Nguy hiểm rình rập trẻ nhỏ vì người lớn bất cẩn
(Dân trí) - Ngày 14/6, một cháu bé 4 tuổi đã trèo qua lan can và rơi từ tầng 11 xuống đất tử vong tại khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tai nạn kiểu này đã xảy ra không chỉ một lần nhưng người lớn vẫn không cảnh giác.
Từ hình ảnh hiện trường tai nạn có thể nhận thấy lan can tòa nhà được làm theo dạng chấn song ngang, trẻ con rất dễ dàng trèo lên lan can ngồi và có khả năng xảy ra tai nạn bất ngờ. Đây là điều nguy hiểm vì trẻ vốn hiếu động và chưa có ý thức về các mối nguy có thể xảy ra cho mình.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên báo chí lên tiếng cảnh báo về những tai nạn tương tự như thế này. Còn nhớ vào tháng cuối năm 2012, báo chí rộ lên nhiều tin trẻ ngã từ ban công tầng cao xuống đất tử vong như trường hợp bé H. (5 tuổi) ngã từ tầng 5 chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM), bé Đ. (4 tuổi) ngã từ tầng 9 ở chung cư 21 khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội), bé L.A (4 tuổi) ngã từ tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận (Nhà Bè, TPHCM)…
Chị Ngọc Lan, ngụ tại chung cư Mỹ Đức, quận Bình Thạnh cho rằng: “Gia đình có con nhỏ mà ở chung cư thì phải cẩn thận đề phòng chứ không thể trách các bé. Mà khi sự việc xảy ra rồi thì biết trách ai nữa!”.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học đã được quy định rõ ràng trong quy chuẩn xây dựng do bộ xây dựng ban hành. Cụ thể như từ 9 tầng trở lên phải bảo đảm độ cao tối thiểu là 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải có cấu tạo không cho trẻ em trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm… Tuy nhiên, nếu xây dựng theo đúng quy chuẩn này sẽ mất tính thẩm mỹ.
Ngoài ra, dù lan can cao nhưng nhiều trẻ hiếu động vẫn có thể sử dụng đồ vật kê chân như bàn ghế, chậu hoa để leo trèo lên thành lan can chơi. Chị Ngọc Lan chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Ban công nhà tôi để trống hoàn toàn, chỉ khi nào có người lớn ở nhà mới đem bàn ghế ra cho cả nhà hóng mát, trò truyện. Còn bình thường thì ở khoảng trống này không để bất kỳ thứ gì mà bé có thể trèo lên, hoặc đứng lên trên lan can. Nếu người lớn trong nhà bận làm việc, không thể để mắt đến bé thì khóa cửa thông ra ban công lại, chỉ cho bé chơi trong phòng”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí tại nhiều chung cư cao tầng ở TPHCM không phải gia đình nào cũng có ý thức bảo vệ con trẻ. Tình trạng các em nhỏ vô tư nô đùa, leo trèo lên các lan can vẫn xảy ra. Thậm chí có nhiều em nhỏ trèo, đu lên thành lan can rất nguy hiểm.
Chiều 15/6, tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), một cháu bé khoảng 5 tuổi vô tư đùa nghịch trèo lên lan can rồi đu bám rất nguy hiểm. Điều đáng nói là hành động của cháu bé lại được sự đồng ý của bà ngồi cách đó khoảng 10 mét.
Tương tự tại lô E chung cư Ngô Gia Tự, vào khoảng 17 giờ ngày 15/6, trong khi 2 người lớn đang ngồi nói chuyện thì một cháu nhỏ lại vô tư nhoài người nhìn xuống đất. Trong trường hợp này nếu có bất cứ tiếng động lớn nào đột ngột xảy ra cũng có khiến cháu bé giật mình đứng dậy thì không biết điều gì sẽ xảy ra!
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá, leo trèo, chỉ một chút sơ sẩy, hậu quả cũng thật khó lường. Điều quan trọng là phụ huynh phải cẩn trọng với những hình ảnh dưới đây:
Thảo Trần – Tùng Nguyên