1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người “vẽ” bản đồ Việt Nam bằng đá độc đáo

(Dân trí) - Lên Đà Lạt, nghe kể nhiều chuyện về ông “Minh đá”. Quanh cái biệt danh kì dị này là cả một kho chuyện lý thú về người đàn ông mê sưu tầm đá. Sau nhiều năm tìm kiếm, ông đã tự tay dựng nên tấm bản đồ Việt Nam bằng đá có một không hai.

Trong khuôn viên nhỏ nhé của căn nhà số 4 đường Yên Thế, TP Đà Lạt chất đầy không biết bao nhiêu là đá to, đá nhỏ. Mỗi viên đá đều ghi rõ ngày lấy, lấy ở đâu, cùng với ai và vì sao lại chọn nó. Mỗi viên đá vô hồn nằm lăn lóc trong vườn là kỉ vật của một con người luôn nghĩ đến quê hương đất mước - ông Nguyễn Văn Minh, biệt danh Minh “đá”.  

Người đàn ông có biệt danh nghe kì dị này cho biết, mỗi chuyến đi đến đâu công tác, hội họp hoặc du lịch cá nhân, việc đầu tiên ông chú tâm là tìm cho bằng được viên đá theo ý tưởng của mình.

 

Hành lý mỗi chuyến du lịch hay công tác trở về trong ba lô là những viên đá nặng trịch. Đã có lần đến những di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, ông ngắm nghía tìm chọn từng viên đá rồi hí hoáy bỏ vào ba lô liền bị nhân viên bảo vệ bắt giữ thu hồi. Sau vài lần bị nhắc nhở ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Yên Tử (Quảng Ninh) ông mới vỡ lẽ việc thu lượm đá ở các di tích văn hóa bị pháp luật nghiêm cấm.

 

Đến Bắc Ninh, một tỉnh nhỏ nhất nằm kề thủ đô Hà Nội nhưng lại có nền văn hóa Kinh Bắc nổi tiếng và đáng tự hào, cái nôi của dân ca quan họ, ông nhặt viên đá bên lề hội Lim vào ngày 8/2/2002.

 

Trở về Hà Nội ghé thăm tượng Quang Trung ở gò Đống Đa, ông nhặt ở đây một viên đá mà sau này trên tấm bản đồ Việt Nam bằng đá ông tô một chấm đỏ với lời ghi chú giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng, Hà Nội.

 

Đến Thái Bình tới thăm mộ tổ vua Trần, ông tần ngần ngắm mãi bức tượng đôi ngựa đá rêu phong. Nhưng Thái Bình là vùng đất không núi đá, vì thế ông trở về chùa Keo nhặt viên gạch vỡ xây chùa, xem đó là biểu tượng một nét độc đáo của văn hóa Thái Bình.

 

Ông Minh đã đặt chân lên hầu hết các tỉnh thành để tìm kiếm cho được những viên đá mình mong muốn. Lên Lạng Sơn ông đến Tam Thanh, Nhị Thanh rồi nhặt viên đá dưới chân nàng Tô Thị. Đến Cao Bằng, ông tìm đến Pắc Pó - nơi Bác Hồ “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Về Phú Thọ, ông tìm đến Đền Hùng và nhặt ở đây một viên đá, sau này trở thành chấm son trong công trình độc đáo của ông

 

Tới Hải Dương ông lấy đá ở Côn Sơn - nơi thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Ra Quảng Ninh ông lấy đá ở núi Bài Thơ, vịnh Hạ Long - nơi vua Lê Thánh Tông khắc thơ trên vách núi. Tới Thanh Hóa ông chọn đá ở chân cầu Hàm Rồng. Vào Nghệ An lấy đá trên núi Đại Huệ - nơi thân mẫu Bác Hồ yên nghỉ. Về Hà Tĩnh - nơi chôn rau, cắt rốn, ông lấy đá ở Ngã ba Đồng Lộc - nơi huyền thoại về 10 cô thanh niên xung phong hy sinh.

 

Người “vẽ” bản đồ Việt Nam bằng đá độc đáo - 1

Ông Minh lấy đá ở Ngã Ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh. 

 

Tới thăm cố đô Huế, ông Minh lấy đá ở lăng vua Tự Đức - một vị vua rất am hiểu văn chương nghệ thuật. Đến Đà Nẵng ông lấy đá trên đèo Hải Vân lộng gió. Thăm Quảng Nam lấy đá ở di tích thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới. Về Phú Yên ông lấy đá ở núi Nhạn - vùng đất của văn hóa Tháp Chàm.

 

Với Lâm Đồng - quê hương thứ hai, ông lấy đá trên đỉnh Langbiang huyền thoại. Vào TPHCM cũng là nơi không có núi đá, ông tìm đến Thảo Cầm Viên nhặt ở đây một viên đá do người đời mang về xây dựng. Thăm khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh sắc ở Đồng Tháp, về Cần Thơ thăm bến Ninh Kiều, đến Sóc Trăng thăm Chùa Dơi - ngôi chùa nổi tiếng của người Khmer Nam Bộ, tới Cà Mau về thăm Đất Mũi… mỗi nơi ông lấy một viên đá cho bộ sưu tập và sau này trở thành tấm bản đồ độc đáo.

 

Người “vẽ” bản đồ Việt Nam bằng đá độc đáo - 2
 Du khách đến nhà ông Minh xem bản đồ đá.

 

Ý định ban đầu về những viên đá sưu tầm được là sẽ đóng một tủ hộc, mỗi ngăn để 1 viên ghi rõ lai lịch, địa chỉ, với ý tưởng sau này cho con cháu nhìn vào hộc đá có thể hiểu về đất nước. Khi về hưu ông chợt nảy ra ý tưởng làm tấm bản đồ Việt Nam bằng đá, trong đó mỗi tỉnh thành là một viên được cắt gọt tương đối giống với bản đồ của mỗi địa phương.

 

Những ngày đầu tháng 4 năm 2005, khi tấm bản đồ bằng đá đã rõ hình hài, bạn bè đến thăm thấy đó là một ý tưởng độc đáo, biểu hiện lòng yêu nước nồng nàn của một trí thức bình dị vốn xuất thân từ nông dân, mọi người động viên hoàn thiện và công bố công trình.

 

Ngày 25/5/2005, ông Minh hoàn thành tấm bản đồ Việt Nam bằng đá đóng trên một khung gỗ chiều dài 1,8m, chiều rộng 1,06m, với tỷ lệ 1/875.000. Công trình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh được Bộ Văn hóa - Thông tin thẩm định, cấp giấy chứng nhận bản quyền và được ghi vào sách Guiness Việt Nam.

 

Tiếng tăm đồn xa, hàng trăm khách du lịch trong ngoài nước tìm đến nhà ông Minh “đá” để xem tấm bản đồ hình chữ S bằng đá với lòng ngưỡng mộ và thán phục. Căn nhà bé nhỏ, nằm ở đầu đường Yên Thế lặng lẽ trầm tư, nhìn xuống thung lũng núi Voi mộng mơ sương mù giờ trở thành nơi giữ chân du khách mỗi lần đến Đà Lạt.

 

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm