Ai thu hồi nhà công vụ của quan chức?:
Nhà công vụ không phải là “lộc” để chia
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, thời gian tới sẽ kiên quyết thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Còn các Đại biểu Quốc hội cảnh báo sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật và liêm sỉ của công chức.
Một góc khu nhà công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: L.H.V
Cả nể
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định, nhà ở công vụ chỉ cho cán bộ thuê trong thời gian điều động công tác tới một nơi mới, sau đó phải trả lại.
Tuy vậy, ông Hà thừa nhận còn nhiều khó khăn, tồn tại. Như việc cán bộ khi nghỉ hưu không về địa phương, mà vẫn ở lại nơi chuyển tới. “Khi trả nhà họ ở đâu, họ khó khăn thật sự thì sao? không thể đẩy họ ra đường rồi thu lại nhà được, dù sao họ đã cống hiến cả đời cho đất nước”, ông Hà nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ khó khăn về hưu có chỗ ở mới. Như thuê, mua nhà ở xã hội, vay vốn ưu đãi để mua nhà. “Những trường hợp không khó khăn nhà ở, nhưng vẫn tham lam cần kiên quyết thu hồi. Như cho con ở nhà công vụ còn mình ở nơi khác phải thu hồi ngay”, ông Hà nhấn mạnh.
“Dù Luật quy định cưỡng chế, nhưng cưỡng chế thế nào với những cán bộ cấp cao là chuyện khó. Ở Hà Nội chưa thấy có trường hợp nào công bố cưỡng chế nhà ở công vụ. Hiện, việc quản lý nhà ở công vụ còn buông lỏng và nhiều kẽ hở”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm |
Về lý do lâu nay việc thu hồi nhà công vụ chưa nghiêm, ông Nguyễn Mạnh Hà giải thích, trước đây quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung, khó thực hiện. Cũng có trường hợp cả nể, hay cán bộ về hưu viện nhiều lý do để giữ nhà. Nhiều cán bộ lấy lý do người khác chưa trả nên chưa trả. Theo ông Hà, như vậy là không đúng, không thể nói thấy người khác phạm pháp mình cũng phạm pháp được.
Với Thông tư 01/2014, đưa ra nhiều quy định cụ thể để quản lý nhà ở công vụ, ông Hà kỳ vọng có thể giải quyết được những tồn tại bấy lâu. Tránh tình trạng lợi dụng, chiếm hữu nhà ở công vụ thành nhà riêng.
Hiện Bộ Xây dựng đang rà soát số nhà công vụ được giao quản lý, yêu cầu ký hợp đồng thay cho phân (cấp) trước đây, nhằm tạo điều kiện cho xử lý về sau. Nhiều cán bộ có chức vụ cao, nhưng khi về hưu không trả lại nhà, ông Hà tin tưởng có thể xử lý được. “Căn cứ vào pháp luật để xử lý, nếu không trả sẽ phải thu hồi”, ông Hà khẳng định.
Với những trường hợp không trả căn hộ tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội), ông Hà cho hay, sau khi thống kê xong sẽ thu hồi nhà sử dụng không đúng đối tượng. “Phải thực hiện chứ không thể nói ra cho vui. Chỉ có điều là phải hợp lý, trong trường hợp cụ thể. Phải thu hồi để cho cán bộ mới về có nơi ở, không thể nhà nước cứ đầu tư nhà công vụ mãi”, ông Hà nói.
Về việc quản lý khu nhà Hoàng Cầu, quy trình xử lý những trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, cho người khác ở, về hưu chưa trả nhà…; ông Trần Việt Hùng, Tổ trưởng Quản lý nhà ở công vụ Hoàng Cầu nêu lý do: Mình mới được điều động về đây làm việc từ 20/1/2014. Thời gian còn ít nên chưa nắm được cụ thể. Rồi ông Hùng chỉ ra tổ dân phố để hỏi.
Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện không có nhà đủ tiêu chuẩn làm nhà công vụ. Một số nhà cho cán bộ thuê chỉ là nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Về xử lý trường hợp biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (cho nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê), đại diện Sở Xây dựng chỉ sang Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, vì đã giao cho đơn vị này quản lý. Nhưng khi hỏi, lãnh đạo công ty lại “đẩy” về hỏi Sở Xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Nhiều cán bộ cấp cao về hưu ở nhà công vụ, nhưng vẫn có biệt thự ở nơi khác. Điều này, cơ quan chức năng đều rõ, nhưng khó xử lý. Việc kê khai, công khai tài sản khi nghỉ hưu đang là lỗ hổng pháp luật.
Cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách làm ngơ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cán bộ hết nhiệm vụ phải trả lại nhà ở công vụ, đấy là nguyên tắc. Cơ quan nào không thu hồi cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, có khuyết điểm. “Nhiều cán bộ giữ chức vụ cao, nhưng về hưu không trả là chưa gương mẫu”, đại biểu Thuyền nói.
“Làm nghiêm thì không có cán bộ về hưu nào lại không chịu trả lại nhà”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ |
Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, đang có sự lạm dụng trong việc quản lý công sản của nhà nước, cả trong chính sách lẫn thực thi và thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Cán bộ được ở nhà công vụ là đã được hưởng ưu đãi của nhà nước, hơn nhiều cán bộ phải tự lo nhà. “Trước đây cha ông ta rất quan tâm tới liêm sỉ, sợ nhất là vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nhưng giờ điều đó đang dần mất đi, ít được quan tâm hơn, đặc biệt với tầng lớp quan chức”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, những trường hợp không trả nhà công vụ, việc thu hồi là cần thiết. Nhưng phải căn cứ vào từng đối tượng cụ thể để có chính sách công bằng, không nên cào bằng, vì nhiều người khó khăn thật sự.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, tình trạng không trả nhà công vụ không phải hiếm. Ông kể lại câu chuyện khi mới tham gia Quốc hội khóa XI, lái xe của ông có hỏi sao không xin nhà công vụ. Ông nói: “Mình có nhà ở Hà Nội, xin nhà công vụ làm gì cho mất công chuyển đồ”.
Theo ông Thuyết, các nước đều có nhà công vụ, nhưng việc thi hành luật rất nghiêm. Còn ở ta, cán bộ chây ỳ, cơ quan hữu trách cũng làm ngơ, nên nhà công vụ dần thành nhà tư. “Việc không trả nhà công vụ còn tạo gương xấu cho xã hội. Cán bộ lúc đương chức nói rất hay, nhưng lúc về hưu đến cái nhà công vụ cũng không trả”, ông Thuyết nói.
Việc cho con cháu ở nhà công vụ, theo vị giáo sư này, càng không thể chấp nhận. Nhà công vụ không phải “lộc” để chia cho con cháu. “Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước”, ông Thuyết khẳng định. Theo ông, cần có sự dứt khoát của đơn vị quản lý nhà và đơn vị quản lý cán bộ, quy định phải được thực thi nghiêm túc.
Theo Lê Hữu Việt - Ngọc Mai
Tiền Phong