TPHCM:
Người nghèo thẫn thờ hụt hẫng khi quán cơm 2.000 đồng nghỉ dịch
(Dân trí) - "Giờ quán xá người ta đóng cửa hết rồi, có tiền cũng khó còn chỗ để mua nữa. Giãn cách như vầy, sợ ít ai đi phát cơm từ thiện nữa" - bà Liên (76 tuổi) ôm chiếc hộp rỗng trên tay, rưng rưng nước mắt.
Từng là nơi gửi gắm hy vọng của những người nghèo khổ, nhất là trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh, nhưng quán cơm xã hội Nụ Cười 1 đã phải ngưng hoạt động để đảm bảo giãn cách xã hội, chung tay cùng thành phố chống dịch Covid-19.
Chỉ cách đây vài ngày, trước cửa quán còn có hàng trăm người đến xếp hàng chờ được mua cơm với giá 2.000 đồng. Nhưng hôm nay, không khí bỗng vắng lặng khi cửa quán đóng chặt, dựng trước cửa là tấm bảng trắng ghi vỏn vẹn hai chữ: "Nghỉ bán".
Người nghèo buồn bã khi quán cơm 2.000 đồng đóng cửa
Dưới cái nắng gay gắt lúc ban trưa, người đàn ông lớn tuổi buồn bã nhìn vào tấm bảng có ghi hai chữ "Nghỉ bán", rồi chầm chậm dắt chiếc xe chở phế liệu đi.
Đi được vài bước, ông Sấm bỗng lùi lại, dừng xe trước cửa quán, đứng đợi hồi lâu như tìm kiếm một chút hy vọng. Thế nhưng, "trả lời" ông vẫn chỉ là cảnh cửa xếp đóng chặt.
Hơn 70 tuổi, ông vẫn chật vật mỗi ngày với đống ve chai, phế liệu để duy trì cuộc sống. Không vợ con cũng chẳng có nhà cửa, ông cứ một mình lủi thủi với chiếc xe đạp cũ kỹ, lang thang khắp mọi nẻo đường Sài Gòn. Ông Sấm là khách quen của quán này, hầu như bữa trưa nào cũng đến ăn cơm tại đây.
"Mấy cô ở đây tiếng là bán, nhưng giá mỗi phần có 2.000 đồng thôi. Giá vậy là cho chứ buôn bán gì đâu. Cơm mấy cô đơm cho nhiều lắm, có thịt, có rau, có canh đầy đủ hết. Mang ơn mấy cổ lắm! Đợt này không có mấy cô tôi cũng không biết có kiếm ra được miếng ăn không", ông Sấm ngậm ngùi chia sẻ.
Chẳng phải riêng ông Sấm, từ khoảng 9h-12h, rất nhiều người lần lượt đi ngang quán cơm Nụ Cười... rồi lại thất vọng, thở dài bỏ đi.
Dường như ngó lơ đi bảng thông báo của quán, bà Liên (76 tuổi) cứ đi đi lại lại phía trước, ôm khư khư chiếc hộp nhựa đã cũ kỹ trên tay, mong chờ cánh cửa sắt mở ra. Bà chia sẻ, bình thường vẫn tới đây mua cơm vào mỗi buổi trưa, cứ đưa 2.000 đồng, quán sẽ xới cho bà cả một hộp cơm đầy, đủ để ăn cả ngày.
Tôi gửi chút tiền để bà mua cơm, bà lão cầm rồi rưng rưng nước mắt.
"Giờ quán xá người ta đóng cửa hết rồi, có tiền cũng khó còn chỗ để mua nữa. Giờ quán này cũng đóng luôn, chắc tôi đói thôi! Giãn cách như vầy, sợ là ít ai đi phát cơm từ thiện nữa".
"Nghỉ thì mình an toàn, nhưng người nghèo biết kiếm cơm đâu ăn?"
Liên hệ với số điện thoại được ghi trên bảng hiệu của quán, chúng tôi được mời vào trong để trò chuyện với các nhân viên, tình nguyện viên có mặt tại đây.
Cô Hoàng Thị Vinh (59 tuổi), một tình nguyện viên tại quán cho biết, lý do Nụ Cười tạm ngưng bán cơm để thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16 và yêu cầu của lãnh đạo phường 14, quận 5, TPHCM.
"Lúc phường xuống kêu quán đóng cửa, tụi cô đã lỡ nấu xong cơm của ngày hôm đó rồi. Vậy nên phường đã mua lại hết 500 phần cơm của quán để phát luôn" - cô Vinh cho biết.
Theo chia sẻ của cô Oanh (55 tuổi), đầu bếp chính, thời gian trước, quán bán cho mọi người ăn tại chỗ, nhưng trong mùa dịch chỉ bán theo hình thức mang về. Những người đến mua sẽ cầm theo hộp đựng cơm, phải tuân thủ đeo khẩu trang, đứng xếp hàng khoảng cách 2 m để đảm bảo an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, theo yêu cầu phòng chống dịch, quán phải đóng cửa để tránh tụ tập đông người, đảm bảo không để lây lan.
"Thiệt tình đi làm trong thời điểm này cũng sợ dữ lắm, nhất là ngày nào mình cũng tiếp xúc hàng trăm người. Nhưng ở đây mọi người đều suy nghĩ, nếu ai cũng sợ, ai sẽ làm đây? Ai cũng sợ thì người nghèo khổ, sống lang thang lấy cơm đâu ra mà ăn" - cô Oanh chia sẻ.
Cô Oanh bảo các thành viên tại quán cơm đều xót xa khi nhìn thấy những người khó khăn cầm hộp đến mua cơm nhưng phải thất vọng ra về. Dù mủi lòng, nhưng quán chẳng thể làm khác được, chỉ biết gửi gắm những phần cơm vừa nấu xong nhờ các cán bộ của phường mang đi phân phát.
"Giờ làm theo kêu gọi của phường, thực hiện giãn cách, ngưng bán thì mình sẽ được an toàn. Biết là đúng đắn và cần thiết nhưng trong lòng tôi vẫn thấy lo. Tôi lo cho những người nghèo khổ ngoài kia. Nếu bếp ăn từ thiện nào cũng ngưng làm hết, họ biết kiếm cơm đâu ra?" - chị Lanh, một nhân viên của quán chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Nam Phú - Tổ trưởng Tổ Trật tự Đô thị phường 14, quận 5, những phần cơm mua từ quán Nụ Cười chủ yếu được đưa đến khu cách ly tập trung trên địa bàn ở trường mầm non Họa Mi 3. Trên đường đi, các anh cũng sẽ phát tặng cho những bà con khó khăn đang cần.