Người vi phạm nồng độ cồn "trốn" CSGT để nghĩ cách giảm tiền phạt

Trần Thanh Tâm Linh

(Dân trí) - Sau khi bị đội CSGT Rạch Chiếc lập biên bản vi phạm nồng độ cồn tối 14/4 tại ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức, TPHCM), ông T. đã bỏ đi khỏi chốt để nghĩ cách xin giảm nhẹ mức phạt.

Tối 14/4, Đội CSGT Rạch Chiếc ra quân kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lập chốt tại ngã tư Bình Thái (giao đường Xa lộ Hà Nội - Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, TPHCM).

Dù là tối thứ sáu cuối tuần và khu vực xung quanh nhiều quán nhậu, đội CSGT chỉ phải lập biên bản 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn sau khi kiểm tra nhiều trường hợp từ 19h đến 21h.

Người vi phạm nồng độ cồn trốn CSGT để nghĩ cách giảm tiền phạt - 1

Đội CSGT Rạch Chiếc kiểm tra nồng độ cồn tối 14/4 tại Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (Ảnh: Tâm Linh).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khoảng 20h15, phát hiện người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện nhưng người này vẫn cố chạy, lực lượng chức năng đã kịp giữ lại.

Người vi phạm là ông T.V.T. (47 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, vừa đi làm về) đã cố tình trốn tránh không thổi vào ống đo. CSGT phải đi theo thuyết phục, yêu cầu tài xế thổi vào ống đo. Sau hơn 10 phút, ông T. thổi ra kết quả 0,141 mg/l.

Theo CSGT, người này bị phạt hành chính mức nhẹ nhất là 2,5 triệu đồng. Khi công an lập biên bản, người đàn ông nhất quyết không ký tên nộp phạt mà đứng lên "đi trốn" ở một góc xa chốt CSGT, hơn 30 phút sau mới quay về.

Trước đó, CSGT đã giải thích với ông T. rằng mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn như trên là nhẹ nhất; thêm lỗi không có giấy tờ xe, nếu không hợp tác có thể sẽ bị phạt mức nặng hơn.

"Tôi uống một lon bia mà phạt số tiền kia nhiều quá. Anh chị có cách nào nói giúp CSGT giảm xuống", ông T. nói với phóng viên và cho biết nguyên nhân đi trốn là để nghĩ cách xin giảm nhẹ mức phạt.

Người vi phạm nồng độ cồn trốn CSGT để nghĩ cách giảm tiền phạt - 2

CSGT thuyết phục ông T. chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn (Ảnh: Tâm Linh).

Đến 20h30, đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện và xử phạt trường hợp vi phạm nồng độ cồn thứ ba trong tối cùng ngày.

Anh K.T.M. (30 tuổi, quê Đồng Nai, ngụ TP Thủ Đức) điều khiển xe máy bị CSGT giữ lại khi đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư. Thời điểm này dù anh M. đeo khẩu trang, mặt vẫn đỏ gay gắt, nghi đã sử dụng rượu bia. Qua kiểm tra, anh M. vi phạm nồng độ cồn hơn 0,1 mg/l. 

"Đây là lần đầu tiên tôi bị xử phạt nồng độ cồn. Cuối tuần đi ăn uống với bạn bè tôi chỉ dám uống một lon bia, vì nhà gần nên chủ quan lái xe về", anh M. trình bày.

Trước đó lúc 19h31, Đội CSGT Rạch Chiếc đã xử phạt người vi phạm nồng độ cồn đầu tiên trong buổi tối ra quân, cũng là trường hợp bị mức nặng nhất.

Anh L.V.B. (28 tuổi, quê Đăk Lăk, ngụ TP Thủ Đức) vi phạm mức 0.641 mg/l, bị lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, thu giữ giấy phép lái xe 23 tháng.

Chia sẻ với phóng viên, anh B. cho biết thu nhập hàng tháng của bản thân khoảng 8-10 triệu đồng, chi cho tiền thuê nhà, sinh hoạt đã gần hết. Thời điểm bị xử phạt, anh B. chỉ còn 2 triệu đồng trong túi, anh rất bối rối nghĩ cách lo tiền đóng phạt.

"Vì tính chất công việc phải tiếp khách, hôm nay tôi ngồi ăn uống từ chiều. Nhà tôi cách chỗ nhậu chỉ vài cây số và cùng trục đường, tôi chủ quan không đi xe ôm", anh B. giải thích. 

Xử phạt lái tàu thủy vi phạm nồng độ cồn

Ngày 15/4, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, chiều 14/4, tổ công tác của Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến sông Lô đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Khoảng 14h15 cùng ngày, CSGT kiểm tra tàu do ông N.H.L. (SN 1985, ở Việt Trì, Phú Thọ) cầm lái.

Người vi phạm nồng độ cồn trốn CSGT để nghĩ cách giảm tiền phạt - 3

CSGT đo nồng độ cồn với lái tàu N.H.L. (Ảnh: Duy Hoàng).

Kết quả đo nồng độ cồn của lái tàu N.H.L. là 0,056 mg/l khí thở. Vi phạm ở mức 1 quy định tại Nghị định 139/2021. Ngoài ra, phương tiện cũng được xác định có vạch dấu mớn nước an toàn không đảm bảo.

Với vi phạm trên ông L. sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng về hành vi có nồng độ cồn ở mức dưới 0,35 mg/l khí thở và 1-2 triệu đồng vì vạch dấu mớn nước an toàn phương tiện không đảm bảo.

Cục CSGT cho biết, từ ngày 1/3 đến nay, lực lượng cảnh sát đường thủy toàn quốc đã xử lý 13 trường hợp lái tàu và thuyền viên vi phạm nồng độ cồn. 

Theo đại diện Cục CSGT, nhiều lái tàu, thuyền viên chủ quan với hành vi sử dụng rượu bia sau đó điều khiển, vận hành phương tiện thủy. Hành vi này được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm bởi các phương tiện tàu thủy chở hàng hay chở khách trên sông, biển, khi xảy ra tai nạn sẽ dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn.

"Nếu xảy ra sự cố, công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên sông nước sẽ rất khó khăn. Việc tai nạn với phương tiện tàu thủy thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản", đại diện Cục CSGT thông tin.