1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người tâm thần và những vụ trọng án

(Dân trí) - Ngày 29/12, <i>Dân trí</i> có tin “Đắng lòng gia cảnh con tâm thần giết mẹ”. Quả thật không gì đau đớn hơn khi người con trai dùng cuốc giết chết chính mẹ mình trong một lần lên cơn tâm thần. Một vụ án mà người gây án đáng thương hơn đáng giận.

Giật mình hơn, điểm lại mới thấy những vụ án như trên không là cá biệt.

 
Người tâm thần và những vụ trọng án - 1

Không quản lý, chăm sóc tốt người tâm thần là một nguy cơ tiềm ẩn của những sự việc đau lòng (ảnh minh họa: Vietnamnet)

Không là cá biệt...

  Ngày 21/9, tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), anh Đ.T (25 tuổi) lên cơn tâm thần dùng thanh gỗ đánh mẹ (bà Đ.T.M). Sau đó anh còn dùng dao chém bà M cho đến chết.

Trước đó, ngày 27/7, một vụ án tương tự cũng xảy ra ở huyện Tuy An, Phú Yên. Khoảng 11h30, anh N.X (SN 1975) lên cơn tâm thần cũng dùng đá đánh vào đầu mẹ ruột của mình khiến bà này tử vong.

Trước nữa, ngày 24/6, tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cũng xảy ra một vụ án đau lòng khi chị T.T.B cho con ruột của mình là bé N.T.T mới 3 tuổi uống thuốc rầy. Theo nhận định của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, nguyên nhân khiến chị B có hành động như vậy có thể là do chị bị tâm thần phân liệt với triệu chứng ảo thanh, hoang tưởng, có thể có tiếng nói bên tai sai khiến chị giết con và tự sát.

Ngày 18/3, tại quận Thủ Đức (TPHCM), bà L.T.T.N đã dùng dao đâm vào vai trái người em bà con của mình gây thương tích nặng. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác minh chỉ là do xích mích nhỏ trong gia đình và người gây án bị bệnh tâm thần.

Đầu tháng 2/2010, tại quận 11 (TPHCM) cũng đã xảy ra một vụ trọng án. Anh H.T.K dùng dao đâm chết nạn nhân - người vợ đầu gối tay ấp của mình - ngay tại nhà riêng của hai vợ chồng, bỏ lại người con nhỏ bơ vơ. Kết quả điều tra cho thấy anh K đang phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần hoang tưởng.

Ngày 2/2, một vụ án mạng xảy ra trên đường Phạm Cự Lượng (quận Tân Bình, TPHCM). Hung thủ là một sinh viên sống khép kín và nạn nhân là người giúp việc trong căn nhà mà anh sinh viên này trọ học. Trước đó vài ngày, hung thủ được người nhà đưa đi khám bệnh tâm thần tại Bệnh viện Nhiệt đới, chưa có kết quả gì thì án mạng đã xảy ra.

Những vụ án được báo trước

Điều đáng nói ở đây là các vụ án trên đều có dấu hiệu báo trước nhưng vẫn xảy ra vì sự lơ là, thiếu cảnh giác của chính người thân trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Như trong vụ mẹ cho con uống thuốc rầy ngày 24/6 xảy ra tại Bình Chánh (TPHCM), người mẹ này đã từng 2 lần cho con uống thuốc rầy nhưng đều được gia đình phát hiện và ngăn cản kịp thời. Vậy mà gia đình vẫn không có biện pháp cách ly chị T.T.B với con mình để sự việc tái diễn đến lần thứ 3.

Hay vụ cô L.T.T.N dùng dao đâm người xảy ra ở Thủ Đức (TPHCM) ngày 18/3 hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu người nhà có biện pháp cách ly ngay từ ban đầu đối với cô T.N. Vì trước đó cô T.N từng có tiền án dùng dao đâm chết một em học sinh tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ vào năm 2007 khi lên cơn tâm thần.

Còn trong vụ anh N.X giết mẹ ở Phú Yên, thảm kịch xảy ra vì mọi người quá xem thường căn bệnh của anh X. Năm 2006, anh X cũng đã từng lên cơn tâm thần và đánh chết cha ruột mình. Sau 1 thời gian chữa trị anh được về nhà nhưng vẫn thường xuyên lên cơn và hăm dọa giết mẹ. Sự việc đã được chính hung thủ "báo trước" nhưng thảm họa vẫn xảy ra.

Những vụ việc trên cho thấy: chính bản thân gia đình có người thân bị tâm thần cũng có một phần trách nhiệm vì quá thờ ơ với sự an toàn của gia đình mình cũng như của cộng đồng. Địa phương cũng thiếu trách nhiệm quản lý, chăm sóc người thân tâm thần.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, tính riêng trên địa bàn TP hiện có hơn 12.000 người có bệnh liên quan đến thần kinh, trong số đó có khoảng 8.000 người bị bệnh thần kinh. Con số này nếu tính trên cả nước sẽ rất lớn.

Hiện ngành LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các địa phương tiến hành kế hoạch rà soát người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng trên địa bàn nhằm quản lý tốt hơn và xây dựng mạng lưới chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi cho các đối tượng này trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Nhung, cái khó nhất là phải vận động được các gia đình có người tâm thần cung cấp thông tin, vì có rất nhiều gia đình giấu giếm tình trạng bệnh của người thân, bất chấp nguy cơ tái diễn những vụ án đau lòng.

Hạ Nguyên