1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Người nhà trời” có khả năng thuần phục ngàn trâu dữ bằng phép... thôi miên

Trâu, bò dù cho hung dữ đến đâu nhưng chỉ cần 5 phút - nhổ một cái lông ở mí mắt rồi “làm phép” đọc mấy câu “thần chú” - là anh có thể “bảo” chúng phải nghe theo và tuân phục mọi mệnh lệnh.

Chỉ cần 5 phút, anh Văn đã bắt những con trâu, bò hung dữ phải tuân lệnh của mình.
Chỉ cần 5 phút, anh Văn đã bắt những con trâu, bò hung dữ phải tuân lệnh của mình.
 
Giấc mơ kỳ lạ

 

Đến huyện lúa Yên Thành (Nghệ An), hỏi thăm nhà anh Mai Huy Văn (trú tại xóm 2, xã Hậu Thành) người có phép “thôi miên” thuần phục hàng ngàn con trâu, bò hung dữ ai cũng biết. Yên Thành đặc thù là huyện làm nông chủ yếu dựa sức kéo trâu, bò nên người dân ở đây quý trọng, tôn vinh và ví anh như là “kỳ nhân” đã giúp họ thuần phục hàng ngàn trâu, bò “cứng đầu”. 

 

Huyện lúa Yên Thành đang chuẩn bị vào vụ đông xuân nên công việc anh lại càng thêm bận rộn. Để kịp cho vụ cày cấy sắp tới, anh không được nghỉ ngơi một ngày nào, cứ vừa bưng bát cơm là có người đến gọi nhờ “làm phép” thuần phục trâu, bò. Cũng bởi vậy, sau mấy lần hẹn gặp, chúng tôi mới được cái gật đầu của anh.

 

Vừa rót chén nước mời khách, anh Văn vừa nói về khả năng đặc biệt của mình: “Ông trời cho tôi chút tài để giúp bà con nhân dân thôi, cái nghề này đã theo tôi mấy chục năm nay. Tính đến nay, tôi cũng không rõ mình đã thuần phục được bao nhiêu con trâu, bò nhưng số lượng đó phải đến hàng ngàn con”.

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông với 6 anh chị em nhưng chỉ riêng anh có biệt tài đặc biệt này. Vào những năm 1986, nhận thấy vùng đất Cồn Giàng hoang hóa không có người sinh sống nên bố anh đã ra đây khai hoang làm nông trại. Cồn Giàng vốn là một ngọn đồi thấp nằm biệt lập với các ngọn đồi khác trong vùng này. Theo các vị cao niên kể lại rằng, vùng đất này vốn là chốn đồi núi hoang vu, thú dữ về đây rất nhiều nên không một bóng người qua lại. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người bắt đầu ra vùng đất Cồn Giang khai hoang làm nông trại, dựng nhà để ở. Dần dà, người ta cũng quen với cuộc sống nơi đây và không còn sợ hãi về những lời đồn linh thiêng ở chốn này.  

 

Lúc bố anh ra đây khai hoang lập trang trại, xung quanh vùng đất này đã bắt đầu có người tới định cư. “Năm lên 10 tuổi, tôi được bố giao cho nhiệm vụ canh giữ trang trại của gia đình. Lúc đó vì quá nhỏ tuổi nên tôi cũng không biết sợ là gì, có hôm một mình ngủ lại trang trại và rất ít khi về nhà. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ” - anh Văn kể?

 

Anh Văn cũng nhớ lại, việc anh phát hiện ra khả năng kỳ lạ này là từ một đêm anh nằm mơ mà có được. “Khi đó tôi vừa tròn 16 tuổi. Vào một đêm trời giá rét, tôi ngủ lại trang trại như các ngày bình thường khác. Khi đang một mình nằm ngủ trong lán thì mơ thấy một người cao to, mặc áo trắng toát, râu tóc bạc cước. Ông ta tiến lại gần giường rồi khua tay trước mặt tôi. Sáng mai tỉnh dậy trong đầu tôi thấy lạnh rân, người uể oải. Điều kỳ lạ là khi tôi lại gần trâu, bò thì tôi nói gì nó cũng như thấu hiểu được mình. Đem những điều lạ này thử đi thử lại nhiều lần mới biết mình có khả năng “nói chuyện” được với trâu, bò”. 

 

Có thể “nói chuyện” với trâu bò?

 

Nguồn thu nhập chính của người dân huyện lúa Yên Thành chủ yếu từ nông nghiệp và dựa vào sức kéo của trâu, bò để làm ruộng. Cứ sau vài ba năm, sau khi trâu, bò đã trưởng thành người ta lại thay mới con khác. Họ lặn lội lên các huyện miền núi của xứ Nghệ hoặc sang Lào để tậu những chú nghé tốt, khỏe mạnh để làm sức kéo. Những chú nghé này phần lớn chưa qua kéo cày, chưa được thuần phục, tính cách còn hung hãn, chúng có thể húc bất cứ ai muốn tiếp cận. Đa phần, những lúc này người ta lại nhớ đến anh Văn.  

 

Nhiều người đồn thổi, truyền tai nhau rằng anh Văn có được biệt tài ấy là do một thầy lang người dân tộc Mường ở miền Tây xứ Nghệ truyền cho lá bùa để thuần phục trâu, bò. Người dân ở đây còn đồn rằng anh có thể nói chuyện được với trâu, bò. Tuy nhiên, khi đem câu chuyện này hỏi anh, anh Văn chỉ mỉm cười. Việc anh nằm mơ thấy một ông lão xuất hiện cho đến nay vẫn chưa thể xác định được đó có phải là nguyên nhân khiến anh có biệt tài thuần phục ngàn trâu, bò dữ hay không, tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là đối với những con trâu, bò bướng bỉnh “quất không đi, hò không đứng” chỉ cần 5 phút anh Văn đã bắt chúng phải nghe theo mệnh lệnh của anh.

 

Nói về khả năng đặc biệt của mình anh Văn bật mí: “Con vật cũng giống với con người, nó có tính cách nhau gọi là cái “vía”. Chỉ cần nhìn qua là biết con nào thuần phục. Những con bướng bỉnh khó thuần thường là loại trâu, bò bạc mày, loạn xoáy, sát chủ... Cũng vì thế mình sẽ có biện pháp với từng con mà thuần phục nó. Tính đến nay, tôi đã thuần phục được hàng ngàn con trâu, bò và chưa đầu hàng trước bất cứ một con nào, dù chúng có bướng bỉnh đến đâu tôi cũng bắt chúng phải “tuân lệnh” mà nghe theo”. 

 

Chị Nguyễn Thị Hoa - vợ anh Văn chia sẻ: “Ngày trước, khi anh Văn đến hỏi tôi làm vợ, bố mẹ tôi cứ can ngăn sợ anh là người của nhà trời nên sẽ bị bắt đi khi nào không hay. Bỏ qua những lời dị nghị ấy, chúng tôi vẫn quyết tâm đến với nhau và hiện đã có 3 đứa con ngoan, học giỏi. Nói về cái nghề của anh ấy, nhiều lúc tôi cũng khuyên anh nên nghỉ. Tôi lo là lỡ gặp con trâu nào hung tợn, bướng bỉnh húc phải thì tai họa ập đến lúc nào không hay. Tuy nhiên, đến nay thì anh vẫn chưa dứt ra được mà còn phải làm nhiều hơn do tiếng tăm ngày càng lan xa và người nhờ thuần phục trâu bò ngày một nhiều. Thôi thì đó cũng là một việc  tốt giúp dân làng”. 

 

“Báu vật sống” của dân làng

 

Những việc làm có ích của anh Văn đã khiến người dân nơi đây coi anh như là “báu vật sống”. Người làm nông nghiệp luôn coi trọng con trâu, coi nó “là đầu cơ nghiệp”, đói no cũng nhờ vào nó. Phải khó khăn vất vả họ mới tích góp được ít vốn để tậu con trâu, bò tốt, vậy nên việc thuần phục được “đầu cơ nghiệp” để giúp gia đình trong việc làm nông nghiệp càng khiến họ quý trọng con trâu.

 

Đối với anh Văn, việc giúp người dân nơi đây thuần phục trâu, bò là một việc làm có ích, tích phúc cho đời. Cũng bởi vậy, cho dù là xa xôi, nhưng mỗi khi có người tới nhờ, anh đều không ngại ngần giúp đỡ và hoàn toàn miễn phí.

 

Anh Văn chia sẻ: “Tôi đã làm cái công việc này từ mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ lấy một đồng tiền công. Ngày trước chưa có điện thoại, mỗi khi người dân có nhờ giúp đỡ phải tìm đến tận nhà. Có người từ miền núi về, nuôi cả hàng chục con trâu nhờ giúp đỡ nhưng vì ở xa nên đành ngủ lại thúc giục để tôi đi cho bằng được. Bây giờ, có điện thoại, việc liên lạc dễ dàng hơn, có ngày phải đến vài ba chục cuộc điện thoại mà nội dung vẫn là nhờ thuần phục trâu, bò cho họ”.

 

Không chỉ có khả năng huấn luyện, thuần phục trâu, bò, anh Văn còn có khả năng trị bệnh cho trâu, bò. Vào những ngày đông lạnh giá, trâu, bò thường xuyên mắc bệnh, đặc biệt là bệnh giòi đục do vết lở loét trên cơ thể của chúng khiến ruồi nhặng bâu vào mà sinh giòi bọ ký sinh. Với khả năng của mình, anh có thể dùng “phép thuật” yểm bùa vào chỗ vết thương lở loét có giòi bọ ký sinh. Sau khi bị yểm, giòi bọ từ vết thương cứ thế chui ra mà không ai biết anh Văn đã làm như thế nào cả.   

 

Về khả năng đặc biệt của mình, anh Văn cho biết chưa hề có ý định truyền lại cho ai. Cùng với đó, khả năng thuần phục trâu, bò của anh hiện vẫn đang là một bí ẩn chưa ai giải thích được.

 

Theo Xuân Lê

Lao Động