Người phụ nữ gần 90 tuổi vẫn miệt mài với những chuyến đi thiện nguyện
(Dân trí) - Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhiều người đã yên phận, vui vầy cùng con cháu, thế nhưng Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu (sinh năm 1932, quê tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Từ nhiều năm nay, trong cương vị người đứng đầu Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, dấu chân của bà in đậm trong những chuyến đi làm từ thiện.
Đó là những chuyến đi trao quà cho các thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, trẻ em tật nguyền, người có hoàn cảnh khó khăn…
Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu chia sẻ, trước khi trở thành cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà hoạt động trong phong trào thanh niên xung phong tỉnh Cao Bằng. Đầu năm 1947, do yêu cầu của công việc phát triển lực lượng, Nha Công an Trung ương cử người về một số địa phương để tuyển cán bộ. Cô gái Tày trẻ trung, nhanh nhẹn, đặc biệt có tố chất về văn nghệ Đào Thị Đoan (tên khai sinh của Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu) đã lọt vào mắt những người được giao đi tuyển lựa.
Về công tác ở Nha Công an Trung ương, Đào Thị Đoan được ông Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương đặt cho cái tên mới Lê Thu. Từ đó, cái tên Lê Thu gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng, nghệ sỹ và hoạt động từ thiện của bà.
Ngay từ khi còn công tác, bà đã "có duyên" với việc chăm lo cho mọi người. Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu cho biết, thời tem phiếu, bao cấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Anh chị em nghệ sỹ cũng phải nghĩ cách kiếm sống ngoài công việc chính. "Cơm áo không đùa với khách thơ. Hồi đó, tôi làm công tác công đoàn, luôn đau đáu là làm thế nào để anh chị em có việc, được biểu diễn, có thu nhập. Rồi cứ mỗi lần đến đợt lên lương, tôi thường nhường suất lên lương cho những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ngày ấy và bây giờ, chúng tôi vẫn thương nhau như vậy", đôi mắt bà xa xăm.
Kể về những ngày tháng thanh xuân của mình, giọng nói của bà chợt vang hơn, bà cười nhiều hơn. Nhất là khi bà kể về kỷ niệm những lần được biểu diễn văn nghệ trong các buổi tiếp khách quốc tế của Bác Hồ. Rồi lần bà cùng các bạn nghệ sỹ của mình cất tiếng hát giữa chiến trường ác liệt những năm 1960 bên bờ sông Hiền Lương.
Ấy vậy mà khi được hỏi về những việc làm thiện nguyện của mình, bà chợt lắng lại. Bên ấm trà nóng, bà chậm rãi kể về những lần về thăm quê, lòng bà trĩu nặng khi nhìn những đứa trẻ chân trần, áo rách co ro trong tiết trời lạnh giá... Nhìn người, ngẫm mình, năm 2002, bà đã vận động những người thân trong gia đình gom tiền xây dựng nhà văn hóa cho thôn Bó Lếch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
"Tôi muốn xây nhà văn hóa vừa là để lưu giữ kỷ niệm nơi tôi làm giao liên trong những ngày đầu hoạt động cách mạng, cũng là để người dân quê hương mình có được một nơi để sinh hoạt, gặp gỡ và cùng nhau tổ chức các hoạt động chung, cùng nhau bàn cách thoát nghèo", bà Thu nói.
Kể từ đó đến nay, năm nào, bà cũng có chuyến làm từ thiện tặng quà, tiền, xóa nhà dột nát cho người nghèo, tặng bò sinh sản ở các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và các huyện của tỉnh Cao Bằng. Các chuyến đi của bà không chỉ đem đến niềm vui cho những mảnh đời khó khăn mà trên hết là mang đến một sự thay đổi, một cách nhìn mới về việc làm thiện nguyện ở người cao tuổi.
Để hoạt động thiện nguyện được thực hiện bài bản, quy mô hơn, năm 2009, bà thành lập Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội. Chi hội gồm 30 người, trong đó có một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu, nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng đều nhiệt tình, tâm huyết.
Noi gương bà Lê Thu, các con cháu của bà ai cũng vui vẻ, sẵn lòng cùng tham gia công việc từ thiện. Do vậy từ năm 2009 đến nay, gia đình bà nhận hỗ trợ thường xuyên cho 5 hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ, bà Lê Thu đều đi đến các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp để vận động tạo nguồn lực, tiền, hàng. Sau đó, bà và Chi hội tổ chức đi đến tận gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình cựu chiến binh, người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn để tặng quà, động viên. Dấu ấn của tuổi tác dường như không tồn tại trong những chặng đường thiện nguyện của bà.
"Bà là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập về cái tâm trong sáng, nhân hậu, luôn nghĩ cho người khác. Bà luôn chủ động liên hệ và tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động mỗi dịp lễ, Tết hoặc sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ đột xuất, cần hàng cứu trợ. Giờ tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, bà không còn thường xuyên đi đến tận vùng thiên tai để tham gia cứu trợ, nhưng những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thành phố chưa bao giờ thiếu sự đóng góp của Chi hội", ông Nguyễn Sỹ Trường, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho biết.
Xem ảnh của những chuyến đi thiện nguyện được bà cất cẩn thận trong tủ kê ở đầu giường và nghe bà kể về các chuyến đi ấy, chúng tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực được phát ra từ con người bà. Có lẽ, những năm tháng được tôi luyện trong lực lượng Công an đã tạo cho bà phẩm chất luôn xông pha trong cuộc sống. Bà không thể ngồi một nơi yên tĩnh để hưởng thụ cuộc sống khi nghĩ đến các cháu nhỏ bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, đồng đội còn khó khăn...
Các con, cháu bà và những người khác khuyên bà nghỉ ngơi, song bà lại cho rằng, công việc làm cho bà vừa vui, vừa khỏe, lại có ý nghĩa, góp phần làm vơi đi khó khăn, mất mát của nhiều người trong cuộc sống đời thường.
"Trong cuộc sống, dù còn nhiều điều chúng ta chưa hài lòng, nhưng những tấm lòng nhân hậu, nghĩa tình lại làm cho cuộc sống đẹp hơn. Tôi chỉ ước mong mình có được sức khỏe để tiếp tục làm từ thiện - nhân đạo. Trái tim của tôi luôn đặt ở những nơi còn khó khăn, những mảnh đời bất hạnh", Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu chia sẻ.
Với những đóng góp trên, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thu vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019./.
Nguyễn Hoàng
TTXVN