1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM:

"Người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố"

Tâm Linh

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, chia sẻ, cho thuê vỉa hè là phương án nhiều quốc gia đã làm, TPHCM đáng ra nên làm sớm hơn.

Đủ kiểu vỉa hè bị chiếm dụng

Minh Ánh (30 tuổi, ngụ chung cư Galaxy 9, quận 4) thường đợi đến nửa đêm để dắt chó đi dạo và tranh thủ vận động. Ánh chọn khoảng 23h trở đi vì lúc này các cửa hàng kinh doanh và hàng rong dọc đường Bến Vân Đồn (ven rạch Bến Nghé) đã ngưng hoạt động, trả lại vỉa hè vắng vẻ.

Chị Ánh chia sẻ, các quán ăn uống và lượng xe máy của khách chiếm phần lớn vỉa hè. "Nếu tôi dắt chó đi qua chỗ họ thì phải đi chậm và rất dễ va chạm với người ngồi ăn uống", Minh Ánh nói.

Người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố - 1

Quán ăn đặt bàn ghế tràn xuống lòng đường Hải Triều, quận 1 (Ảnh: Hải Long).

Chị Mỹ Duyên thường ngồi uống cà phê góc vỉa hè trước một quán trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1. Quán kê bàn ghế cho khách ngồi trên vỉa hè, sát mép lòng đường.

Một buổi tối, chị Duyên và nhóm bạn đang ngồi uống nước bị một xe máy chạy trên vỉa hè lao trúng. Sự việc khiến vài người bị xây xước nhẹ. "Ngồi vỉa hè thì vui nhưng dễ gặp xui như trường hợp của tôi", Duyên nói.

Anh Hiển mở một quán cà phê trong khu đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Mặt bằng quán cũng chính là tầng trệt ngôi nhà của gia đình anh, cửa sát phần vỉa hè.

Khi được hỏi lúc mở quán anh có tính đến việc bố trí chỗ gửi xe cho khách hay không, chủ quán ậm ừ. "Khách đến, khách đi nên tôi không để ý. Có lúc đông, lúc vắng nên tôi nghĩ không cần đầu tư thuê chỗ gửi xe. Đông quá thì gửi, người vào mua nhanh thì để tạm dưới lòng đường, còn lại tôi tận dụng vỉa hè", anh Hiển trình bày.

Nếu cả đoạn đường mà có 10 hàng quán cho xe của khách dừng, đỗ trên vỉa hè, sẽ không tránh khỏi cảnh ùn ứ, vì người đi bộ phải đi xuống lòng đường, phương tiện lưu thông phải né người đi bộ, đường thêm chật chội.

Trong khi đó, bối cảnh khu vực trung tâm TPHCM hiện thiếu trầm trọng chỗ đậu xe do quỹ đất ngày càng hẹp. Nhiều tuyến vỉa hè, lòng đường đã được quy hoạch làm nơi đậu xe có thu phí.

Bên cạnh "hậu quả" nhỏ lẻ như chị Duyên gặp tai nạn, hay cảm thấy bất tiện khi đi bộ trên vỉa hè như chị Ánh, vấn đề không gian vỉa hè bị chiếm dụng còn khiến diện tích giao thông vô tình bị thu hẹp, càng gây áp lực lên hạ tầng đô thị.

Cho thuê vỉa hè là hợp lý

Nhìn lại thời điểm tháng 9/2017, ông Đoàn Ngọc Hải, người từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1, đã mạnh tay đứng ra chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở khu vực trung tâm, kêu gọi người dân có thể chụp ảnh vi phạm, hoặc gọi điện phản ánh trực tiếp đến ông về các hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Từ khi được phân công phụ trách lĩnh vực đô thị (tháng 3/2016), ông Hải nhận thức rằng quản lý trật tự đô thị, trong đó có trật tự lòng đường, vỉa hè là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung sức lực và thời gian để giải quyết dứt điểm, bởi vì đây là vấn đề đã tồn tại từ hàng mấy chục năm nay không giải quyết được.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, cho rằng nhu cầu sử dụng vỉa hè ở TPHCM là rất lớn, do đó không thể hoàn toàn "làm trống" không gian này. Do đó, cần có biện pháp khác để giải quyết - người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố.

Đồng quan điểm với phương án của TPHCM về việc tính phí vỉa hè, ông Hòa cũng nhấn mạnh giải pháp cho thuê vỉa hè, là phương án nhiều quốc gia đã làm từ trước, mà TPHCM đáng ra nên làm sớm hơn.

Phía thành phố trước hết phải kiểm kê, khảo sát xem trên địa bàn có bao nhiêu tuyến vỉa hè, hiện trạng mỗi đoạn vỉa hè như thế nào và người dân có nhu cầu sử dụng hoạt động gì ở vỉa hè đó… sau đó lên kế hoạch phân chia và tính phí phù hợp.

"Trong đó, người thuê cần có kèm theo trách nhiệm với đoạn vỉa hè đó, chẳng hạn phải giữ vệ sinh, chăm sóc cây xanh, bảo vệ nền gạch, chỉ hoạt động trong phạm vi quy định... thì mới bảo vệ được vỉa hè", chuyên gia Nguyễn Minh Hòa nói.

Người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố - 2

Phần lớn vỉa hè đường dân sinh ở TPHCM đều được sử dụng cho các hoạt động ngoài giao thông, cả có phép và trái phép (Ảnh: Hải Long).

Mặt khác, nói đến câu chuyện vỉa hè hết chỗ, dẫn đến thiếu chỗ giữ xe, thiếu không gian cho người đi bộ, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc đô thị, cho rằng một phần do khâu quản lý còn hạn chế.

KTS phản ánh, ông thấy nhiều vỉa hè, lòng đường trong thành phố bị cắt bớt diện tích để chuyển đổi thành mục đích sử dụng khác như kinh doanh thương mại, muốn làm chỗ giữ xe, đậu xe cũng không đủ.

Theo chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, công tác quản lý đô thị của cơ quan chức năng phải siết lại việc xây dựng, quy hoạch các dự án, công trình đô thị.

Nói rộng hơn, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc thiết kế và quản lý đường phố là chiến lược phát triển đô thị phải thực hiện đồng bộ giữa nhiều biện pháp và lĩnh vực.

"Xử lý vấn nạn vỉa hè, chiếm dụng không gian giao thông không dừng lại ở các giải pháp độc lập, mà phải tiếp cận tổng hợp để giải quyết các vấn đề phát triển đô thị", ông Nam Sơn nêu quan điểm.

TPHCM "ra tay" lấy lại vỉa hè cho người đi bộ

Trong các cuộc họp giữa UBND TP cùng các địa phương, sở ngành về chấn chỉnh trật tự và mỹ quan đô thị, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cứng rắn và mang tính quyết liệt để "dọn dẹp" vỉa hè.

Trong tháng 2/2023, Sở Giao thông Vận tải TPHCM rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông để xây dựng để án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, dựa trên cơ sở dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND TP.

Theo đó, thành phố dự kiến cho người dân sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố - 3

Vỉa hè chia đôi dành phần cho việc đậu xe và cho người đi bộ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM (Ảnh: Tâm Linh).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá đề án mới về quản lý vỉa hè mà TPHCM đang xây dựng được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hữu trong lĩnh vực đô thị.

"Công tác quy hoạch sẽ xác định vỉa hè từng tuyến đường, khu vực có thể sử dụng cho chức năng gì. Sẽ có những nơi vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi vỉa hè đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố sẽ có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ xử lý.

Hiện nay, vỉa hè trên các tuyến đường được Sở GTVT TPHCM bàn giao cho các quận, huyện quản lý. Vì vậy, các quận huyện chịu trách nhiệm luôn cả việc đầu tư, xây dựng và tu sửa vỉa hè nếu có xảy ra hư hỏng.

Trước đó, tháng 4/2022 đã có phản ánh về tình trạng bãi giữ xe "quây" vỉa hè xung quanh bệnh viện ở quận 5, người dân lo an toàn giao thông.

Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ ngay các hàng rào bố trí trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ, người khuyết tật lưu thông và hoàn trả vỉa hè theo nguyên trạng.

"TPHCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.