1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người Việt tại Lào náo nức hướng về đại lễ ngàn năm

(Dân trí) - Chị Trịnh Thị Quế có tên tiếng Lào là Viêng Keo tâm sự: “Hàng ngày, chúng tôi theo dõi hết các chương trình đại lễ qua các kênh thông tin báo chí. Tuy không về được nhưng thấy rất náo nức, bồn chồn với không khí chung của cả dân tộc, của đất nước mình”.

Một lòng hướng về Thủ đô

Trong không khí cả nước hướng về Hà Nội với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, những thông tin từ sự kiện lớn này được các văn phòng thường trú của các báo, đài cập nhật liên tục và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những người Việt Nam xa quê ở nước bạn Lào.

Chị Trịnh Thị Đào, một Việt kiều ở thủ đô Viên-chăn cho biết: “Chúng tôi không về được đất nước trong ngày đại lễ, nhưng mà từ mấy tháng nay đồng bào xa quê luôn luôn theo dõi các thông tin về Đại lễ và rất hãnh diện, tự hào vì đất nước mình có một thủ đô đã ngàn năm tuổi”.
Người Việt tại Lào náo nức hướng về đại lễ ngàn năm  - 1
Người Việt Nam tại thủ đô Viên-chăn háo hức đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội qua truyền hình.

Phần lớn những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Lào không có điều kiện để về nước tham dự đại lễ cùng đồng bào nên sẽ chung vui với nhân dân Hà Nội qua màn hình ti vi. Chỉ một số người may mắn hơn được thay mặt đồng bào xa tổ quốc về với Hà Nội, với thủ đô ngàn năm văn hiến. Ông Nguyễn Hữu Cư, có tên Lào là Vi Hản, một thành viên của đoàn đại biểu Việt kiều Lào vinh dự được về tham dự đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội là một trong số ít những người may mắn đó. Ông Cư tâm sự: “Được Chính phủ mời về về với Thủ đô nhân dịp này mừng lắm, xúc động lắm. Xúc động hơn nữa là thấy Đảng, chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến bà con chúng tôi, những người sống xa Tổ Quốc.

Về nước lần này hàng trang mang theo của đoàn là tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ và tự hào của kiều bào Việt Nam ở Lào đối với thủ đô ngàn năm tuổi. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi những điều mà bà con trong nước đã làm được để làm ăn ở xứ người và tiếp tục vận động bà con hướng về Tổ Quốc”.

...Vì chúng tôi là con Lạc cháu Hồng

Khi được hỏi về cảm nghĩ của một người con xa quê về cội nguồn có một thủ đô đã ngàn năm tuổi, hầu hết những người Việt Nam ở Lào đều có chung một suy nghĩ. Đó là niềm tự hào về quá khứ hào hùng, về bản lĩnh và trí tuệ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và khẳng định chủ quyền của các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay. “Tôi là một người con của đất Việt, dòng giống của con Lạc cháu Hồng, mặc dù sống xa Tổ Quốc nhưng tôi lấy làm tự hào khi thấy đất nước của chúng ta càng ngày càng phát triển đi lên. Tôi thường dạy bảo con cháu trong nhà luôn luôn hướng về Tổ Quốc và không bao giờ được quên cội nguồn” - Ông Biện Văn Duyệt, một Việt kiều Lào cho biết.

Người Việt tại Lào náo nức hướng về đại lễ ngàn năm  - 2
Người Việt tại Lào nồng cháy với đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tại buổi họp mặt đón chào đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã gặp rất nhiều người, niềm vui, sự náo nức vui sướng thể hiện trên từng khuôn mặt, nụ cười. Trước thời khắc cả nước tiến hành đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Chị Trịnh Thị Quế có tên tiếng Lào là Viêng Keo tâm sự: “Hàng ngày, chúng tôi theo dõi hết các chương trình đại lễ qua các kênh thông tin báo chí. Tuy không về được nhưng thấy rất náo nức, bồn chồn với không khí chung của cả dân tộc, của đất nước mình”.

Có hòa chung không khí đón chào đại lễ ngàn năm của bà con kiều bào ta bên đất Lào, chúng tôi mới thấy hết những chân tình của những người con sống xa Tổ quốc vẫn đau đáu nhớ về quê hương, nguồn cội của mình. Hàng ngàn trái tim của dòng dõi con Lạc cháu Hồng ở nước bạn Lào đang hòa vào nhịp đập trái tim dân tộc cùng hướng về đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội.

Quốc Khánh - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm