Người nước ngoài hào hứng lần đầu “ăn tết” Việt

(Dân trí) - Sang Việt Nam chưa đầy một năm nên dịp tết Nguyên đán Tân Mão 2011 này, vợ chồng anh chị Leon và Lisa lần đầu được cảm nhận không khí tết cổ truyền của người Việt.

Thủ đô những ngày giáp tết thật rộn ràng
 
“Từ nhà mình tới bệnh viện cứ tắc đường suốt, mà tắc là cả giờ đồng hồ không đi nổi, nhất là thời gian khoảng tuần nay. Mình thấy người ta cứ nườm nượp chở cây gì đó có quả màu vàng, bày bán khắp các vỉa hè trên đường phố. Người đi ngoài đường cũng chở một loại cây có hoa màu hồng, màu đỏ rất đẹp mà ngày thường mình không thấy có cây này” - anh Leon chia sẻ.
 
Người nước ngoài hào hứng lần đầu “ăn tết” Việt - 1
Gia đình trẻ rất hào hứng với tết cổ truyền Việt Nam (tác giả áo đỏ).
 
Leon là một nhà nghiên cứu người Anh làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Vợ anh, Lisa là một cô gái Ấn Độ. Họ cưới nhau được 2 năm, có một bé gái 8 tháng tuổi rồi quyết định đưa nhau sang Việt Nam sinh sống và làm việc theo lời mời của nhóm nghiên cứu hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai.
 
Trong căn nhà thuê rộng rãi ven hồ Tây thơ mộng, hai vợ chồng và bé gái kháu khỉnh sống hạnh phúc bên nhau. Hàng ngày Leon đi làm từ sớm còn Lisa ở nhà chăm con và làm việc nội trợ.
 
“Mấy ngày nay ra chợ Quảng Bá mình thấy vui lắm, có rất nhiều loại hoa và mua bán tấp nập. Người nói cũng nhanh và người đi cũng rất nhanh. Mình biết chắc ở đây sắp có ngày lễ lớn” - chị Lisa chia sẻ.
 
Ở trên kệ góc nhà của Lisa, một lọ hoa đào nở cánh to phơi phới trông rất duyên dáng. Lisa không hề biết hoa đó có tên gọi là gì cho tới khi tôi nói nó là hoa Đào, một loại hoa đặc trưng của ngày tết ở miền Bắc Việt Nam.
 
“Mình thấy nó đẹp và nhiều người thi nhau mua thì mình cũng mua về chơi. Mình mua hôm kia, chỗ này 100.000 đồng đấy” - Lisa cười nói.
 
Người nước ngoài thường có thói quen đi siêu thị mua hàng. Lisa cho biết: “Mấy ngày nay siêu thị bày bán nhiều đồ hơn mọi khi, bánh kẹo, mứt, bia rượu chất cao ngất ngưởng như núi ấy. Mình thấy bày bán cả những giỏ quà, túi quà nữa. Hỏi thì mới biết để người Việt mua làm quà tết”.
 
Mong được “ăn tết” cùng người Việt
 
“Bánh chưng mình chưa ăn bao giờ. Hôm qua mình có thấy nhà bà chủ ở dưới tầng để một thứ lá dài, màu xanh, thấy có cả thịt lợn và một thứ màu vàng để ở trong bát to. Bà chủ nhà cười nói mấy câu gì đó hình như là “tết” và “chưng”, mình chỉ nhớ vậy thôi” - Leon gượng gạo phân tích.
 
Được nghe tôi giải thích về những nguyên liệu dùng để làm bánh chưng, thứ bánh đặc trưng của ngày tết ở Việt Nam và nó có trong truyền thuyết của lịch sử Việt Nam, Leon rất mãn nguyện vì đã hiểu ra lẽ cái mà hôm qua bà chủ nhà nói là “chưng” và “tết”.
 
Rất tình cờ tôi có mang bánh chưng theo để tặng họ, vì thế chẳng có lý do gì lại không bóc bánh mới hai vợ chồng Leon ăn. Họ khen “bánh rất ngon” nhưng băn khoăn sao nó lại dẻo, dính thế?.
 
Tôi tiếp tục giải thích cho họ về một loại gạo vừa thơm, vừa dẻo đó chính là gạo nếp mà khi làm bánh người ta phải lựa chọn loại gạo ngon, hạt đều… “Vậy tết mời mình tới nhà đi, vợ chồng mình và baby sẽ đến ăn bánh chưng cùng các bạn” - Lisa thân thiện ngỏ ý.
 
Vợ chồng Leon và Lisa đặc biệt ngạc nhiên khi tôi dùng lạt buộc cắt bánh chưng thành 8 miếng đều nhau. Họ cứ nghĩ là phải lấy dao mới làm được việc này. Tôi cũng nói thêm, đó là điều đặc biệt nữa của bánh chưng Việt Nam. Thứ bánh này phải ăn cùng với củ hành chua và thịt đông nữa mới thật là đúng vị. “Vậy nhất định tết này phải tới nhà bạn để thưởng thức bánh chưng mới được. Nghe bạn nói mà muốn ăn nữa quá” - Leon cười nói.
 
Họ hỏi tôi tết ở Việt Nam có bắn pháo hoa không và bắn ở những đâu. Ngoài xem pháo hoa ra, có những điểm vui chơi nào lý thú?. Tôi cung cấp cho hai vợ chồng Leon tất cả các thông tin mà họ muốn biết và họ hài lòng cám ơn tôi.
 
Ra về trong cái ôm hôn thắm thiết của vợ chồng Leon và Lisa, tôi rút phong bao có linh vật mèo lì xì cho bé gái và mời họ tết qua nhà tôi để ăn tết Việt Nam. Vợ chồng Lisa rất vui và xúc động. Họ hứa là nhất định sẽ tới để vui tết cùng chúng tôi.
 
Thanh Xuân
Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011