1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người nước ngoài ở TPHCM: "Đi bộ dưới lòng đường còn dễ hơn trên vỉa hè"

Tâm Linh

(Dân trí) - Ông J.P. Klovstad (62 tuổi, người Na Uy) sống và làm việc ở TPHCM từ năm 2017 nói có quá nhiều thứ trên vỉa hè khiến ông phải nhìn trước ngó sau để tránh khi đi bộ.

Ấn tượng không tốt

Ông J.P. Klovstad nói rằng đi bộ trên vỉa hè ở TPHCM còn căng thẳng hơn lái xe hay đi bộ dưới lòng đường. "Dưới lòng đường chỉ có xe chạy, nếu có chướng ngại thì xe tự tránh, vỉa hè thì không", J.P. Klovstad mô tả.

Người nước ngoài ở TPHCM: Đi bộ dưới lòng đường còn dễ hơn trên vỉa hè - 1

Người đi bộ phải xuống lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng, tại đường Trương Định, phường Bến Thành, quận 1 (Ảnh: Hải Long).

Mặt khác, khi vỉa hè càng thông thoáng, ông càng chuẩn bị tâm thế cẩn thận vì kiểu gì cũng có xe máy chạy "vèo vèo" vụt qua sát người đi bộ trên hè phố. Ở Na Uy, ông nói chẳng ai gặp vấn đề gì khi đi bộ trên vỉa hè, vì không ai đậu xe, không ai lái xe trên đó. Người đi bộ có khi không cần nhìn vẫn bước dễ dàng.

"Khi tôi đi bộ một mình thì đó không phải là vấn đề lớn, nhưng khi tôi đi bộ với nhóm khách của mình thì tình hình không hay lắm. Nhiều khách du lịch đã bối rối và có chút sợ hãi khi đi bộ dạo quanh thành phố", người này nói thêm.

Ông J.P. Klovstad là hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách châu Âu từ TPHCM đến nhiều nơi ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bản thân ông và đồng nghiệp trong nghề cho rằng họ luôn chuẩn bị tốt để "khoe" với du khách TPHCM tuyệt vời như thế nào. Tuy nhiên, nhiều vị khách lần đầu đến thành phố đã bị chùng cảm xúc xuống chỉ vì giao thông quá đông đúc và họ không cảm thấy an toàn, dù chỉ đi bộ.

"Không ít lần tôi dẫm phải thứ phóng uế của con chó khi đi bộ trên vỉa hè ngay trung tâm thành phố", một người đàn ông ngoại quốc sống trong con hẻm phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), than thở.

Xe máy, quầy hàng rong, chỗ gạch bong tróc, đống rác thải... ngang nhiên xuất hiện trên vỉa hè, có thể với nhiều người dân TPHCM đã quen. Song đối với người nước khác đến đó là ấn tượng không tốt và bất tiện khi lưu trú vài ngày hay nhiều năm ở TPHCM.

Du khách đến TPHCM chủ yếu tập trung vui chơi, tham quan, lưu trú ở quận 1, được coi là bộ mặt của thành phố. Nhiều đoạn vỉa hè chật chội, nhếch nhác hiện nay nằm trong bộ mặt ấy.

"Vỉa hè nhà tôi"

Dọc hai bên đường Đỗ Quang Đẩu (quận 1) dài hơn 150m có hàng chục quầy và cửa hàng, phần lớn kinh doanh đồ ăn, thức uống trên vỉa hè. Lọt giữa loạt "tiểu thương hè phố" người Việt có xe bán bánh mì của một người nước ngoài.

Ông Gokhy Unvear (45 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ) là chủ nhân quầy bánh mì, có diện tích khoảng vài mét vuông. Ông cho biết đã thuê không gian này với giá 500 USD/tháng (khoảng 12 triệu đồng), trả tiền cho chủ căn nhà có vỉa hè phía trước, chứ không phải trả cho cơ quan Nhà nước.

Người nước ngoài ở TPHCM: Đi bộ dưới lòng đường còn dễ hơn trên vỉa hè - 2

Xe bánh mì của ông Tây cùng dãy hàng quán hè phố của người dân dọc vỉa hè đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1 (Ảnh: Tâm Linh).

"Sang Việt Nam, tôi thấy kinh doanh ở vỉa hè khá dễ. Người dân địa phương hướng dẫn tôi là chỉ cần tìm đoạn vỉa hè thích hợp, bày cái xe đẩy, vài cái bàn ghế là có thể thu tiền triệu mỗi ngày", ông Gokhy chia sẻ với phóng viên.

Người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đến Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) để đăng ký kinh doanh. Bản thân ông cũng có ý thức bày hàng gọn gàng phía trong vỉa hè, giữ vệ sinh xung quanh.

Khi biết thông tin TPHCM muốn thu phí sử dụng vỉa hè, ông Gokhy Unvear bắt đầu hoang mang, vì đang trả phí thuê cho chủ nhà kia. "Nếu làm theo quy định mới thì tôi sẽ trả tiền cho ai?", ông thắc mắc.

Tình trạng người dân sử dụng vỉa hè thành phố để kinh doanh là khung cảnh quá quen thuộc trong nhiều năm qua ở TPHCM, bằng việc buôn bán hàng hóa, tổ chức trông, giữ xe thu phí hoặc phục vụ cho cơ sở kinh doanh.

"Mỗi tối tôi đều phải chạy sang quán cà phê cạnh nhà để nhắc chủ quán dắt xe của khách dựng chắn vỉa hè nhà tôi", một nữ chủ nhà ở quận Phú Nhuận lên tiếng với phóng viên. 

Người này không muốn và không cho xe đậu trước cửa nhà, dù quán cà phê đã có ý chừa một khoảng nhỏ lọt vừa xe máy ra vào cổng nhà đó. Những xô nước, bụi thải từ nhà này thường xuyên được "cố ý" hắt ra vỉa hè phía quán cà phê. Sự bất đồng giữa nữ chủ nhà và chủ quán cà phê diễn ra quanh năm suốt tháng, không có sự can thiệp của chính quyền địa phương vì mâu thuẫn không lớn. 

"Nếu thành phố cho phép quán tôi dùng vỉa hè trả phí, tôi sẵn sàng đóng tiền theo quy định. Nhà bên cạnh không có cớ để gây khó dễ nữa, vì vỉa hè là chung", chủ quán cà phê trình bày ý kiến.

Người nước ngoài ở TPHCM: Đi bộ dưới lòng đường còn dễ hơn trên vỉa hè - 3

Vỉa hè trước cửa cơ sở kinh doanh "nghiễm nhiên" trở thành đất nhà họ, dùng để bày hàng và làm nơi giữ xe (Ảnh: Hải Long).

Năm 1995, Nghị định 36CP do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành đã có quy định rõ về việc sử dụng vỉa hè.

Trong Nghị định có quy định các điều như: Phải bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ; chính quyền địa phương quy định cụ thể việc sử dụng một phần phía trong vỉa hè của một số đường phố được bày bán các loại hàng hóa nhưng không được ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và bảo đảm hợp vệ sinh, mỹ quan thành phố; cấm tụ tập đông người trên vỉa hè gây ùn tắc, cản trở giao thông; tất cả cơ quan đơn vị, tổ chức và cá nhân không được tự tiện để phương tiện vận tải ở vỉa hè…

Đến nay, đã gần 30 năm kể từ khi Nghị định 36CP ra đời nhưng ý thức của người dân TPHCM về việc sử dụng vỉa hè vẫn chưa được đánh giá cao.

Để đáp ứng số lượng phương tiện tăng gấp khoảng 13 lần kể từ năm 1995, đồng thời phù hợp với nhu cầu sử dụng vỉa hè của người dân, TPHCM đã có dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND TP.

Dự thảo sửa đổi Quyết định 74/2008 có đề án mới về việc thu phí sử dụng vỉa hè , đồng thời quy định chi tiết hơn về việc quản lý và sử dụng vỉa hè, song vẫn cơ bản giữ yêu cầu phải đảm bảo vỉa hè dành cho người đi bộ, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vệ sinh, mỹ quan.

Cụ thể, thành phố quy định danh sách nhóm hoạt động được sử dụng vỉa hè miễn phí và tính phí, quy định rõ khoảng rộng 1,5m phải để dành cho người đi bộ.

Các phương tiện nay được phép để trên vỉa hè với quy định nới lỏng hơn, trong đó, người dân được để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà (chỉ phục vụ cho xe của gia đình và xe của khách hàng) nếu vỉa hè đủ rộng, với điều kiện được UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cho phép; được mở các điểm trông giữ xe công cộng trên vỉa hè có thu phí miễn là không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đư­ờng đó.

Cơ quan chức năng được cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm nơi kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, bãi giữ xe đạp, xe mô tô có thu phí chỉ áp dụng tại các vị trí, địa điểm nằm trong danh mục khu vực, tuyến đường đã được UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố đã thống nhất, do UBND TP thông qua.

Việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè chỉ có giá trị trong khoảng thời gian quy định. 

Các chuyên gia về đô thị cho rằng cho rằng nhu cầu sử dụng vỉa hè ở TPHCM quá lớn, do đó không thể hoàn toàn "làm trống" không gian này. Do đó, cần có biện pháp khác để giải quyết - người sử dụng vỉa hè đã đến lúc trả tiền cho thành phố.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề vỉa hè bị lấn chiếm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thống nhất quan điểm cần chấn chỉnh lại các hoạt động sử dụng vỉa hè tại địa phương. 

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao.

"Công tác quy hoạch sẽ xác định vỉa hè từng tuyến đường, khu vực có thể sử dụng cho chức năng gì. Sẽ có những nơi vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi vỉa hè đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố sẽ có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ xử lý.

"TPHCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm", ông Mãi nói.

                                                                           Quang Huy - Phương Nhi