Người phát hiện gốc sưa "khủng" không được nhận tiền thưởng?
(Dân trí) - Trao đổi về việc trích thưởng phần trăm giá trị gốc sưa "khủng" được trục vớt dưới suối ở Quảng Bình, Luật sư Lê Minh Tâm - Văn phòng Luật sư Hướng Dương - cho rằng, việc trích thưởng phần trăm cho người phát hiện trong trường hợp này là trái luật.
Trích % thưởng người phát hiện là vi phạm luật
Trao đổi với PV Dân trí về việc trích phần trăm tiền bán gốc sưa "khủng" dưới suối Troóc Vực (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho cha con ông Thời - người có công phát hiện gốc sưa - luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (Quảng Bình) - cho rằng như thế là vi phạm pháp luật.
Luật sư Tâm lý giải: Khi tình cờ phát hiện gốc sưa, cha con ông Thời đã không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng mà lén lút trục vớt. Việc làm này đã vi phạm Khoản 6, Điều 4 của Nghị định 96/2009 của Chính phủ về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.
“Cha con ông Thời chỉ được trích thưởng trong trường hợp: Sau khi phát hiện tài sản của nhà nước phải thông báo ngay cho cơ quan chứng năng”, Luật sư Tâm giải thích thêm.
Dư luận hiện cũng đang rất quan tâm đến trùm buôn gỗ Hùng “mía”, người bỏ ra gần 900 triệu đồng để mua lại “lộc” của cha con ông Thời, từ đó mong nhận được tiền phần trăm bán gỗ từ nhà nước. Nếu tỉnh Quảng Bình thống nhất phương án đưa gốc sưa vào trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh để phục vụ nhu cầu tham quan thì trùm buôn gỗ này coi như mất đứt gần 1 tỷ đồng.
“Nên đấu giá lấy tiền cho phúc lợi xã hội” Việc ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đề xuất phương án đưa gốc sưa vừa vớt được tại suối Troóc Vực vào trưng bày tại bảo tàng tỉnh đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều. Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Tâm cho rằng, đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là đưa gốc gỗ sưa vừa vớt lên tại suối Troóc Vực vào trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh là một ý kiến hay. Tuy nhiên, nên chăng các cơ quan ban ngành chức năng nên bàn bạc kỹ, đem đấu giá gốc sưa theo quy định của pháp luật để lấy tiền phục vụ đầu tư các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại địa phương nơi phát hiện gốc sưa “khủng” này.Được biết, theo kết quả giám định của các lực lượng chức năng, thời điểm gốc sưa vừa vớt lên có cân nặng 2.140 kg. Theo cân nặng đó có thể bán được 20 tỷ đồng.
Đặng Tài