1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kon Tum

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù

(Dân trí) - Chị Y Hlạng (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) được dân làng phong danh hiệu “2 giỏi”… “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị là người tiên phong trồng cây sâm dây tạo “đòn bẩy” giúp cả xứ sở sương mù thoát nghèo...

Vận động làng đến khu tái định cư…

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) là một xã đặc biệt khó khăn. 100% dân trong xã là bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Xê Đăng.

Xã Măng Ri có độ cao so với mực nước biển là trên 1.200 m, những nơi đỉnh núi có thể gần đến 2.000m. Nơi này, quanh năm sương mù phủ kín nên được mệnh danh là “xứ sở sương mù” .

Chính vì điều kiện khí hậu lạnh quanh năm nên thuận lợi cho việc phát trển các loại cây dược liệu. 

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 1
Chị YHlạng, người phụ nữ "2 giỏi" ở xứ sở sương mù Măng Ri

Về đến xứ sở sương mù Măng Ri hỏi nhà chị Y Hlạng (SN: 1970, người đồng bào Xê Đăng) thì già trẻ ai cũng biết. Chị Hlạng như một người “chị cả” của làng Pu Tá và cả dân xã Măng Ri.

Già A Nít (Nguyên Bí thư xã Măng Ri) nói: “Cái Hlạng nhanh lắm, nó giúp dân biết làm giàu từ rừng núi. Vận động người dân trồng cây lúa, cây sâm dây từ rất lâu rồi. Lòng chảo Măng Ri giàu lên cũng có phần của H’lạng không phải nhỏ…”.

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 2

Chị Y Hlạng đã góp phần giúp người dân xã Măng Ri phát triển kinh tế nhờ cây sâm dây

Đến nhà chị H’lạng, thấy chúng tôi chị nhẹ nói: “Mấy chú miền xuôi lên đây thăm bà con ạ. Tôi có nghe bà con nói các chú hỏi nhà tôi từ đầu làng rồi. Tôi đang kiếm mấy con chuột sâm và lá sâm ngọc linh đãi các chú đây…”. Một người phụ nữ dáng gầy nhưng mọi hành động đều nhanh thoăn thoắt, nét mặt luôn niềm nở đón khách.

4h chiều nhưng ở Măng Ri màn đêm đã dần buông xuống, lớp sương cũng phủ kín trong lòng chảo. Chúng tôi được mời vào ngồi giữa cái bếp với ghè rượu đang bốc mùi xốc lên tận mũi khiến lòng khách miền xuôi chưa uống đã dần say. Chi Y H’lạng mời chúng tôi uống một căn đầu tiên rồi nhẹ nhàng nhớ lại thời cả làng Pu tá còn ở trên núi cao.

Chị H’lạng tâm sự, năm 1990 chị được học hết lớp 9 ở Đăk Tô. So với dân làng thì chị H’lạng được coi là một người có chữ nên dân làng rất nể phục. Sau đó, chị Hlạng về công tác tại xã Măng Ri làm bên mảng chi hội phụ nữ và phó bí thư chi bộ…

Lúc đó, làng Pu tá chị sống ở trên núi cao. Hàng ngày đi làm, chị Hlạng đều phải đi bộ qua 2 quả đồi, 3 con suối mất hơn 1 buổi mới đến được UBND xã. Nhiều lần chị cũng muốn nghỉ vì đường xa nhưng chị được xem như một cầu nối giữa chính quyền và bà con. Nếu chị nghỉ thì dân không biết về những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước…

Đến năm 1993, làng Pu tá cháy cả làng. Dân thời đó phải ở trong hốc đá để tránh “cái đói, cái rét”. Thấy bà con khổ, chính quyền địa phương đã chọn một địa hình gần UBND xã nhằm di dời bà con xuống. Tuy nhiên, lúc đó bà con quyết không đi vì muốn sống tại mảnh đất của cha ông để lại.

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 3
Chị là người đi đầu vận động người dân di dời xuống vùng tái định cư mới

Chị Hlạng vừa là một người con của làng Pu tá vừa là người phó bí thư chi bộ nên đã nhiều lần cùng chính quyền vận động bà con xuống gần hơn để thoát cái nghèo, có điều kiện cho con cái biết “cái chữ”, nhưng đều thất bại.

Đến lần thứ 10, chị Hlạng mới mang ghè rượu đến từng nhà ngồi phân tích về những cái thuận lợi ở khu tái định cư. Để dân tin, chị còn dẫn từng người xuống xem những cánh đồng lúa, biết cái trường học. Lúc này, dân mới tin và cuộc di dời làng được thực hiện giữa sự đoàn kết giữa nhân dân và chính quyền.

Để thực hiện những lời chị Hlạng đã hứa lúc di dời làng, chị đã cùng bà con dọn quanh vùng lòng chảo Măng Ri. Dẫn nước suối từ trên núi chảy theo các con kênh, tạo những ô ruộng bậc thang để giữ nước, giúp bà con canh tác được lúa hai vụ. Từ “săn bắn, hái lượm”, giờ đây người dân làng Pu tá đã thoát nghèo, biết trồng cây lúa và lên rừng thu hái những dược liệu phục vụ đời sống, kinh tế.

Thấy Pu tá giàu lên, những làng khác cũng lũ lượt bỏ rừng sâu kéo về lòng chảo Măng Ri để trồng cây lúa, cho con cái học hành… Cuộc sống người dân Măng Ri cũng từ đó khởi sắc, bà con sống quy tụ với nhau tại lòng chảo.

Đi đầu trồng cây “tiền tỷ”, tạo "đòn bẩy" kinh tế

Năm 2006, lúc này chị Hlạng phụ trách Ủy ban Mặt trận xã Măng Ri. Người dân xã Măng Ri đều lên rừng đi tìm những sản vật của rừng để mang đi bán tăng thu nhập. Những loại sâm quý như Sâm dây Ngọc Linh, Sâm Ngọc Linh, Ngũ vị tử, Hà thủ ô… đều được người dân thu hái sau đó bán về Kon Tum.

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 4
Măng Ri xứ sở sương mù trên dãy núi Ngọc Linh

Lúc này, chị Hlạng nhận thấy tiềm năng của những cây sâm dây nên đã cùng dân làng lên rừng để đưa về những khu vực triền đồi trồng. Việc làm này nhằm mục đích bảo tồn loại dược liệu và có thể phát triển kinh tế một cách chủ động, không phụ thuộc vào rừng.

Thấy hiệu quả, chị đã vận động người dân xem xét để đưa loại sâm dây từ rừng về nhà trồng, khi nào cần tiền thì ra nhổ bán sẽ có hiệu quả về kinh tế hơn. Nghe hợp cái bụng nên dân làng Măng Ri đã cùng mở rộng diện tích trồng sâm dây những năm sau đó.

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 5
Từ "săn bắt, hái lượm", người dân đã biết làm ruộng bậc thang, trồng lúa, trông dược liệu

“Năm 2009, tôi trồng 1ha cây sâm dây. Đến năm 2012, tôi lần đầu tiên thu 1,5 tạ sâm tươi, với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, còn củ khô, tùy từng thời điểm, giá chênh từ 350.000 - 500.000 đồng/kg. Cứ mỗi 1ha có thể cho 2,5 - 3 tạ củ sâm tươi đấy. Đất này không cây nào và nuôi con gì bằng trồng cây sâm dây đâu. Nó gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa, trồng cà phê mà công chăm sóc lại nhàn hơn cho bà con”, chị Y HLạng bộc bạch.

Từ sau năm 2012, khi diện tích cây sâm dây thu hoạch nhiều thêm, chị thu mỗi năm trên 100 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao nhất xã Măng Ri thời ấy. Nhiều năm nay, khi 100% người dân xã Măng Ri đều đã trồng cây sâm dây thì chị Hlạng là người đứng ra thu mua và đưa về vùng xuôi giúp bà con…

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 6
Nhiều mô hình kinh tế như cà phê xứ lạnh, trồng dược liệu do chị Y Hlạng đi đầu trồng

Với những đóng góp cho địa phương trong nhưng năm qua, chị Y Hlạng đã vinh dự 2 lần được UB Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen và Trong ngày hội Đại đoàn kết toàn quốc chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Chị H’lang nguyên chủ tịch hội phụ nữ. Hiện nay làm bên công tác mặt trận nên được xem là người gần với dân. Nhằm hướng dẫn giúp dân phát triển kinh tế, chị thường xuyên tuyên truyền cho phụ nữ xã và giúp dân về việc xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt cây sâm dây. Đồng thời, chị còn xây dựng 1 tổ để bảo tồn dệt nghề dệt thổ cẩm của người người Xê Đăng. Đối với gia đình, chị nuôi 3 đứa con ăn học trong đó 2 người con đang đại học, 1 cháu đang học nghề điện. 

Người phụ nữ Xê Đăng “2 giỏi” ở... xứ sở sương mù - 7
Những cánh đồng lúa trên lòng chảo Măng Ri

Cây chuyện về hành trình thoát cái nghèo và cuộc sống phất lên nhờ cây sâm dây đã thu hút chúng tôi.

Khi ghè rượu đã nhạt nước thì chúng tôi cũng cảm nhận được trong người đang lâng lâng. Cuộc sống của bà con trên vùng núi Ngọc Linh càng trở nên ấm cúng, mọi người cười nói quanh bếp lửa hiếm nơi nào có được.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm