1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà báo – doanh nhân: Chuyện làm bạn và những “lời nói đọi máu”

(Dân trí) - Dự chương trình đối thoại giữa các nhà báo và doanh nhân do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khát quát, báo chí và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn nhưng là bạn thì cần chân thành, nói đúng, nói thật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chủ trì diễn đàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chủ trì diễn đàn.

Trên ghế chủ trì cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, doanh nhân và nhà báo là hai lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, vừa là người bạn đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Báo chí chính là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với nhà nước và cộng đồng, ông Hiển khẳng định.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp sẽ không có được sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự phối hợp, ủng hộ, đồng hành của báo giới. Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, theo đó, là quan hệ máu thịt và báo chí là đối tác, đồng hành với doanh nhân trong quá trình phát triển.

Giai đoạn vừa qua, báo chí đã làm rất tốt nhiệm vụ cổ vũ, đã cung cấp thông tin, tư vấn, quảng bá cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, bảo vệ cho DN và thúc đẩy cải cách thể chế để tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của DN và xã hội.

Nhấn mạnh cải cách thể chế có tác động to lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, báo chí có công đầu khi cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng. Nếu không có báo chí thì ý kiến của doanh nghiệp khó có thể đến được với nhà nước, trở thành áp lực đối với cơ quan nhà nước trong việc cải cách thể chế.

“Đôi khi chỉ qua một sự việc đơn lẻ như vụ quán cà phê Xin Chào, nhưng qua phản ánh của báo chí lại trở thành tiếng chuông cảnh báo về môi trường kinh doanh, về tư duy quản lý. Điều đó rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế” - ông Lộc nhận xét.

Theo Chủ tịch VCCI hoạt động đúng hướng và sự tận tâm, chuyên nghiệp của những người làm báo sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ngược lại, hành xử không đúng của nhà báo cũng mang lại nỗi đau cho DN. Thực tế rất nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông thời gian qua đã cho thấy DN phải trả giá, tổn phí, thiệt hại lớn đến thế nào.

Nói về những "nỗi đau" cả vô tình và hữu ý mà báo chí đã gây ra, một doanh nhân kể rằng, khi ông từ chối trả lời báo chí về vấn đề vượt quá quyền năng của ông thì lập tức bị quy kết là vô trách nhiệm.

Một đại biểu khác dẫn câu nói “lời nói gói vàng” nhưng cũng có câu khác là “lời nói đọi máu” để nói về mối quan hệ đầy nhạy cảm giữa nhà báo và doanh nhân.

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái phát biểu tại buổi đối thoại.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái phát biểu tại buổi đối thoại.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - ông Phạm Đình Đoàn bộc bạch, doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Làm kinh doanh cứ như tham gia giao thông, phải lạng lách rất nhiều… Trong khi phải xoay xở khó khăn thế thì báo chí nên hỗ trợ và động viên nhiều hơn, nói nhiều hơn về cái tốt và bớt nói về cái xấu.

Nêu thực tế là nhiều DN rất sợ gặp báo chí, ông Đoàn đặt vấn đề sòng phẳng trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân. Nếu báo chí đưa thông tin sai gây thiệt hại cho DN thì cũng cần phải chịu trách nhiệm, kể cả là trách nhiệm vật chất.

Nhắc lại hình ảnh làm kinh doanh như tham gia giao thông của doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bình luận tham gia giao thông thì có khi đi lên cả vỉa hè, đi trái chiều và thậm chí có khi bất đắc kỳ tử. Theo Phó chủ tịch, những khó khăn của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi là có tác động của giới truyền thông.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí khẳng định ông ý thức sâu sắc về những đúc kết, nhắc nhở “lời nói gói vàng”, “một lời nói, một đọi máu”. Có may mắn có kinh nghiệm 40 năm làm báo, trong đó 20 năm làm Tổng Biên tập, nhà báo Phạm Huy Hoàn khẳng định, may mắn hơn là dù công tác ở toà soạn nào, ông và tờ báo luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Hoạt động của các doanh nhân đặc biệt có ý nghĩa với chương trình xã hội, từ thiện của báo Dân trí. DN thời hội nhập bươn chải, khó khăn nhưng vẫn đồng hành cùng tờ báo, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp nhiều hoàn cảnh éo le được phản ánh trên mặt báo. Với Dân trí, một điều đặc biệt khác là thế hệ doanh nhân 8X, 9X trẻ đóng góp rất nhiều.

Trân trọng sự chân thành của các “mạnh thường quân”, nhà báo Phạm Huy Hoàn cho biết, hàng tuần Dân trí tiếp nhận trên dưới 1 tỷ đồng để ủng hộ các hoạt động nhân ái, từ thiện. “Chính các doanh nhân trong bộn bề công việc vẫn không quên tấm lòng dành cho những thân phận, những nỗi đau ẩn khuất qua những bài báo” – Tổng Biên tập Dân trí mong qua diễn đàn đối thoại này được tri ân với những tấm lòng của các doanh nhân - những người đang "vận hành" doanh nghiệp.

Thông điệp tích cực mang lại từ cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Báo chí và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn nhưng là bạn thì cần góp ý những điều đúng để phát huy và chỉ ra cái sai để khắc phục”.

P.Thảo