1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nguyễn Đức Nghĩa sẽ bị thi hành án bằng tiêm thuốc độc?

Nguyễn Đức Nghĩa cùng hơn 360 tử tù khác vẫn chờ thi hành án bởi Luật Thi hành án hình sự, trong đó quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, có hiệu lực từ 1/7/2011 song các trung tâm thi hành án bằng hình thức mới vẫn chưa được xây dựng xong.

Từ khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, tất cả những trường hợp lãnh án tử hình sau ngày 1-7 đều đang phải chờ ngày thi hành án bằng hình thức mới là tiêm thuốc độc, thay thế cho hình thức thi hành án trước đây là xử bắn.  

Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), hiện đang có hơn 360 tù nhân mang án tử hình chờ thi hành án trên cả nước.  

Trong số các tử tù trên có Nguyễn Đức Nghĩa - người bị kết án tử hình vì có hành vi giết người man rợ (cắt cổ người yêu rồi phi tang xác nạn nhân - PV) và cướp của - nếu đơn xin ân xá của y bị Chủ tịch nước bác bỏ. 
 
Trước đó, sau phiên xử phúc thẩm và bị tuyên y án tử hình (tháng 11-2010), đơn xin ân xá dài chừng 20 dòng của Nguyễn Đức Nghĩa đã được Trại giam số 1 (Công an TP Hà Nội) gửi lên Chủ tịch nước.   

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị bác đơn, trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng Nguyễn Đức Nghĩa sẽ bị thi hành án tử hình. 

Nghị định 82/2011 của Chính phủ về quy trình, thủ tục thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, quy định cán bộ thi hành án đầu tiên sẽ truyền thuốc gây mê vào cơ thể tử tù.  

Sau đó là thuốc làm liệt hệ thần kinh, cơ bắp buông lỏng. Cuối cùng thuốc ngừng hoạt động của tim sẽ được truyền vào người tử tù. 

Cán bộ thi hành án thực hiện toàn bộ quy trình với sự hỗ trợ của bác sĩ trong khâu xác định tĩnh mạch.  

Mỗi trường hợp tử hình, cán bộ thi hành án phải chuẩn bị 3 liều thuốc, trong đó có 2 liều dự phòng nếu tiêm thuốc rồi mà tử tù chưa chết. 

Hiện Bộ Công an đã đề nghị với Chính phủ cho phép xây dựng 5 nhà thi hành án tử hình đầu tiên trên cả nước tại các tỉnh, thành là Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Đắk Lắk và Sơn La.  

5 địa phương này được lựa chọn do nằm trải dài trên các vùng miền của cả nước và thống kê của Tổng cục VIII cũng cho thấy hàng năm có số trường hợp tử hình thuộc diện nhiều nhất.  

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đang dự kiến xây dựng 3 nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc tại 3 vùng miền.  

Cả 8 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đầu tiên trên cả nước đều được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng trong khuôn viên của các trại tạm giam.
 
Theo T.Kha
NLĐO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm