1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguyên lãnh đạo cao nhất Vinashin “độc đoán, gia trưởng”

(Dân trí) - Người nắm giữ nhiều chức danh chủ chốt trở nên “độc đoán, gia trưởng”, kết quả kinh doanh được báo cáo “ngược”… là những vấn đề mà báo cáo của Chính phủ nói tới khi đề cập nguyên nhân yếu kém của tập đoàn Vinashin.

Bản báo cáo của Chính phủ về chủ đề Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Lỗ 1.600 tỷ, báo lãi 750 tỷ

Theo Chính phủ, trong quá trình phát triển, tập đoàn đã có nhiều nỗ lực, tạo ra được cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp tàu thủy với 110 cơ sở sản xuất … Đến hết năm 2009 Vinashin đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 3.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đề cập khó khăn, yếu kém của tập đoàn trong giai đoạn sau này, Chính phủ cho rằng, do công tác dự báo còn nhiều bất cập, nên việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác.

Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay. Nhiều dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Phần lớn các dự án được bố trí chưa đến 50% tổng vốn…

Chưa hết, tập đoàn còn cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay trong khi đây là đơn vị làm ăn kém hiệu quả, không trả được nợ… Tập đoàn phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn.
 
Nguyên lãnh đạo cao nhất Vinashin “độc đoán, gia trưởng” - 1
Con tàu Vinashin chệch hướng quá dài mới được phát hiện

Đã vậy, nhiều năm liền Vinashin báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009 tập đoàn lỗ 1.600 tỷ đồng, nhưng lại báo cáo lãi 750 tỷ đồng, quý 1 năm 2010 thua lỗ, vẫn báo cáo lãi gần 100 tỷ đồng.

Theo Chính  phủ , “khuyết điểm này của lãnh đạo tập đoàn làm cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không phù hợp, không kịp thời”.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, việc quản lý Nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ với tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, lúng túng.

“Bộ Giao thông - Vận tải chưa phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động và cố ý làm trái của tập đoàn để chủ động, đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý”, Chính phủ nêu rõ.

Thêm nữa, các bộ chức năng được giao trách nhiệm đã không phát hiện được việc tập đoàn báo cáo không trung thực.

Với những yếu kém từ trước và thực trạng hiện nay, Chính phủ dự kiến, năm 2010, Vinashin sẽ tiếp tục thua lỗ, trong bối cảnh đến tháng 6/2010, tổng số nợ của tập đoàn đã là 86 nghìn tỷ đồng.

Nội bộ vào hùa với sai trái

Đề cập khía cạnh nhân sự, Chính phủ cho rằng, mô hình tập đoàn đang triển khai thí điểm, nhưng ở Vinashin trong thời gian dài, tập trung các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc vào một người. Những năm gần đây, người nắm nhiều quyền lực này đã “trở nên độc đoán, gia trưởng”.

Trong khi đó, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, các phó tổng giám đốc yếu kém, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao về lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, ngược lại còn đồng tình với những việc làm sai trái của người đứng đầu tập đoàn.

Tuy đề cập nhiều tồn tại, khó khăn, phức tạp của tập đoàn, nhưng Chính phủ nhận định, “vẫn kiểm soát được”.

Chính phủ khẳng định, cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư chung của đất nước.

Theo đó, trước mắt, thu hẹp phạm vi sản xuất kinh doanh, cắt giảm đầu tư, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tập trung sức để duy trì ngành đóng, sửa chữa tàu. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cố gắng đảm bảo tối đa việc làm, đời sống cho người lao động.

Theo Chính phủ, sau ba tháng tái cơ cấu, tập đoàn đã  bàn giao được 5 tàu đóng mới, từ nay đến cuối năm sẽ bàn giao thêm 35 tàu khác. Đến tháng 1/2011 sẽ hạ thuỷ được tàu chở dầu 104.000 tấn.

Cấn Cường