1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhà sư hoàn tục và chuyện hiến tạng cứu người

Từng là kẻ phá gia chi tử, bán ngôi nhà hương hỏa để thỏa mãn thú ăn chơi, vậy mà duyên nghiệp đã đưa đẩy anh Phạm Văn Thọ xuất gia nương nhờ cửa Phật. Trong gần 10 năm trời quy y, anh Thọ nhiều lần làm đơn xin hiến nội tạng cứu người.

Khi khát khao được toại nguyện cũng là lúc anh Thọ, sinh năm 1977 (thôn Việt Hùng, Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) buộc phải hoàn tục vì hoàn cảnh gia đình. Và giờ đây dù đã lập gia đình, có hai con nhưng anh Thọ vẫn mong mỏi sẽ được tu trở lại và tiếp tục hiến gan cho bệnh nhân nhi.

 

Kẻ “bán giời không văn tự” bỗng… hoàn lương

 

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nơi ở của anh Thọ. Một ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau những rặng tre, không gian yên bình đến lạ. Lúc chúng tôi đến, anh Thọ đang ở nhà trông cô con gái thứ hai chưa đầy một tuổi. Đó cũng là công việc thường ngày của anh.

 

Vợ đi làm công nhân tại công ty điện tử Samsung, hằng ngày anh Thọ ở nhà bế con, nấu rượu và quây chuồng nuôi vài chục con gà. Khi tôi hỏi: “Có vẻ như sự phân bổ lao động nhà anh hơi bất hợp lý nhỉ? Vợ đi làm, chồng ở nhà chăm con?” thì anh Thọ cười hiền: “Biết sao được chứ, tại mình chả có nghề ngỗng gì. Vợ đi làm hay mình đi làm thì cũng thế cả thôi. Tôi không quan niệm nặng nề lắm vấn đề đó, miễn sao mình thấy thoải mái là được”.

 
Anh Thọ đang chăm sóc vườn nhà.
Anh Thọ đang chăm sóc vườn nhà.
 

Anh Thọ là con trai duy nhất trong một gia đình có tới 5 chị em gái. Nhà đông con, bố lại là thương binh hạng nặng nên gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi đàn con thơ đều đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ anh. Thế nên ngoài việc đồng áng vất vả, mẹ anh Thọ thường xuyên phải lặn lội vào rừng kiếm gánh củi, mớ rau về bán để có tiền chạy ăn cho các con.

 

Vì làm việc quá sức nên mẹ anh đau ốm triền miên và qua đời từ khi anh mới vừa tròn 6 tuổi. Bố anh cũng mất hai năm sau đó. Thương anh Thọ nên các chị gái quyết định gửi anh tới nhà người cậu ruột nhờ cậu nuôi nấng bảo ban. Lớn hơn một chút, cậu anh quyết định gửi anh vào học tại trường nội trú Hoàng Đằng Miên - là trường dành cho con em thương binh, liệt sĩ ở Bắc Ninh.

 

Thời gian trôi qua, các chị gái của anh Thọ lần lượt đi lấy chồng. Cậu cũng có gia đình riêng của cậu nên anh Thọ luôn có cảm giác mình bơ vơ. Tủi thân vì mình chẳng có ai để dựa dẫm, nương tựa nên anh dần sa đọa vào những thói hư tật xấu. Chả có thứ gì là anh không thử qua, rượu chè, cờ bạc, gây gổ đánh nhau…

 

Năm lớp 11, theo đám bạn xấu Thọ bỏ học giữa chừng chơi bời lêu lổng. Anh còn giấu các chị bán cả mảnh đất hương hỏa bố mẹ để lại để lấy tiền ăn chơi. Sau đó, Thọ đi học lái xe rồi dạt vào Sài Gòn.

 

Một mình lang thang nơi đất khách quê người không công ăn việc làm, đói khát, vất vưởng, được người nói cho anh biết ở tu viện An Lạc đang cần thuê người chăm bón rừng càphê. Anh Thọ đã tìm đến đó và xin được làm thuê tại đây.

 

Thật lạ, những ngày sống trong tu viện An Lạc, nghe tiếng các nhà sư tụng kinh, được sống những ngày an lành, anh Thọ mới thấm thía những tháng ngày hoài phí trong quá khứ. Anh quyết định xin xuất gia với pháp danh Thích Đạo Tín, hy vọng sẽ rèn giũa bản thân và thức tỉnh lại chính mình.

 

Hay tin anh xuất gia, các chị của anh đã lặn lội vào tu viện An Lạc khóc lóc, van xin em chuyển ý. Dù gì thì gia đình cũng chỉ có mỗi anh Thọ là con trai độc nhất. Các chị anh còn nói, nếu anh cứ nhất quyết đi tu thì là bất hiếu với bố mẹ, với cả tổ tông. Như thế đồng nghĩa với việc sẽ không còn ai nối dõi tông đường.

 

Thương các chị nhưng anh Thọ nghĩ, sống trên đời để trở thành một người tốt, làm những việc có ích mới khó, anh sợ nếu anh hoàn tục, những cám dỗ trần ai sẽ lại kéo anh vào vòng mê muội. Thế nên kể cả những ngày sau đó, những cánh thư đẫm nước mắt của các chị gái gửi vào, anh đọc rồi lại cất kỹ nơi đáy hòm để không bị quyến luyến, phân tâm.

 

Khi đó theo lời anh Thọ nói, thì: “Tôi không chỉ quen với nếp sinh hoạt lành mạnh ở tu viện, mà còn thấm nhuần những giáo lý nhà Phật. Nếu không có những giáo lý ấy, chắc tôi không có được ngày hôm nay. Cõi tu thực sự là nơi nương thân của tôi”.

 
Anh Thọ đang chăm con.
Anh Thọ đang chăm con.
 
Hiến thận nhưng không biết người được hiến ở đâu

 

Những tháng ngày sống ở chùa đã thức tỉnh anh Thọ cần phải sống thiện, sống vì người khác. Giáo lý của nhà Phật làm thay đổi hoàn toàn con người anh. Anh Thọ chia sẻ: “Ai cũng muốn cái tốt, cái đẹp. Nhà chùa chính là nơi tốt đẹp nhất khi con người ta sống với nhau rất thật, không bon chen, tranh chấp như ở ngoài đời”.

 

Thời gian sống ở tu viện An Lạc, anh Thọ luôn ao ước làm được một việc gì đó có ích cho đời. Thế nên năm 2004, khi tình cờ xem chương trình truyền hình hiến tạng ở bệnh viện Nhi trung ương, ngay lập tức trong đầu anh xuất hiện ý nghĩ sẽ lấy một phần nội tạng của mình để cứu người khác. Nghĩ là làm, anh Thọ viết đơn xin hiến nội tạng gửi đến các bệnh viện lớn, nhưng chờ mãi không thấy một nơi nào hồi âm. Điều đó khiến anh Thọ luôn thấy trăn trở.

 

Có lần, anh Thọ đã lặn lội đến một bệnh viện - nơi anh đã từng gửi đơn xin hiến nội tạng - để hỏi lý do vì sao mà nguyện vọng của anh mãi vẫn chưa được chấp nhận thì anh nhận được câu trả lời đầy ngạc nhiên của vị bác sĩ: “Sư thầy định hiến nội tạng thật sao? Thành thật xin lỗi sư thầy vì khi nhận đơn chúng tôi cứ tưởng ai đó đùa. Trước đó chúng tôi cũng nhận được nhiều lá đơn kiểu này lắm nhưng khi có bệnh nhân cần chúng tôi liên hệ thì họ lại từ chối. Thôi sư thầy cứ về chùa, khi nào có bệnh nhân cần chúng tôi sẽ liên lạc với sư thầy ngay!”.

 

Một lần tình cờ đọc trên báo, thấy một cháu bé ở Hà Nội cần được ghép gan, anh Thọ đã bắt xe đò từ Lâm Đồng ra mong được hiến gan cứu cháu bé. Thế nhưng thật không may cho anh, ước vọng tốt đẹp đã không thể thành hiện thực chỉ vì các chỉ số giữa anh và cháu bé không tương thích.

 

Một lần khác, anh Thọ lại nghe được thông tin huấn luyện viên của đội tuyển Việt nam khi đó là ông Alfred Riedl đang cần ghép gan. Anh lại đến bệnh viện xin được hiến gan. Nhưng lần này cũng giống lần đầu, các chỉ số về gan không tương thích, anh Thọ lại phải ngậm ngùi quay về.

 

Mấy năm sau, anh Thọ trở về Bắc và làm sư trụ trì một ngôi chùa ở Phú Thọ. Đến lúc đó anh mới có cơ hội thực hiện ước nguyện bấy lâu vẫn hằng ấp ủ.

 

“Hôm đó tôi đang tụng kinh thì một người đàn ông gầy gò, khuôn mặt khắc khổ đến tìm gặp tôi. Ông ấy xưng tên là Nguyễn Văn Hùng, có con là Nguyễn Văn Hiệp mắc chứng viêm cầu thận đã nhiều năm, nếu không được hiến thận thì đứa con của ông ấy sẽ chết.

 

Ông ấy bảo nghe người ta đồn tôi có ý định hiến nội tạng nên liều đến đây ngỏ ý xin tôi một quả thận để cứu sống con trai ông ấy. Tôi chấp nhận ngay”, anh Thọ kể lại. Rất may, trong lần xét nghiệm đó các chỉ số giữa anh Thọ và cháu Hiệp là hoàn toàn tương thích và ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

 

Cứu sống được cháu Hiệp, đem được niềm vui và hạnh phúc đến cho những người thân của cháu, lòng anh Thọ thấy thanh thản. Anh chia sẻ: “Mỗi người một tư tưởng, một hành động tốt đẹp vì người khác. Tôi không làm được điều lớn lao như các đại đức khác, tôi chỉ biết dùng hành động của mình để giúp mọi người hướng thiện. Bởi vì trong xã hội hiện nay, vấn đề đạo lý đang bị mai một dần.

 

Tôi chỉ muốn việc làm của mình giống như một tiếng chuông giữa đêm khuya khiến mọi người đang ngủ say phải thức tỉnh quay lại với tình người, với nghĩa sống, để đối xử tốt đẹp với nhau. Nếu không có chân lý nhà Phật chắc tôi cũng không thể làm được việc đó”.

 

Hạnh phúc bình dị

 

Chia sẻ lý do hoàn tục của mình, anh Thọ có chút gì bẽn lẽn. Anh bảo, có lẽ do anh chưa qua được “duyên nghiệp” nên tu chưa “đậu”. Nhưng có lẽ lý do chính vẫn là sự mong mỏi, ước ao của những người chị ngày đêm mong anh hoàn tục để có người nối dõi tông đường, hương hỏa cho cha mẹ.

 

Năm 2009, anh Thọ lấy vợ và sinh được hai người con một trai, một gái. Nói chuyện với chúng tôi, anh Thọ luôn nhận mình là người có phúc. Vì theo quan niệm của anh: “Có phúc không phải là lắm tiền nhiều của mà là con cái khỏe mạnh, ngoan hiền, cuộc sống vợ chồng hài hòa ấm êm”.

 

Mặc dù đã hoàn tục theo ước nguyện gia đình, nhưng với anh Thọ thì “tu là cốt lõi”. Thế nên anh vẫn nuôi dự định, khi nào đứa con gái út bước sang học cấp 2 anh sẽ lại hiến gan và tu trở lại. Anh thổ lộ: “Nhiều người khi người thân lâm vào tình trạng chết não, bệnh viện muốn xin nội tạng người thân của họ để cứu sống những người khác cũng còn khó khăn. Bởi họ không hiểu được rằng chết là hết, cơ thể chôn xuống đất vài ngày là thối. Vậy thì sao lại không hiến cho những người bất hạnh khác nội tạng của mình để cứu sống họ?

 

Việc tôi còn sống mà hiến đi hai phần nội tạng của mình chắc chắn sẽ có ảnh hưởng và thay đổi suy nghĩ tới nhiều người xung quanh. Tôi mong mỏi khi mọi người vẫn nhìn thấy tôi sống khỏe mạnh cho dù cho đi 2 phần cơ thể của mình, họ sẽ có tư duy khác để giúp đời”.

 

Người như anh Thọ, bây giờ thật hiếm!

 

Theo Trọng Ngân

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm