Người vợ liệt sỹ hiến đất “vàng” mở đường cho dân

(Dân trí) - “Cuộc đời mẹ mất cả người chồng cho đất nước rồi, giờ nhường lại một ít đất cho xóm, xã làm đẹp cho quê hương, không mất đi đâu con ạ. Nghe tui nói vậy, các con cũng nhiệt thành ủng hộ tui hiến đất làm đường cho dân”.

Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Thích, SN 1959, vợ liệt sỹ ở xóm Vĩnh Thái, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh dẫu bộn bề khó khăn đã không đắn đo cắt bớt vườn nhà vốn là khu đất "vàng" ở nơi bà sinh sống, hiến cho xóm làm đường đi lại, làm nức lòng cả một vùng quê.

Bà 
Bà Nguyễn Thị Thích, vợ liệt sỹ, người được người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mến phục vì những đóng góp tại quê hương

Không gục ngã

Giữa cái nắng chói chang, hơi nóng đang phả hầm hập xuống dải đất miền Trung, tôi cùng 2 cán bộ xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh về xóm Vĩnh Thái gặp bà Nguyễn Thị Thích, SN 1959, người phụ nữ được người dân cả xã nể phục vì lối sống giản dị, thật thà, hết mực xây đắp tình làng, nghĩa xóm.

Ngồi trong xe ô tô bon bon trên con đường bê tông dẫn tới nhà bà Thích, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Hữu Toàn nói, con đường này trước đây chỉ có xe máy, xe đạp mới có thể đi lại, mùa mưa lầy lội, người dân trong xóm ai cũng ngán ngẩm. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ xã, xóm, nỗ lực của người dân, mà đáng nể là tấm lòng thơm thảo của bà Thích, con đường khốn khổ này đã được bê tông hóa, người dân đi lại dễ dàng.

Cuộc sống của bà Thích đơn sơ, giản dị như chính con người chất phác mộc mạc của bà
Cuộc sống của bà Thích đơn sơ, giản dị như chính con người chất phác mộc mạc của bà

Gặp bà Thích trong căn nhà cấp 4 ngăn nắp, tôi hơi ngỡ ngàng. Dù đã được ông phó chủ tịch xã giới thiệu sơ qua từ trên xe, nhưng với tôi, một người không ngần ngại cắt đất "vàng" hiến cho nhà nước chí ít cũng là một người quắc thước, quý phái. Trái lại, bà gầy gò, khắc khổ với mái tóc đã điểm bạc, khuôn mặt đầy nếp nhăn. 

Bà Thích sinh năm 1959. Vừa bước sang tuổi trăng tròn, vì nhà nghèo bà đã phải bỏ học tham gia dân công, đào đắp hồ thủy lợi Kẻ Gỗ. Cùng thời gian này, qua mai mối, người thiếu nữ hiền khô đã yêu người thanh niên cùng xã Nguyễn Đình Thường, đã nhập quân ngũ và hơn bà hai tuổi. Tình yêu của chàng trai với người thiếu nữ cùng quê đơm hoa bằng một đám cưới giản dị vào năm 1981. Chỉ ít tháng sau đám cưới, vợ chồng bà đã phải xa nhau vì anh Thường nhận được lệnh của đơn vị hành quân vào phía Nam rồi sang chiến đấu tại Campuchia. 

Chồng đi chiến đấu ở chiến trường xa, ở nhà người vợ trẻ sinh đứa con gái đầu lòng. Gần 3 năm sau, trong một chuyến công tác đột xuất ra Bắc, chồng bà mới có dịp ghé nhà, lúc này con gái đầu lòng đã biết đi, biết nói... Thương vợ và đứa con gái bé bỏng, nhưng chiến trường ở Campuchia lúc đó đang còn ác liệt, anh Thường ở nhà được gần một tháng lại phải trở lại chiến trường nước bạn.

Chắt chiu từng bó rau, mớ khoai nuôi con, chị Thích đợi chờ ngày đoàn tụ với chồng. Nhưng rồi vợ chồng chị không bao giờ có ngày đoàn tụ. 6 tháng sau ngày anh Thường trở lại chiến trường, khi đang mang thai người con thứ hai, chị nhận được tin chồng hy sinh. 

Chồng mất, bà Thích không gục ngã. Bà đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nuôi hai con không lớn
Chồng mất, bà Thích không gục ngã. Bà đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nuôi hai con không lớn 

“Tính ra 4 năm cưới nhau nhưng vợ chồng tui chỉ ở với nhau được chừng 7 tháng. Lúc nhận được tin anh mất tui suy sụp hẳn. Tui thương anh, thương các con đứt ruột. Chúng chưa biết mặt mũi cha chúng thế nào” – bà Thích vừa lau bàn thờ cho chồng vừa nói với tôi.

Chồng mất, các con là động lực để bà có thêm nghị lực sống. Bao niềm thương yêu bà Thích dành hết cho con. Hơn hai chục năm ròng, mình bà lăn lộn, bám ruộng đồng lo cho 2 đứa con gái có cái ăn cái mặc. Giờ con gái bà đã lớn, đã lập gia đình, sinh cho bà mấy đứa cháu ngoan.

Hiến đất “vàng” làm đường cho dân

Cuộc sống của bà Thích so với người dân trong xóm không khấm khá hơn, thậm chí còn quá nhiều vất vả. Không lương hưu, cuộc sống của bà hoàn toàn phụ thuộc vào 1,3 triệu đồng tiền chế độ liệt sỹ hàng tháng và mấy sào ruộng lúa. Chỉ nhẩm một số khoản đóng đậu, thăm hỏi, phúng điếu, phụ nuôi mấy cháu nhỏ, số tiền ấy cũng đã hết vèo. Nhìn cái giường đơn sơ bà nằm, cái ti vi và nhiều vật dụng cũ kỹ khác trong nhà có thể hiểu được hoàn cảnh và mức sống của người vợ liệt sỹ.

Ấy vậy mà, như ông bí thư chi bộ nói, cứ mỗi lần trong xóm chủ trương xây dựng, sửa sang lập quỹ gì bà cũng đứng hàng đầu về khoản đóng góp. “Chị Thích là một tấm gương cho bà con lối xóm nói theo trong phong trào xây dựng nông thôn mới đấy anh à. Anh cứ nhìn mấy tấm bằng khen trên tường đấy là rõ”- ông Nguyễn Đình Thi, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Thái  nói với tôi về người phụ nữ được nhiều người mến phục. 

Đẹp nhất phải kể đến chuyện bà không tính toán đập phá hàng chục mét hàng rào, hiến đất “vàng” trị giá hơn trăm triệu cho xóm làm đường.

Con đường đất nhỏ nằm ngay cạnh vườn bà hàng chục năm qua chỉ vừa đủ cho người dân trong xóm đẩy, kéo xe bò. Vào mùa mưa, hàng xóm của bà bất đắc dĩ mới đi qua vì nó quá lầy lội, nhớp nhúa. Đầu năm 2012, trong chương trình xây dựng xã điểm Nông thôn mới, xã Cẩm Bình chủ trương bê tông hóa hết những con đường đất lối xóm còn lại.

Tại xóm Vĩnh Thái, việc mở rộng, bê tông hóa con đường nằm ngay cạnh nhà bà Thích khiến cán bộ xóm rất đau đầu. “Nếu chỉ theo đường cũ thi công, con đường nằm bên cạnh vườn chị Thích sẽ ngoằn nghèo, rất mất mỹ quan. Mở rộng thì rất khó, bởi đất của gia đình chị Thích có thể không bằng nhiều nơi, nhưng ở cái xã này, là đất vàng. Theo quy định của HĐND tỉnh, mỗi mét vuông đất của gia đình chị Thích có mức giá đền bù là 2 triệu đồng, trong khi đó đất các hộ lối 2 và những lối kế tiếp theo quy định chỉ có mức đền bù 168.000 đồng.

Tính ra, ngoài phá bỏ cái hàng rào vừa mới xây, con đường mới phải ngốn thêm hơn 60m của bà Thích, tính giá nhà nước cũng hơn 100 triệu đồng rồi. Khi họp bàn, ai cũng thấy thiệt thòi cho chị quá, nhưng ngặt nỗi xã, xóm không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Bàn lên bàn xuống, có lúc chúng tôi đã tính hoãn, trừ con đường này lại, sau này có điều kiện hẵng làm” – ông Thi kể.

Chồng mất, bà Thích không gục ngã. Bà đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nuôi hai con không lớn
Một phần con đường bê tông thoáng đẹp này trước đây là đất của bà Thích. Ngoài hiến đất bà còn tự bỏ tiền xây lại hàng rào mà không nề hà chuyện hỗ trợ.

Đang bận chăm sóc cháu ở TP Hà Tĩnh, nghe chuyện xóm làm đường ở quê bế tắc vì vướng mặt bằng vườn gia đình, bà Thích lập tức trở về nhà, đi thẳng tới nhà hai ông Bí thư và thôn trưởng. “Vừa gặp chúng tôi, chị hỏi ngay: "nghe các anh tính mở rộng đường, nhưng vướng nhà tui nên tính dừng lại phải không? Các anh không phải lo chi cả. Cứ mần như răng cho đường nó đẹp là được. Đất tui còn rộng, còn thoải mái ở, lùi vào một chút không ảnh hưởng chi hết". Nghe chị ấy nói, anh em chúng tôi nhẹ nhõm hẳn. Nút thắt đã được tháo gỡ từ đó”- ông Thi kể.

Quyết định của bà Thích không chỉ khiến người dân trong xóm Vĩnh Thái mà ngay cả con gái của bà cũng bị sốc. “Hôm biết mẹ hiến đất, con gái tui lúc đầu cũng có ý kiến không đồng tình. Con gái tui bảo, mẹ hiến đất hơn cả trăm triệu bạc như thế, lại còn phải phá bỏ tường rào đi nữa mà không được hỗ trợ cái gì. Tui thông cảm cho ý kiến của con, vì chúng thấy mẹ hèn yếu, tài sản không có cái gì đáng giá ngoài đất, chúng nghĩ chừng ấy tiền tui có thể tích góp lo thuốc men khi đau yếu. Nhưng rồi mẹ con ngồi lại, tui nói với chúng, mẹ hi sinh cả đời rồi, mất cả người chồng cho đất nước rồi, giờ nhường lại một ít đất cho xóm, cho xã làm đẹp cho quê hương không mất đi đâu con ạ. Nghe tui nói vậy, rồi chúng cũng nhiệt thành ủng hộ tui chuyện hiến đất làm đường cho dân”- bà Thích cười tươi kể. 

Chồng mất, bà Thích không gục ngã. Bà đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nuôi hai con không lớn
Bà Thích được chính quyền xã Cẩm Bình vinh danh trong phong trào xây dựng Nông thôn mới ở miền quê này
                

Ông Thi nói thêm, không chỉ hiến đất, ngay cả khi xóm làm đường, bà Thích dù là một phụ nữ lớn tuổi vẫn nhiệt tình tham gia. Bà lo từng ấm nước, nấu từng bát mì tôm phục vụ thợ nề. Con đường đất khốn khổ chạy sát vườn nhà bà chẳng mấy chốc đã được bê tông hóa thẳng đẹp, rộng đủ để xe ô tô chạy vào tận tới từng hộ dân.

Cùng cán bộ xã, xóm dẫn tôi ra xem khu đất trước là vườn của bà nay trở thành một phần của con đường bê tông phẳng đẹp, bà Thích phấn chấn, cười tươi. Hỏi bà Thích, sao không cho thợ trát bờ rào kẻo tường mốc meo nhanh hỏng? Bà nở nụ cười chất phác, hiền khô đáp tỉnh queo: “Tui để rứa xem có phải hiến lần nữa không, kẻo da trát, lại phá thì tốn kém lắm”.

Văn Dũng