - Hà Đông
(Dân trí) - Sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu chỉnh sửa một số thiết kế của tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Tổng thầu Trung Quốc và nhà sản xuất đoàn tàu đã tiếp thu nhưng cho biết riêng biểu tượng văn hóa và chữ nổi Cát Linh - Hà Đông không thay đổi được do đã hoàn thiện đầu tàu.
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Đường sắt (PMU) cho hay: Sau khi lãnh đạo Bộ GTVT có thông báo kết luận cuộc họp thống nhất phương án thiết kế ngoại thất, nội thất đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị này đã tiến hành làm việc cụ thể với Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (TVGS), Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Nhà sản xuất).
Về yêu cầu làm nổi nét chữ Cát Linh - Hà Đông và biểu tượng Khuê Văn Các lên trước mặt đầu tàu, Tổng thầu, Nhà sản xuất báo cáo không thể đúc nổi chữ và biểu tượng lên trên đầu tàu do khuôn đúc đầu tàu đã hoàn thành và đã đi vào sản xuất được 10 đầu tàu.
Phía Trung Quốc cũng cho biết, nếu đúc riêng chữ Cát Linh - Hà Đông và biểu tượng Khuê Văn Các thì khi dán lên đầu tàu sẽ không đảm bảo được độ bền, độ an toàn và tính thẩm mỹ. Do vậy, Tổng thầu và Nhà sản xuất đoàn tàu chỉ có thế làm tăng kích thước của biểu tượng Khuê Văn Các và làm dầy nét chữ Cát Linh - Hà Đông cho đậm, rõ nét hơn.
Các yêu cầu chỉnh sửa được Tổng thầu, Nhà sản xuất đoàn tàu đồng ý bổ sung, như: Tăng số chỗ ngồi ưu tiên (mầu vàng cam) từ 1 lên 2 chỗ ở mỗi ghế; đồng ý điều chỉnh bản đồ bằng đèn Led phía trên cửa ra vào hiển thị tên các ga to lên, tăng cỡ chữ hiển thị mà không làm ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp đoàn tàu
Tổng thầu, Nhà sản xuất đoàn tàu đã chuẩn hóa lại toàn bộ các nội dung tiếng Anh, Việt của toàn bộ biển báo, nút bấm điều khiển của lái tàu, các nút bấm/vặn sử dụng tiếng Trung phải chuyển thành tiếng Việt theo yêu cầu của Bộ GTVT. Nội dung phát thanh dùng giọng đọc nữ giới sẽ được ghi âm mẫu để thông qua trước khi tiến hành cài đặt đồng loạt trên tàu khi khai thác.
Với yêu cầu làm mờ các vết hàn chấm trên tàu, Tổng thầu, Nhà sản xuất đã dùng biện pháp thủ công để làm mờ các vết hàn chấm nổi trên thân toa tàu tốt nhất có thể. Về yêu cầu xử lý kỹ lưỡng các cạnh sắc ở chi tiết mép cửa, cạnh kim loại trên toàn bộ thân tàu, Tổng thầu, Nhà sản xuất đã dùng các biện pháp mài thủ công để xử lý cách cạnh sắc, cạnh kim loại trên, đảm bảo yêu cầu.
Về nội dung lắp bổ sung thêm 3 tay nắm tại mỗi hàng dọc phía ghế ngồi, Tổng thầu, Nhà sản xuất đề nghị bổ sung thêm trên mỗi hàng cột ngang 2 tay nắm để đảm bảo khoảng cách các tay nắm sẽ là 30cm ( tăng lên 8 tay nắm trên mỗi hàng). Bởi vì, nếu lắp thêm nữa sẽ không đủ không gian đứng cho hành khách, mỹ quan không đẹp.
Về đề nghị dập nổi ký hiệu riêng đặc trưng cho dự án trên các chi tiết chính quan trọng của bộ phận giá chuyển hướng, khung, gầm... của đoàn tàu, Tổng thầu khẳng định đã thực hiện việc gắn mác bằng đinh rút có ký hiệu riêng dưới dạng mã số (Ví dụ: YN3606) tại góc phía dưới của vỏ toa xe và phía má giá chuyển hướng và không thực hiện dập nổi ký hiệu riêng tại thời điểm hiện nay.
Việc dập nổi ký hiệu riêng chỉ có thế thực hiện được nếu đặt hàng sớm để tiến hành từ khâu sản xuất vật liệu cấu kiện trước khi được cắt và hàn thành khung gầm, giá chuyển hướng, đặc biệt, một số cấu kiện ống thép cường độ cao phải đặt hàng từ nước ngoài.
Châu Như Quỳnh