1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những vàng thoi thuở ấy - Kỳ 2:

Người quen thân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Có một vị hiền sĩ kiêm khai quốc công thần của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản thân cũng như người đời lưu lại ít những biên chép nhất. Người đó là cụ Ngô Tử Hạ.

 

 Cụ Ngô Tử Hạ (đeo kính) bên Bác Hồ. Ảnh: T.L.
 Cụ Ngô Tử Hạ (đeo kính) bên Bác Hồ. Ảnh: T.L.
 
Mặc dầu đã săm soi hỏi bạn, cùng những tra cứu nhưng để mường tượng một chân dung Ngô Tử Hạ thì thấy không thể?

 

Đơn giản tỷ như cụ Ngô Tử Hạ có mấy người con, hiện ai còn ai mất? Hỏi, tra cách nào cũng không ra, tôi đành cầu viện đến nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông Quốc cũng tắc, xui tôi hỏi một nhà nghiên cứu kiêm cộng sự ở Tạp chí Xưa & Nay là ông Trịnh Tiến.

 

Ông Tiến tự dưng à lên rồi chợt nhớ ra vợ cụ Ngô Tử Hạ họ Trịnh. Nhưng là một thành viên của Hội đồng tộc Trịnh Việt Nam và cũng là người mê say nghiên cứu nhưng ông Tiến rốt cuộc cũng không biết thêm gì hơn!

 

May, ông Tiến còn nhớ mang máng người cháu gọi cụ Ngô Tử Hạ bằng ông ngoại tên là Trịnh Văn Đường. Hôm đi hỏi được thì ông Đường đã mất ít lâu. May nữa là ông Tiến thân chinh dẫn tôi đến một ngã tư ở trung tâm Hà thành.

 

Ấy là Ngã tư Hàng Bông - Lý Quốc Sư.

 

Chính sử chép về sự máu mặt lẫn hằng tâm hằng sản với cách mạng của cụ Ngô Tử Hạ ở ngã tư này như sau

 

Nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251 m2), nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095 m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84 m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210 m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182 m2). Gia đình cụ Ngô chỉ giữ lại 200 m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự

 

(Trích bản kê khai nhà đất xin hiến cho Nhà nước của gia đình cụ Ngô Tử Hạ được lập vào ngày 29/7/1960)

 

Tôi ngồi nhẩm thời giá bây giờ khi lẩn mẩn quy ra thóc sự hằng tâm hằng sản của bậc hiền sĩ nước Nam hiến nhà cho Nhà nước mà phát hoảng bởi tầm vóc và quy mô.

 

Ông Trịnh Tiến dẫn tôi vào một ngôi nhà gần ngã tư ấy.

 

Tự hỏi có phải ngôi nhà chật chội này là phần còn lại của cái diện tích khiêm tốn mà cụ Ngô Tử Hạ ngày ấy xin giữ lại để làm nơi sinh hoạt và thờ tự cho gia đình mình?

 

Hóa ra không phải. Đó là nhà của ông cháu ngoại Trịnh Văn Đường. Khúc nhôi người ông nội của Trịnh Văn Đường ( từng ba đời làm Chánh tổng xứ đạo Phát Diệm) trở thành thông gia với cụ Ngô Tử Hạ là cả một câu chuyện thật dài. Dài và không ít những ly kỳ. Lẫn xót xa...

 

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ khó định tuổi. Không ngờ bà đã 74. Cung cách tiếp khách lịch thiệp cẩn trọng của bà Hồng, quả phụ ông Trịnh Văn Đường nhắc nhở khách bồi hồi về quá vãng của những danh gia Hà thành nền nếp.

 

Từ một anh trai cày, một con chiên ngoan đạo ở miền quê Ninh Bình nghèo khó, 17 tuổi, Ngô Tử Hạ lên Hà Thành làm thuê. Tài năng và những gắng gỏi phi thường đã khiến Ngô Tử Hạ trở thành một nhà tư bản ngành in nổi tiếng xứ Đông Dương. Cuối cùng ông đã hiến dâng tất cả của cải và sức lực cho cuộc cách mạng của cụ Hồ, tự tay kéo chiếc xe bò đi vận động nhân dân cứu đói.
 
Trên mặt chiếc bàn tròn chỉ nhỉnh hơn diện tích cái mâm đồng đại. Mặt bàn nguyên thủy đã thay bằng kính. Nhưng ngó bốn chân phía dưới là cả một kỳ khu của tuyệt tác. Giật mình thêm là cái bàn này là kỷ vật duy nhất của cụ Ngô Tử Hạ sắm từ cuối thế kỷ XIX đặt ngay trong phòng khách của cụ ở tư gia cạnh nhà in ở phố Lý Quốc Sư. Bên chiếc bàn này, ông cố vấn Vĩnh Thụy đã từng nhiều đêm ngồi đàm đạo với cụ Ngô dịp ông ra Hà Nội làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban nãy tôi dâng hương trên bàn thờ đặt bên lối đi. Trên bàn thờ có hai bức chân dung cụ Ngô Tử Hạ và cụ bà cùng tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thoáng chút băn khoăn lẫn xót xa, nơi thờ tự cụ Ngô cùng kỷ vật mà sao lại đặt ở nhà cháu ngoại?

 

Cụ Ngô hai vợ nhưng nhõn một gái đầu và trai rốt với người vợ cả. Bà cả Ngô Thị Hòa đã mất 1983 ở Hà Nội. Bao năm rồi những là mây bay nước chảy, người con trai duy nhất của cụ Ngô sau mấy lần về cố quốc chỉ chăm chắm mang sang Mỹ một nắm đất quê nhà để thờ tự. Và ông Hiệt, Ngô Tử Hiệt ấy cũng đã nằm lại bên đất Hoa Kỳ ở tuổi 85.

 

...Câu chuyện của ông Tiến và bà Hồng như một cuốn phim quay chậm về những điều sở đắc của cụ Ngô thời dân quốc ấy. Về đại biểu cao niên nhất, Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội khóa I, người chủ tọa và đọc bản tuyên ngôn của Quốc hội tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội.

 

Cụ là một trong ba trăm nhà tư sản có máu mặt ở xứ Đông Dương. Trước cách mạng, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Hình ảnh cụ Ngô khăn xếp, áo the kéo xe bò qua phố Tràng Tiền. Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố. Người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng bờ Hồ thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát Lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô báo với Bác xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô... Bác Hồ chỉ vào xe gạo nói rằng: “Đây mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất”.

 

Cuộc đời vị nhân sĩ kiêm hiền sĩ nước Nam, cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngô Tử Hạ có lẽ khá nhiều khúc mờ nhòe cần giải mã. Chả phải là tò mò nhưng phần nào cũng bố cáo cho dân Nam ta thêm trân quý, biết ơn tấm gương không mấy thời được vằng vặc ra như thế?

 

Chả hạn cái đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được cụ Ngô Tử Hạ từng đặt nhà in trong Huế và có mối thâm giao với nhiều vị Thượng thư trong triều đình nhất là vua Bảo Đại, cụ Hồ đã có nhiều buổi trao đổi đàm đạo với cụ Ngô kế hoạch vời ông Vĩnh Thụy tức Bảo Đại ra làm Cố vấn cho Chính phủ Việt Minh. Như nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, hiện thời chưa có tài liệu nào ghi chép về những việc ấy? Cụ Hồ đã bộc bạch những gì? Cụ Ngô đã bí mật vô Huế trao đổi những gì với Bảo Đại?

 

Có một khúc bi tráng trong cuộc đời cụ Ngô mà sử đã chép.

 

Tiếng súng kháng chiến toàn quốc vang lên, Chính phủ và Trung ương chuyển lên Việt Bắc, khi đó cụ Ngô Tử Hạ đã 65 tuổi, đương chức ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, do già yếu đành lòng chia tay cụ Hồ rồi cùng gia đình tản cư về Ninh Bình.

 

Pháp nhảy dù vào Ninh Bình, bày mọi mưu mô chước quỷ, dùng bọn phản động đội lốt tôn giáo hòng mua chuộc, bắt ép người đại biểu nhân dân Ngô Tử Hạ. Để bảo toàn khí tiết, được sự giúp đỡ của cụ Hồ, cụ Ngô đã đưa gia đình sang Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) cư trú. Tuy cụ ở xứ người nhưng lòng luôn ngóng vọng về quê hương, ngày đêm mong được tái ngộ với cụ Hồ để phụng sự đất nước.

 

(Cũng cần phải biên thêm điều này, hơi bị hiếm trong giới tư sản An Nam, ngay từ những năm cuối 1930, cụ Ngô Tử Hạ từng tậu biệt thự nhà riêng ở Paris, ở Roma và Thụy Sĩ).

 

Non nước chẳng phụ lòng người, ấy là vào năm 1954, khi dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tìm gặp lại người bạn cũ Ngô Tử Hạ. Cũng trong thời gian diễn ra hội nghị, cụ Ngô đã gặp gỡ, bàn bạc chính sự với ông Phạm Văn Đồng. Sau hòa đàm Giơ-ne-vơ, cụ Ngô theo phái đoàn của Chính phủ về nước và tiếp tục công việc của mình trong Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

 

Những ai từng bên cụ Ngô những năm ở Giơ-ne-vơ ấy. Mà mấy năm? Con đường hay lộ trình gia đình cụ Ngô trở về cố quốc cụ thể là chiến khu Việt Bắc ra sao? Vv...

 

Lại một nuối tiếc nữa mà không thể sửa chữa, vớt vát. Ấy là nhiều bài nghiên cứu khi dẫn ra câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt Minh, trước đây thường xuyên gặp Bác Hồ và quen thân với tôi” nhưng không ghi xuất xứ?!

 

Và tiếc nữa khi cụ Phạm Văn Đồng đương còn rất minh mẫn, nếu có nhà nghiên cứu nào tìm gặp cụ Đồng để có thêm chi tiết sống động từ khái niệm quen thân với tôi... thì quý biết mấy? Nghĩ có lẽ vị nguyên Thủ tướng ấy cũng chả khó khăn eo hẹp gì?

 

Một nét mờ nhòe nữa cũng gây không ít bâng khuâng cho hậu thế. Nhiều tài liệu hay báo chí cũng dẫn ra việc chính cụ Ngô Tử Hạ ( bây giờ không rõ cụ từng thạo dịch số hay tử vi thế nào?) đã chọn ngày 2/9/1945 để cụ Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình! Cụ thể hoàn cảnh việc lựa chọn ấy ra sao? Tiếc thay người ta chỉ dẫn ra câu nói vắn tắt của cụ Ngô Tử Hạ rằng đó là ngày chúa nhật...

 

Viết đến đây, tôi giật thột nhớ đến nhà văn Sơn Tùng. Tiếc thay (lại tiếc thay?) nhà văn Sơn Tùng hiện đương nằm thiêm thiếp vô minh mấy năm nay sau những cơn tai biến kịch phát. Được hầu chuyện nhà văn Sơn Tùng mấy lần, tôi biết nhà văn có quen thân với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từng được đàm đạo với Thủ tướng rất nhiều lần. Được Thủ tướng mời cơm. Được Thủ tướng cấp cho nhà ở nhưng nhà văn không nhận v.v...

 

Lần ấy nhà văn có kể cho chúng tôi nghe vài mẩu chuyện về Bác Hồ. Nhớ lâu hơn là dịp sinh nhật Bác năm 1967, đang tiếp khách trọng thì Bác được báo có một cụ già, già lắm, chống gậy xách theo một vật gì xin được gặp Bác. Cụ không nói tên đang đứng ngoài cổng.

 

Nghe tả lại, cụ Hồ bỗng xin lỗi khách rồi vội đứng lên ra tận cổng Phủ Chủ tịch đón.

 

Phải, đó là cụ Ngô Tử Hạ, năm ấy ở tuổi 85 (cụ Ngô mất ngày 29/8/1973 thọ 93 tuổi). Cụ trực tiếp chống gậy xách theo một vò mắm tép do chính cụ tự tay chế biến. Thứ mắm tép vùng chiêm trũng Ninh Bình quê cụ. Cụ Ngô biết cụ Hồ rất thích thứ mắm này.

 

Cứ thầm tiếc, thể nào mà cụ
 

Đồng lại chả kể cho nhà văn Sơn Tùng nghe nhiều chuyện về cụ Ngô Tử Hạ?

 

Theo Xuân Ba

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm