1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Nói một lần duy nhất về việc rời VTV

Theo nhà báo, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, từ khi anh xin thôi chức, đây là cuộc trò chuyện duy nhất để anh nói với đồng nghiệp về quyết định rời Đài truyền hình Việt Nam (VTV)…

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Nói một lần duy nhất về việc rời VTV   - 1
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
 
Thưa anh, thời gian qua đã có rất nhiều người quan tâm tới sự kiện Phó Tổng giám đốc của VTV viết đơn xin từ chức, có lẽ, hơn ai hết, anh là người hiểu vì sao công chúng quan tâm tới sự kiện này và anh đã im lặng?

Không, tôi không hiểu lắm, tại sao lại không cho đó là chuyện bình thường. Chuyện này nếu gọi là “sự kiện" thì đúng là chỉ trong ngoặc kép thôi!

 Vậy xin anh cho biết lý do anh rời xa Đài Truyền hình Việt Nam, nơi anh gắn bó và góp công gây dựng hơn 20 năm qua?

 Nếu thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác, để thêm những trải nghiệm khác, thì đó cũng là việc đáng làm.

Một câu thơ trong bài thơ “cảm tác” trong đêm anh nhận quyết định đồng ý thôi chức Phó Tổng giám đốc của Đài: “Tết này có ai cho rượu ngoại” đã khiến không ít những ai biết tới bài thơ đều nghêu ngao đọc, không rõ anh đã viết bài thơ và câu thơ này trong tâm trạng như thế nào?

Với tôi, thơ là tâm sự với mình, với bạn bè. Tôi gửi cho bạn bè, chứ không để đăng báo. Nhưng dẫu sao đã viết ra rồi thì không nên làm cái việc đi giải thích mình viết cái gì.

 Dù biết anh là người chủ động xin thôi chức nhưng thành thật mà nói, có khi nào anh buồn và chạnh lòng chợt nghĩ: “Tết này có ai cho rượu ngoại?”

Câu hỏi này khá ngộ nghĩnh. Nhưng tôi cũng vẫn trả lời thế này: Không!

Anh có dám chắc rằng, xuân tới anh sẽ thôi “họp hành lễ lạt”?

 Tôi đã nói rồi, người ta không đi giải thích thơ - dù là thơ nghiệp dư thì cũng để ai đọc người đó cảm nhận.

Có thực là nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình VN mong muốn được làm… trợ lý biên tập tại Hãng phim Truyền hình VN?

Công việc nào cũng có cái hay của nó. Giám đốc VFC cũng giao cho tôi vài việc khác.

Anh có chắc rằng, biên tập, biên kịch hoặc đại loại là một công việc gì đó xoay quanh việc làm phim truyền hình sẽ cuốn hút anh và anh sẽ gắn bó dài lâu?

Tôi nghĩ rằng, nếu làm việc này, cũng sẽ say mê. Nhưng tôi không dám nói rằng đây là công việc dài lâu của tôi. Ở VFC, bạn bè đón tôi chân thành, tôi có cảm giác được về nhà, nhưng bạn bè, người nhà cũng “xui” tôi: “Có nhà không có nghĩa là cứ phải ở trong nhà. Nếu có sức để đi thì cứ đi, còn nhà mình thì bao giờ cũng vẫn là nhà“. Chỉ bạn bè thực sự mới như vậy! Nhà ở lòng người, chứ không phải chỉ là cái chỗ làm việc, chỗ có lương.
Nhiều người hoài nghi rằng, Hãng phim Truyền hình VN chỉ làm bước đệm để một ngày… “cây” ung dung rời “chậu cảnh” hơn là việc phải “loay hoay tìm việc để nuôi con”?

Theo quy định, khi một công chức thôi chức vụ, thì sẽ được phân công làm một công việc khác tại cơ quan. Tôi đề nghị cho tôi làm việc ở VFC. Trước đây cũng đã có thời gian không ngắn, tới hai năm, tôi từng là người của VFC. Kể cả sau đây rồi tôi có đi làm ở nơi khác thì VFC cũng không phải bước đệm. Nó là chỗ tôi có kỷ niệm, có bạn bè. Tôi có đi đâu làm việc thì VFC vẫn là như vậy đối với tôi.

Còn khi chuyển việc ai cũng loay hoay cả, bạn ạ, dù các cách loay hoay nó khác nhau. Tôi may mắn hơn rất nhiều người, đỡ vất vả hơn rất nhiều người, không có nghĩa là không phải "loay hoay".

Ngay sau khi có thông tin anh xin từ chức thì lập tức rộ lên thông tin anh sẽ sang Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu để làm Phó Tổng giám đốc với mức lương 10 ngàn đô, không rõ thực hư về thông tin này thế nào? Nhiều người thắc mắc vì sao anh đang làm truyền hình, ở một vị trí khiến bao người mơ ước với bổng lộc và quyền lực lại chuyển tới một nơi khác cũng chỉ để… làm truyền hình?

Đúng như AVG có xác nhận, AVG từ hơn một năm nay đã mời tôi về làm việc. Chuyện mức lương hay vị trí thì chưa có bàn luận. Tôi chẳng hiểu từ đâu có những thông tin cụ thể đến như vậy, không nhẽ có ai đó thay tôi bàn việc đó với AVG (!). Còn về công việc, truyền hình là một lĩnh vực rộng lớn, với nhiều cách làm, nhiều việc làm, nhiều người làm. Mọi cái không giống nhau. Tôi trân trọng lời mời của AVG và sẽ tìm hiểu các khả năng ở đó. Nhưng tôi đang là nhân viên ở VFC.

Một câu cuối, xin anh cho biết không khí gia đình và tâm trạng chị nhà hiện nay cũng như khi biết anh làm đơn xin thôi chức bởi hiện tại chị vẫn làm việc tại nơi mà anh vừa giã từ?

 Nếu bạn làm việc gì đó hàng chục năm, khi thôi thì cũng có thể chưa quen ngay với trạng thái mới. Nhưng ở nhà tôi cái đó trôi đi cũng nhanh thôi. Người thân và gia đình của tôi đều hiểu và cho rằng tôi quyết định đúng. Vợ tôi tôn trọng quyết định của tôi.

 Chuyện tôi sẽ rời chức vụ thì có lẽ hơn một năm về trước, vợ tôi và một số bạn bè thân đã biết trước hoặc đã cảm nhận được nên không có chuyện “hụt hẫng” trong không khí gia đình. Còn việc bà xã nhà tôi tiếp tục làm ở VTV thì có gì là bất thường đâu nhỉ!

 Cuối cùng, như đã thoả thuận từ trước, tôi đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn này (lần duy nhất từ khi tôi xin thôi chức) để đổi lấy cơ hội được nói với các đồng nghiệp và tất cả mọi người điều này: Tôi hiểu trong đa số trường hợp, các bạn đồng nghiệp hỏi tôi là từ thiện ý. Nhưng chuyện chuyển việc của tôi nếu nhắc nhiều quá (như vừa qua) là làm tôi rất khó xử.

Một ngày ở đất nước này có lẽ nhiều vạn người xin việc,  mất việc, tìm việc, thay việc. Tôi cũng chỉ là một người như vậy. Đặt mình vào vị trí các độc giả mạng khác, tôi cũng thấy khó chịu khi có người khác chỉ chuyển việc thôi mà cứ bàn luận mãi. Nhất là xung quanh có bao chuyện khác đáng quan tâm. Nếu nói nhiều quá về chuyện của tôi, nhiều người sẽ ghét tôi, hiểu lầm tôi, đâu đó cũng có nhiều thêm các lời suy luận, áp đặt, các giả thiết chẳng hay ho gì... Tôi mong các bạn hiểu cho tôi về điều đó. Cám ơn các bạn.

 Xin cảm ơn anh!

Theo Thục Nhi
VTC News