Lễ chào cờ đặc biệt trong ngày giải phóng Thủ đô
(Dân trí) - Chiều ngày 10/10/1954, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức.
65 năm trước, đúng 8h sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có những người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân. Chỉ 7 tiếng đồng hồ sau, lúc 15h, trong không khí tưng bừng của ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức.
Như vậy, sau 9 năm kháng chiến, lá cờ đỏ sao vàng lại được chính thức kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Khi tiếng còi Nhà hát thành phố nổi lên, các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng trăm nghìn người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào lá cờ thiêng liêng của Tổ Quốc. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ. Tại lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Chiếc xe chở Thiếu tướng Vương Thừa Vũ tiến vào khu vực tổ chức nghi lễ chào cờ 10/10/1954.
Các đại biểu trong Ủy ban Quốc tế tại sân Cột Cờ chiều ngày 10/10/1954.
Người dân hướng về lá quốc kỳ trong lễ chào cờ chiến thắng ngày 10/10.
Bác sĩ Trần Duy Hưng đứng tại sân Cột Cờ trong lễ chào cờ chiến thắng, phía sau là lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng", ngày 10/10/1954.
15h bắt đầu diễn ra nghi lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, ngày 10/10/1954.
Trước đó ngày 9/10, quân đội Pháp làm lễ hạ cờ tài sân Cột Cờ (sân Manzin) thành Hà Nội.
Quang Phong